Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cần trang bị kỹ năng sư phạm

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần có cái tâm và bản lĩnh vững vàng

Sau loạt bài Phụ huynh có nên “thương cho roi cho vọt”, Báo Giáo Dục TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Tòa soạn xin trích đăng một số ý kiến nhằm giúp phụ huynh và giáo viên (GV) có phương pháp dạy học sinh (HS) tích cực hơn.
Cô Lưu Nhi Thúy Hồng (Trưởng phòng Văn hóa, Trung tâm GDTX Gia Định): Nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh
Nhiều người cho rằng, trung tâm GDTX là “thùng rác” chứa những HS thi rớt  trường công lập nên không còn lựa chọn nào khác phải vào học GDTX. Những HS trên thường là đối tượng lười biếng trong học tập và hay quậy phá. Nhận định này đúng, nhưng không phải HS nào cũng quậy phá và lười học do không có sự giáo dục của gia đình. Nhiều em có học lực tốt nhưng do chọn sai trường nên cuối cùng rớt trường công, vì vậy các em chán nản và không thiết tha học nữa.
Hiểu được tâm lý chán nản, bất mãn của các em nên trung tâm quán triệt GV không sử dụng các hình thức đánh hay mắng HS, bởi làm như vậy các em sẽ cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương và càng quậy phá nhiều hơn. Khi các em mới vào lớp 10 mà có thái độ quậy phá là trung tâm lập tức rà soát lại học bạ xem học lực và đạo đức như thế nào, sau đó sẽ nói chuyện với các em, nếu cần thiết sẽ nói chuyện với phụ huynh để hiểu rõ HS hơn. Tiếp đến là tạo điều kiện cho những em chưa ngoan làm cán bộ lớp để các em thấy có người tin tưởng mình và cố gắng học tập, không phạm sai lầm vì thấy được vai trò của mình ở trong lớp là cần làm gương cho những bạn khác.
Đối với trường hợp HS quậy phá liên tục, GV đã dùng nhiều kỹ năng sư phạm xử lý mà vẫn không thay đổi thì trung tâm khuyên GV hết sức kiềm chế cảm xúc nóng giận để phối hợp với giám thị giáo dục các em. Giám thị yêu cầu HS làm bản tự kiểm điểm và hứa sẽ sửa chữa sai phạm. Nếu các em vẫn tiếp tục vi phạm thì trung tâm tiếp tục mời phụ huynh lên làm việc. Sự kết hợp giữa phụ huynh và nhà trường là rất quan trọng trong quá trình giáo dục các em. Nếu như cha mẹ vẫn không thể làm cho con em sửa lỗi sai thì sau ba lần mời phụ huynh lên làm việc, nhà trường sẽ tổ chức hội đồng kỷ luật để xử lý. Thực ra, rất hiếm phải xử lý HS đến “giai đoạn” này, nhưng trung tâm cũng cần phải có những bước xử lý theo đúng với kỹ năng sư phạm, tuyệt đối không xúc phạm hay đánh HS.
ThS. Nguyễn Thanh Mai (Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Quốc tế Việt Mỹ): GV phải có bản lĩnh vững vàng
GV đánh HS là vi phạm nội quy của ngành nhưng hiện nay vẫn có không ít GV không kiềm chế được cảm xúc trước các hành động thiếu lễ phép của HS. Một trong những nguyên nhân xảy ra hiện tượng này chính là do GV phải chịu nhiều áp lực về công việc, gia đình… và mang tâm lý không thoải mái đến trường. Khi gặp phải HS vô lễ, họ nóng giận, thiếu kiểm soát bản thân dẫn đến những hành vi phản sư phạm. Một nguyên nhân nữa là “GV đánh HS chỉ để chứng tỏ quyền lực của bản thân như quyền cho học, cho điểm…”.
Tuy nhiên, dù với nguyên nhân nào đi nữa thì việc GV đánh học trò thể hiện sự yếu kém về năng lực sư phạm. Điều quan trọng là GV – bên cạnh nhiệm vụ truyền đạt tri thức – phải gần gũi, quan tâm chăm sóc để cảm hóa và giúp các em thay đổi, sửa chữa những thói hư tật xấu. Để làm được việc này, GV cần có sự kiên nhẫn vì ở độ tuổi HS không thể ngày một ngày hai thay đổi bản tính của mình. Ngoài ra, GV cần có cái tâm, bản lĩnh vững vàng để vượt qua thử thách. Đặc biệt, họ cần có sự kết hợp chặt chẽ và đồng thuận với phụ huynh để giáo dục tốt các em…
Thực tế, không một ngôi trường nào mở cửa để HS muốn làm gì thì làm, thích thì học còn không thích lại chơi… Tất cả các trường mở ra là để giáo dục HS thành người có ích cho xã hội, trưởng thành về đạo đức và tài năng. Vì thế, khi đã chọn sự nghiệp trồng người thì phải người yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm với nghề để dạy người – dạy chữ cho các em.
Để giải quyết triệt để hiện tượng GV có hành vi bạo lực với HS, tôi cho rằng các cấp lãnh đạo và nhà trường cần tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề về bồi dưỡng các kỹ năng sư phạm như: Ứng phó và giải quyết các tình huống sư phạm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nâng cao hiệu quả giờ dạy… cho GV nhiều hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường phải luôn là tấm gương mẫu mực cho tập thể hội đồng sư phạm, gần gũi để nắm tâm tư, nguyện vọng cũng như nhược điểm vốn có của GV để có hướng khắc phục…
Dương Bình (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)