Một tiết dạy – học môn văn tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi |
Nhân đọc bài Tích hợp trong dạy học ngữ văn: Lý thuyết và thực tiễn còn khoảng cách (Giáo dục TP.HCM, trang 6, ngày 11-5), tôi xin có vài ý kiến về vấn đề dạy học môn văn hiện nay.
“Văn học là nhân học; là một bộ môn nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm công cụ để miêu tả; thông qua hình tượng, điển hình để phản ánh cuộc sống và phục vụ cuộc sống”. Định nghĩa về văn học của M. Go-rơ-ki vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Văn học luôn bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, cắm rễ sâu vào mảnh đất hiện thực cuộc sống. Xa rời mảnh đất ấy, cây văn học sẽ khô héo, lụi tàn… Dạy – học văn là dạy – học những điều từ hiện thực như thế đã được khái quát, nâng lên thành hình tượng nghệ thuật.
Những đề văn gợi mở, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh là kết quả của một quá trình nghiền ngẫm, trải nghiệm của người dũng cảm ra đề. Người ra đề phải am hiểu tận tường cuộc sống, am hiểu tâm lý các em; bám sát những vấn đề thời sự, những vấn đề xảy ra trong cuộc sống xung quanh; biết cách khơi dậy mạch ngầm sáng tạo trong mỗi con người. Nói tóm lại, người dạy văn, người ra đề văn phải là người đam mê, say mê với bộ môn một cách mãnh liệt, bền vững. Ở đây không có sự nửa vời, sự suy nghĩ nông cạn, hời hợt.
Nếu ngại khó, ngại khổ; không dám đương đầu với “búa rìu” dư luận; thiếu bản lĩnh của người ra đề thì không thể có dạng đề mở như vậy được. Nói thiệt tình, học sinh đã “ngán tận cổ” môn văn hiện nay rồi. Nếu môn văn không thi bắt buộc, được tùy chọn thì đại đa số các em đã bỏ môn văn ngay lập tức.
Tuy nhiên, một số đề thi trong thời gian qua của bộ môn văn thật sâu sắc. Đó là đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11 chẳng hạn. Qua hai hình vẽ là yêu cầu đề “Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên (ảnh 1 và 2) đang “gần” hay “xa” nhau? Thành tựu khoa học phát triển như vũ bão, con người có thể dễ dàng tìm đường lên tới sao Hỏa, sao Kim nhưng con người lại gặp muôn vàn khó khăn khi tìm đường đi tới trái tim của nhau. Trong hai hình vẽ là hình ảnh của cuộc sống hiện đại. Ngồi cạnh nhau nhưng là hai “vũ trụ”, hai thế giới khác nhau! Mỗi người đang mải tìm cuộc sống trên màn hình ảo. Sự chia sẻ, cảm thông giữa con người với con người thật khó tìm.
Đề văn như thế mới là đề văn gắn liền với cuộc sống; để các em tự viết ra những cảm nhận, suy nghĩ thật nhất của lòng mình. Văn không cần khuôn mẫu mà văn luôn nảy nở, biến hóa, phong phú, hấp dẫn như hơi thở cuộc sống hàng ngày.
Nhà giáo Lê Đức
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
Bình luận (0)