Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩn trọng khi mua thảo dược

Tạp Chí Giáo Dục

Cần cẩn trọng khi sử dụng một thang thuốc với nhiều loại thảo dược khác nhau như thế này
Ngoài việc chữa bệnh bằng tây y, nhiều người lại chuộng đông y, bởi cho rằng đông y có nhiều bài thuốc “hay” có thể chữa được “bách bệnh”. Nhưng đây là một quan điểm thiếu khoa học nếu như người sử dụng còn “thờ ơ” với bản thân mình.
Dễ nhầm lẫn
Các tiệm thuốc đông y mọc lên ngày càng nhiều, những loại thảo dược quý hiếm không chỉ được bày bán ở trong tủ kính mà nó còn được bán trôi nổi ngay trên vỉa hè, thậm chí cả những chợ “quê”. Vào một tiệm thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM) khi kể ra các triệu chứng của bệnh, người bốc thuốc sẽ tự bốc các vị thuốc cho chung vào một tờ báo. Sau đó, dặn dò người mua cách thức sắc thuốc, còn người mua thì cũng chỉ biết đem thuốc về sắc chứ ít ai quan tâm đến trong thang thuốc đó gồm những vị gì. Bà Lê Thị Mười (60 tuổi, ngụ quận 7) trong khi đợi lấy thuốc thì nhỏ to chia sẻ: “Tôi nghe có người mách nếu bị viêm xoang chữa thuốc tây không khỏi thì qua đây mua thuốc đông y, uống chừng vài thang là khỏi bệnh”. Theo BS. Châu Thị Hạnh Dân (Phó khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền): “Để phân biệt giữa loại thảo dược tốt và thảo dược không rõ nguồn gốc thì rất khó, ngay cả những người có chuyên môn còn có thể nhầm lẫn”. Các vị thuốc dễ nhầm lẫn là do có hình dạng giống nhau, trong quá trình chế biến làm thay đổi hình dạng ban đầu hoặc thậm chí có những vị thuốc còn trùng tên gọi. Chẳng hạn như mộc hương dùng chữa đau bụng, đầy bụng, tả lỵ, nôn mửa có thể nhầm với vị thuốc thanh mộc hương có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng trừ thống, chữa chứng huyết áp cao. Ngoài ra, nhiều vị thuốc có giá trị cao, thực sự quý và hiếm thì rất dễ giả mạo như tam thất là một loại cây quý, nếu người dùng mua hàng trôi nổi rất dễ mua phải tam thất gừng.
BS. Dân cho biết thêm: “Quá trình chế biến cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt để phát huy hết công dụng của các loại thảo dược. Nếu như thảo dược có tính độc thì phải biết cách sao chế để giảm tính độc, hoặc tính nóng, tính hàn thì tùy theo yêu cầu mà có cách chế biến phù hợp”.
Sử dụng hợp lý
Nhiều người cho rằng uống thuốc đông dược thì “lành” hơn tây dược. Tuy nhiên, dù đông hay tây mà sử dụng không đúng cách thì cũng xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. BS. Dân nhấn mạnh: “Khi sử dụng các loại thảo dược trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì người dùng có thể bị ngộ độc do chất lượng thuốc không đảm bảo, bảo quản không tốt, bào chế sai quy cách hoặc bị nhiễm vi sinh vật có hại”. Thậm chí người kê đơn có thể nhầm lẫn dược liệu hoặc cơ địa của người dùng không hợp với thuốc… cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Nếu người bệnh dùng phối hợp nhiều loại thuốc cả đông và tây thì dẫn đến sự tương tác thuốc, sản sinh ra những chất có hại cho cơ thể…
Thuốc đông y rất ít khi dùng đơn phương trừ nhân sâm, các vị thuốc thường phối lẫn với nhau. Chính vì vậy thường xảy ra những phản ứng có lợi hoặc có hại, phản nhau. Có nhiều vị thuốc không được sử dụng cho phụ nữ có thai như hương phụ, hồng hoa, phụ tử, đào nhân… Các vị thuốc này có tính chất hành huyết, phá huyết làm hư thai. BS. Dân khuyến cáo: “Nhiều loại thảo dược có độc tính rất cao nên cần phải có chuyên môn, bào chế đúng cách và tùy theo từng bệnh thì mới được sử dụng không sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, có nhiều loại thảo dược còn kỵ với một số loại thức ăn nếu dùng chung sẽ dễ ngộ độc, dị ứng hoặc phản tác dụng…”.
Việc sử dụng thuốc không đúng cách, không đạt chất lượng kéo theo rất nhiều hệ lụy cho bản thân. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tự bảo vệ mình bằng cách nếu có bệnh thì phải đến BS chuyên khoa chứ không tự mình làm BS hoặc đặt niềm tin vào những nơi chữa bệnh không có uy tín. BS. Dân khuyên: “Tuyệt đối không nên dùng thuốc tán bột không rõ nguồn gốc, nên bốc thuốc tại các nhà thuốc uy tín, có giấy phép kinh doanh. Cần phải tuân thủ chặt chẽ sự chỉ định của thầy thuốc, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng, chấp hành tốt quy trình sắc thuốc đối với từng thang thuốc cụ thể. Nếu uống thuốc theo đơn của BS mà thấy xuất hiện hiện tượng lạ của cơ thể thì phải ngưng sử dụng, báo cho thầy thuốc biết để tìm nguyên nhân xử lí kịp thời. Đối với các loại thuốc bằng thảo dược nên  sử dụng khi thuốc còn ấm…”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Nhu cầu chữa bệnh bằng đông y ngày càng cao, đó cũng là một trong những nguyên nhân xuất hiện nhiều lương y “dỏm”, không được đào tạo chính quy, chuyên môn hạn chế. Chính vì vậy, người bệnh cần tỉnh táo trong việc chữa bệnh không nên đặt niềm tin nhầm chỗ. Kéo theo đó là những hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe của bản thân.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)