Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cẩn trọng trước lừa đảo bán hàng qua mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan chức năng ở TPHCM vừa phát đi cảnh báo về tình trạng live stream – quay video điện thoại phát trực tiếp trên mạng xã hội những mặt hàng từ nước ngoài, gửi hàng qua chuyển phát nhanh, mời gọi người dân đầu tư vào các app kinh doanh hoàn tiền. Nhiều người dân muốn tăng thu nhập đã bị cuốn vào vòng xoáy kinh doanh này bất chấp rủi ro. 

Chị M.T.A., kinh doanh mỹ phẩm xách tay ngụ quận Gò Vấp, bức xúc việc bị lừa đảo, rút sạch tiền trong tài khoản. Chiều 7-3, chị A. nhận tin nhắn của 1 khách hàng cho biết họ đang ở Mỹ, muốn đặt mua quà tặng bạn gái tại quận Phú Nhuận (TPHCM). Trị giá đơn hàng hơn 10 triệu đồng, gồm nước hoa và bộ trang điểm.
Chị A. nói: “Đang dịch bệnh, thấy có khách đặt mua hàng nên tôi mừng lắm. Họ kêu nhắn số tài khoản nhưng yêu cầu tôi xác nhận thông tin vào đường link họ gửi. Tôi nhấp vào khiến 5 triệu đồng trong tài khoản của tôi bị mất sạch”.
Anh N.H.T. (ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận 3) kể về trường hợp mua trúng hoa, cây kiểng dỏm trên mạng. Đơn hàng anh H.T. mua dịp tết khoảng 3 triệu đồng, gồm dâu Hàn Quốc, táo lùn, nho Mỹ, lan đai châu đều sai trái và hoa. Thế nhưng, mang về nhà chưng được 2 tuần, cây rụng lá, trái cũng bung ra. “Xót tiền nhưng đành chịu. Xem như mua một bài học vậy”, anh H.T. tâm sự.
Ngay sau tết, hàng loạt hội nhóm nở rộ tuyển dụng khách hàng đầu tư tiền ảo, đa cấp với cam kết lợi nhuận 30%-40%/năm; thậm chí 10%/tháng, tương đương 120%/năm. Các chiêu trò này thường đánh vào những người trẻ, phụ nữ có con nhỏ, người mất việc do Covid-19… 
Cẩn trọng trước lừa đảo bán hàng qua mạng ảnh 1
Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra hàng hóa vi phạm trên địa bàn

Để phá “vòi bạch tuộc” này, Sở Công thương TPHCM vừa lập đoàn liên ngành kiểm tra Công ty IBG Việt Nam có app hoàn vốn cho người chơi lên tới 80%. Công ty có vốn đăng ký 900 tỷ đồng. Người đại diện chối bỏ trách nhiệm và cho biết chủ sở hữu là một công ty bên Mỹ nhằm gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử phạt.
Trước đó, các app mua sắm, hoàn tiền tích điểm được quảng bá rầm rộ trên các kênh truyền thông, thu hút hàng ngàn người tham gia “thử vận may”. Một môi giới của IBG tiết lộ, người tiêu dùng được hoàn tiền tới 80% trị giá tiêu dùng. Ví dụ, nạp 1 triệu đồng được hoàn 800.000 đồng, nạp 100 triệu đồng được hoàn tới 80 triệu đồng. Chỉ khoảng 3 tháng sẽ hoàn vốn, sau đó nhận tiền lời gấp 4 – 5 lần số tiền đầu tư ban đầu (?).
“Khi bị phát hiện, họ đóng công ty, xóa app. Mục tiêu của app này huy động tài chính, hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp, nhưng thực tế không mua bán hàng hóa gì. Rất may cơ quan chức năng đã kịp thời chặn app để người tiêu dùng không bị cuốn theo. Tuy vậy, người dân cần đề phòng các đối tượng đóng cái này mở ra cái khác, giống như vụ app MyAladdinz trước đây”, một cán bộ chuyên trách Sở Công thương TPHCM khuyến cáo. 
Theo ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, thời gian qua, các đối tượng vi phạm tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả bán hàng trên mạng xã hội hoặc các ứng dụng trực tuyến rất phổ biến. Cơ quan chức năng tốn nhiều thời gian, khó xác định đối tượng vi phạm thực sự cũng như nơi trữ hàng hóa. Thêm nữa, mạng xã hội thường là thông tin giả, giao dịch qua điện thoại, tin nhắn phổ biến là giao nhận hàng hóa với số lượng ít.
Trong quá trình kiểm tra, phát hiện, các đối tượng vi phạm né trách nhiệm và cho rằng website thương mại giả mạo thông tin của họ nhằm kinh doanh bất chính. Ngoài ra, hàng hóa vi phạm thường được chứa trữ tại các hộ chung cư, nhà thuê, thuộc thẩm quyền ban hành quyết định khám xét nhà của chủ tịch UBND quận huyện nên việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn, phức tạp. 
Do vậy, để xử lý hiệu quả những vấn đề nổi cộm nêu trên, ông Trương Văn Ba đề xuất nhiều giải pháp, trong đó kiến nghị Bộ Công thương sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 08/2018. Đồng thời, QLTT TP cũng triển khai công tác quản lý địa bàn, phối hợp lực lượng liên ngành, tăng cường hậu kiểm.
“Năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử sẽ được giám sát chặt chẽ hơn”, ông Trương Văn Ba khẳng định.
GIA HÂN (theo SGGP)

Bình luận (0)