Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Cẩn trọng chọn ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Chọn ngành học là chuyện không hề đơn giản và với việc đầu tư tài chính quá lớn thì việc chọn ngành du học càng phải suy tính kỹ lưỡng hơn
Học sinh Việt Nam cứ 10 người thì hết 9 người du học ngành kinh doanh, tài chính. Một chuyên gia trong lĩnh vực du học ví von như thế về xu hướng chọn ngành của du học sinh trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay, xu hướng này có thể bất lợi trong quá trình tìm việc khi về Việt Nam.
Học sinh đưa bảng điểm phổ thông trung học  để được tư vấn chọn ngành tại triển lãm du học Mỹ do AAE tổ chức 
Kết hợp nhiều yếu tố
Cựu du học sinh Lê Phương cho biết đã trải qua 3 công ty trong vòng 1 năm sau khi về nước từ khóa học ĐH và thạc sĩ về kinh doanh ở nước ngoài. Công việc cũng không dễ dàng gì. Khi lượng khách hàng giảm, Lê Phương phải gọi cho từng người và xin phản hồi; rồi tiếp thị đủ kiểu để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Còn H. Thu tốt nghiệp ĐH ngành quản trị kinh doanh tại Mỹ cũng đã trải qua 3 công việc chỉ trong 6 tháng về nước. Thu đang trụ lại công việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng. So với khoản tiền đã bỏ ra du học thì chẳng thấm tháp gì.
Theo IDP, nhu cầu lao động của thị trường sẽ thay đổi theo từng thời điểm, do đó nên chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân thay vì chỉ dựa vào nhu cầu lao động. Tạp chí giáo dục The Princeton Review – Mỹ cũng đưa ra lời khuyên: Nên chọn một ngành làm cho bạn yêu thích và có liên quan ít nhiều đến cuộc sống mà bạn muốn tạo dựng cho mình sau khi tốt nghiệp.
Tận dụng thế mạnh đào tạo từng nước
Để việc chọn ngành du học đạt hiệu quả cao, du học sinh còn phải chọn nước có thế mạnh về các ngành đào tạo đó để học. Thực tế, nhiều nhà tuyển dụng dựa vào thế mạnh của các trường, các nước trong việc đào tạo các chuyên ngành để tuyển dụng nhân viên. Đối với những học sinh có điều kiện kinh tế, việc chọn trường, chọn nước du học theo đúng thế mạnh khá thuận lợi.
 Ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Việt Nam Hợp Điểm, cho biết: Khi học về kinh doanh, tài chính… nhiều người sẽ đến Mỹ, Anh vì bản thân cuộc sống nơi này là bài học lớn cho người đi học. Trong quá trình học, các trường thường đưa vào thảo luận những vấn đề vừa xảy ra trong thực tế cuộc sống. Thượng Hải (Trung Quốc) và các TP lớn của Nhật Bản cũng là những trung tâm tài chính sôi động nhưng còn rào cản ngôn ngữ nên ít thu hút hơn. Singapore cũng đang nổi lên là trung tâm giao dịch tài chính. Đây cũng là lựa chọn của nhiều gia đình có tài chính vừa phải. 
Ngoài ra, những học sinh thích ngành kinh doanh, quản lý khách sạn và du lịch thường chọn các trường ĐH của Thụy Sĩ. Học ngành thiết kế, mỹ thuật thì đến London – Anh, New York – Mỹ, những nơi mạnh về các ngành này. Tuy nhiên, nếu kinh phí chưa đủ đến những nơi này, người học vẫn còn lựa chọn ở các nước có chi phí thấp hơn, đào tạo chương trình liên kết với các trường Âu, Mỹ như Malaysia, Singapore…
 Cách chọn đúng ngành
Tạp chí giáo dục The Princeton Review đưa ra một số khuyến nghị với học sinh bắt đầu chọn ngành như sau: Cần quên trường phổ thông đi. Các môn học bạn đã ghét khi còn học phổ thông sẽ phải đổi khác trong một khung cảnh giáo dục mới. Ở các khóa học hướng nghiệp bắt buộc trước khi vào ĐH, bạn hãy chọn những môn hấp dẫn mình để từ đó “bắt mạch” xem mình thích nghề nào.Nên nói chuyện với các cố vấn, thầy cô. Nói với họ điểm mạnh và các mối quan tâm của bạn. Họ có thể tư vấn ngành học làm bạn ham thích. Bạn cũng có thể xem đề cương bài giảng, các bài tập, sách… liệu có hấp dẫn được mình không?  Hỏi các sinh viên lớp trên cũng là cách rất hay. Họ thật sự là các “chuyên gia” trong trường của bạn. Họ có thể nói cho bạn cách họ chọn ngành. Cũng nên hỏi các chuyên gia chính xác nghề nghiệp của họ đòi hỏi điều gì và có hay không liên quan đến ngành học…
theo NLD

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)