Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cần trợ lực để người trẻ làm dự án về văn hóa truyền thống

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít dự án giữ gìn văn hóa truyền thống được các bạn trẻ phát triển, nhưng sức sống của chúng không bền, vì thiếu nguồn lực hỗ trợ.

Sớm nở tối tàn

Lịch sử 10 năm huy hoàng của giải Thanh Tâm được gói gọn trong một video dài hơn 12 phút, do Viesoul Creative thực hiện. Những tư liệu về giải Thanh Tâm được tái hiện với các hình ảnh nhuốm màu thời gian, kết hợp với âm thanh sinh động, gợi không gian xưa cũ. Dự án nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem, nhờ hệ thống được kiến thức ngắn gọn, sinh động.

Hình ảnh từ dự án tái hiện giải Thanh Tâm của Viesoul Creative - Nguồn ảnh: Viesoul Creative

Hình ảnh từ dự án tái hiện giải Thanh Tâm của Viesoul Creative. Nguồn ảnh: Viesoul Creative

Sau dự án này, Viesoul Creative đang ấp ủ phát triển thêm một số dự án khác. Đây không phải lần đầu dự án văn hóa phi lợi nhuận được người trẻ phát triển. Trước đó, đã xuất hiện một loạt chương trình để quảng bá nghệ thuật hát bội đến với người trẻ như: Trăm năm một cõi, Hát bội 101, Vẽ về hát bội, Giữ lửa ngàn năm, Vang vọng trống chầu.

Nghệ thuật cải lương cũng có các dự án như: đêm nghệ thuật GiaoCùng cộng đồng kể chuyện cải lương, Cải cách lương truyền… Nhóm sinh viên của Trường đại học Hoa Sen có Hò xự xang xê cống, giới thiệu một loạt loại hình nghệ thuật truyền thống gắn liền với mảnh đất Nam Bộ như: hát bội, cải lương, nhạc lễ…

Các dự án đều xuất phát từ mục tiêu góp phần giữ gìn các nét văn hóa, truyền thống trước sự tấn công mạnh mẽ của các hình thức giải trí, văn hóa hiện đại. Chúng được đánh giá rất cao bởi sự sáng tạo của các bạn trẻ, hình ảnh bắt mắt, nắm được xu thế tiếp nhận của thế hệ trẻ, tận dụng tốt mạng xã hội để truyền thông, quảng bá…

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh – người từng tham gia các dự án về hát bội – nói bà kỳ vọng những chương trình tương tự sẽ tiếp tục được các bạn trẻ phát triển. Thông qua đó, nghệ thuật truyền thống có thêm cơ hội được gìn giữ và phát triển. Nhưng tiếc rằng phần lớn trong số này đều có tuổi thọ rất thấp, chỉ qua được một mùa là dừng, chưa có tín hiệu quay lại.

Kỳ vọng gì cho tương lai?

Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu sự hỗ trợ, đặc biệt là kinh phí. Sau chương trình Hò xự xang xê cống, các sinh viên Hoa Sen mong có thể tổ chức thêm nhiều số, nhưng bài toán kinh phí đã bóp nghẹt mong muốn này.

Nguyễn Ngọc Ngân – người khởi xướng dự án – tâm sự, khi bắt đầu dự án đã nghĩ đến việc đi tìm sự hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng bắt đầu từ đâu, phải tìm đến tổ chức nào là câu hỏi không dễ trả lời. Ngay trong dự án này, sự giúp đỡ lớn nhất mà Ngân và cộng sự nhận được là sự thông cảm, chia sẻ của các nghệ sĩ, đơn vị để từ đó có được sự hướng dẫn về chuyên môn, mức thù lao ít nhất có thể.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình Hò xự xang xê cống, do sinh viên Đại học Hoa Sen tổ chức tối 26/5, tại sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh (quận 10, TPHCM). Ảnh: BTC

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình Hò xự xang xê cống, do sinh viên Đại học Hoa Sen tổ chức tối 26/5, tại sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh (quận 10, TPHCM). Ảnh: BTC

Khó khăn về kinh phí vận hành cũng là vấn đề mà Viesoul Creative đang đối diện ở những dự án tiếp theo sau khi tái hiện giải Thanh Tâm. Nhóm đã đăng thông tin tìm hỗ trợ trên fanpage chính thức.

Dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh được phát triển tại Việt Nam nhằm bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Một số dự án nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ tổ chức này như: Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương, thư viện Diễn xướng Nam Bộ… Còn lại, nhiều dự án đều do các bạn trẻ tự bỏ tiền túi, tìm tài trợ từ người thân, bạn bè. Rất chật vật nên hầu hết dự án không thể duy trì.

Tiến sĩ Đào Lê Na – người sáng lập dự án YUME Art Project (đơn vị từng thực hiện nhiều dự án văn hóa phi lợi nhuận) – cho biết: khi cần nguồn hỗ trợ, đồng hành, chị thường tìm kiếm những nguồn tài trợ phù hợp với chương trình mình làm. Nếu làm về cải lương, Truyện Kiều thì tìm những nguồn tài trợ, doanh nghiệp quan tâm đến văn hóa thông qua các chương trình họ đã tài trợ trước đó; hoặc thương hiệu có liên quan đến các hoạt động mà dự án hướng tới. Chị cũng tìm đến các tổ chức chính phủ đang triển khai các dự án tương tự với dự án đang làm để nộp hồ sơ như Hội đồng Anh, Viện Trao đổi văn hóa với Pháp, Viện Goethe… Nhiều doanh nhân cũng trợ lực cho các dự án văn hóa. Tuy nhiên, họ thường ít ra mặt. Vì thế, để các bạn trẻ có thể tiếp cận các nguồn lực này là thật sự khó.

Theo tiến sĩ Đào Lê Na, rất cần có một quỹ hỗ trợ các bạn trẻ, nhưng việc thành lập từ đâu, vận hành quỹ ra sao cũng là những câu hỏi khó. Điều tốt nhất có thể làm hiện tại là có những cuộc hội thảo, gặp gỡ, hỗ trợ kinh nghiệm cho các bạn trẻ.

Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Áo dài – cho rằng: muốn một dự án có sức sống lâu bền thì chủ thể sáng tạo cũng phải tính đến tính bền vững. Như thế sẽ dễ thuyết phục các đơn vị tài trợ. Bà cho rằng người trẻ nên kiên trì trong bước đầu. Khi xin được tài trợ cũng phải đảm bảo sử dụng rõ ràng, minh bạch. Việc duy trì kết nối, thể hiện lòng biết ơn… với các đơn vị này cũng là điều hết sức cần thiết. Những kỹ năng này được tập trung lại thành một môn học mà bà từng được học với các chuyên gia nước ngoài. Đây là điều hết sức quan trọng. Các trường đại học nên nắm bắt để từ đó hướng dẫn sinh viên, tạo sự kết nối giữa họ với các đơn vị tài trợ. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Bình luận (0)