Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩn trọng khi “kết bạn” với giày cao gót

Tạp Chí Giáo Dục

Chị em nên lựa chọn giày cao gót phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: T.N
Cũng như guốc cao gót, giày cao gót luôn được chị em phụ nữ ưu tiên lựa chọn khi mua sắm các loại phụ kiện thời trang. Không chỉ tôn vinh vóc dáng, giày cao gót còn đem lại cho người sở hữu nó sự tự tin và cả niềm hãnh diện trong các dịp đi chơi. Nhưng nếu làm đẹp không đúng cách, có khi phải trả giá đắt về sự thiếu hiểu biết của mình.
Đẹp mà … đau
Một thực tế cho thấy, nhu cầu mang giày cao gót ngày một tăng, nhất là khi xã hội coi trọng và ưu ái chiều cao của con người. Có người đã thỏa mãn với chiều cao của mình, nhưng cũng không ít người vẫn cảm thấy thiệt thòi vì chiều cao của cơ thể bản thân còn khiêm tốn. Để khắc phục những hạn chế, nhiều người đã tìm đến giày, guốc cao gót để làm “phao cứu sinh”. Chính vì thế hiện nay, tại các shop thời trang, giày cao gót ngày càng được lên ngôi. Có phụ nữ chỉ chọn cho mình những đôi giày chiều cao từ 5 phân trở lại vì thấy chiều cao vừa đủ và đảm bảo an toàn trong việc di chuyển. Nhưng cũng có những cô gái trẻ lại “liều mình” chọn những đôi giày cao đến 7 phân và trên cả 1 tấc để mong tự cải thiện chiều cao cho mình. Điều này, không chỉ gây đau chân, sưng ngón mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài cho chị em phụ nữ.
Ưu tiên cho sức khỏe con người
Các chuyên gia về khớp xương đã đưa ra những nguyên tắc vàng trước khi “kết bạn” với giày cao gót nhằm hạn chế tối đa những nguy hiểm do phụ kiện của đôi chân gây ra. Nên tìm hiểu công dụng cũng như tác hại của giày cao gót đối với sức khỏe con người qua sách báo và thông tin bạn bè. Kích thước đôi chân như bề rộng hay chiều dài cũng quyết định đến sự lựa chọn chiều cao một đôi giày phù hợp vì không phải ai đi giày cao gót cũng đều “đẹp dần lên” trong mắt mọi người. Vì thế cần có sự cân nhắc thật kỹ trước khi mua giày. Không ít chị em chân bị phỏng rộp là do mang giày quá chật hoặc quá rộng và không có tất/ vớ bảo vệ. Tư thế đứng thẳng không chỉ tạo nên vóc dáng đẹp mà còn làm cho đôi chân đỡ đau hơn khi mang giày cao gót.
ThS.BS Tăng Hà Nam Anh (Khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cảnh báo, giày cao gót có thể ảnh hưởng đến khớp và lâu ngày có nguy cơ gây viêm xương khớp. Khi mang giày cao gót, cơ thể, đặc biệt là cột sống sẽ bị mất thăng bằng vì thế phải tạo dáng đi phù hợp để lấy lại sự cân bằng đó. BS. Nam Anh cũng khuyên không nên mang giày quá lâu, quá nhiều nhất là trong các tiệc đứng lại không phù hợp. Chỉ mang giày cao gót những lúc thích hợp chứ không nên “chung thủy” từ sáng đến chiều tối làm cho đôi chân lúc nào cũng bị bó chặt và cơ thể phải tìm mọi cách chống đỡ rất vất vả. Những lúc nghỉ ngơi nên massage hoặc duỗi chân giống như một cách tập thể dục. Tuy thời gian ít nhưng sẽ lấy lại được sự thăng bằng cho đôi chân phải chịu đựng quá tải khi đi lại. Theo BS. Nam Anh lúc mang giày cao gót phải di chuyển từ từ không bước quá dài dễ bị vấp ngã. Đặc biệt phụ nữ mang thai thì không nên mang giày cao gót.
Quang Phan
“Trước khi chọn lựa đôi giày cao gót cần thử nhiều lần, đi lại cảm thấy thoải mái nhất. Chú ý không để các ngón chân đè lên nhau. Khi cơ bắp cơ xương hoạt động mất cân đối do mang giày “khủng” về chiều cao nên thực hiện các bài tập xoa bóp bằng cách ngồi gác chân ngang hông đưa lên hạ xuống 30-40 lần trong 3 phút. Làm đẹp nhưng phải biết giữ gìn sức khỏe chứ không nên lạm dụng vì thế tốt nhất là hạn chế mang giày cao gót nhất là trong những trường hợp chị em thấy không cần thiết” – BS. Nam Anh khuyến cáo!
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)