Điểm sàn và điểm trúng tuyển tại nhiều trường ĐH tốp trên cách rất xa, do đó thí sinh cần cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng đăng ký.
Theo các chuyên gia, tùy năng lực của bản thân mà thí sinh cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng |
Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) lưu ý các thí sinh điều này khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Ông Cường nêu thực tế, năm nay ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM có điểm sàn xét tuyển là 21 nhưng điểm trúng tuyển năm ngoái tới trên 29,25. Tại trường này, y đa khoa cũng là ngành luôn có mức điểm trúng tuyển cao ổn định qua các năm. Vì vậy, dù thí sinh đạt sàn xét tuyển là 21 hoặc 22 vẫn nên cân nhắc khi đăng ký. Để chắc chắn, các em nên lấy điểm chuẩn các năm gần đây làm cơ sở tham chiếu.
Khác với mọi năm, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ ấn định điểm sàn với khối ngành sư phạm, cụ thể mức vừa công bố là 17 đối với hệ ĐH. Còn lại các trường ngoài sư phạm được tự xác định ngưỡng sàn riêng. Tại những trường đào tạo cả hai hệ sư phạm và ngoài sư phạm, ngưỡng sàn xét tuyển cho mỗi hệ là khác nhau. Đơn cử, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay, điểm sàn xét tuyển vào khối ngoài sư phạm đa phần lấy từ 16 trở lên. Ở hệ đào tạo sư phạm, dù ngưỡng sàn Bộ GD-ĐT ấn định là 17 nhưng có những ngành trường lấy mức sàn cao hơn. Chẳng hạn ngành sư phạm toán xét từ 20 điểm. Điều này đồng nghĩa, thí sinh đạt ngưỡng 17 điểm theo quy định của Bộ GD-ĐT vẫn không đủ điều kiện đăng ký vào ngành sư phạm toán. Những thí sinh nào sở hữu mức điểm dưới 20 nhưng đã đăng ký vào ngành này trước đó nên tìm hướng chuyển đổi nguyện vọng.
Từ ngày 19 đến 28-7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH theo 2 phương thức: Điều chỉnh trực tuyến đến 17 giờ ngày 26-7, thí sinh không được tăng thêm nguyện vọng so với số đã đăng ký ban đầu; điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu đăng ký xét tuyển đến 17 giờ ngày 28-7, thí sinh được tăng thêm nguyện vọng và phải đóng lệ phí. |
Không chỉ năm nay mà ngay từ năm ngoái, để đảm bảo an toàn, không ít trường ĐH tốp trên đã công bố điểm sàn xét tuyển ở mức khá “khiêm tốn” trong khi điểm trúng tuyển thực tế cao hơn nhiều. Nếu không chú ý, thí sinh có thể bị trượt do thiếu rất nhiều điểm. Chẳng hạn, ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngành kinh tế và ngành quản trị kinh doanh năm nay có ngưỡng sàn xét tuyển là 18 (mức điểm sàn cao nhất vào trường năm nay), tuy nhiên trên thực tế, điểm trúng tuyển 2 ngành này năm ngoái lên tới 24,5, chênh lệch tới 6,5 điểm. Điều này đòi hỏi thí sinh phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng, đối chiếu điểm chuẩn các năm với kết quả thi để nắm chắc cơ hội khi điều chỉnh, bởi các em chỉ được điều chỉnh duy nhất một lần.
PGS.TS Nguyễn Minh Hà (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM) khuyên các thí sinh tùy năng lực của bản thân mà cân nhắc đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng. Cũng như năm trước, năm nay thí sinh có thuận lợi lớn là được phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng, vì vậy nên tận dụng cơ hội, đừng ngại đăng ký nhiều để lỡ trượt ngành ngày còn được xét tiếp ngành khác.
Ông Hà cho rằng với phổ điểm chung được công bố như năm nay, điểm trung bình ở từng tổ hợp môn tập trung nhiều ở ngưỡng 14-16. Dựa vào điểm thi của mình, thí sinh nên chọn ngành thuộc nhiều tốp trường. Trong đó, vừa chọn ngành/trường có điểm cao hơn điểm thi của mình, vừa chọn ngành/trường ngang ngửa điểm thi lẫn thấp hơn điểm thi của mình để dự phòng. Nếu không đủ điểm đậu ngành này sẽ được xét xuống ngành khác lấy mức điểm thấp hơn.
“Thí sinh không nên bỏ lỡ các cơ hội đăng ký xét tuyển, vì nếu bỏ lỡ đợt xét đầu tiên này thì tới đợt xét bổ sung, đa phần các trường lớn, các ngành “hot” đều đã đủ hết rồi, khi đó các em không còn được đăng ký vào những ngành yêu thích”, ông Hà nói.
T.Trân
Bình luận (0)