Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Cẩn trọng với bệnh tiểu đường ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ cần trầy xước nhỏ trên cơ thể của bệnh nhân tiểu đường, vết thương có thể bị nhiễm trùng và hoại tử. Tuy nhiên, nếu có sự quan tâm đúng mức của cha mẹ trong việc điều trị theo đúng quy định của bác sĩ thì sẽ tránh được những biến chứng đáng tiếc.2

Nên quan tâm chặt chẽ trong việc khám, điều trị bệnh tiểu đường cho trẻ

Không nên xem thường

Không kìm được nước mắt, anh Trần Văn Nhiên (Gia Lai) ngập ngừng nói: “Năm ngoái, gia đình phải chấp nhận để bác sĩ bỏ bàn chân phải của đứa con trai ba tuổi. Vì một chút lơ là, gia đình không để ý dưới đế giày của con có sạn, viên sạn đã cấn vào da lòng bàn chân, không lâu vết cấn bị trầy xước, nhiễm trùng và hoại tử”. Tâm trạng của anh Nhiên cũng là tâm trạng của nhiều bậc cha mẹ có con bị bệnh tiểu đường đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP.HCM. Anh Trần Đăng Khoa (Cà Mau) kể: “Thấy con có biểu hiện mệt mỏi, hay ốm, gia đình cứ nghĩ do sức khỏe cháu yếu nên thường mua thuốc bổ cho cháu uống. Đến khi thấy cháu sụt ký nhanh quá, gia đình đưa đi khám thì mới hay cháu bị bệnh tiểu đường tuýp 1. Sau một thời gian, bệnh nặng kéo theo biến chứng khiến mắt phải của cháu bị mờ. Đưa cháu về BV Nhi đồng 1 TP.HCM, bác sĩ khuyên nên múc bỏ con mắt ấy vì không cứu giữ được”. Vẫn biết không thể cứu được con mắt cho con – bé Trần Thu Thảo (5 tuổi) nhưng gia đình anh Khoa vẫn cố gắng đưa con về BV Nhi đồng 2 với hi vọng “còn nước còn tát”.

“Tiểu đường thuộc căn bệnh mãn tính. Đối với người lớn tuổi hay trẻ bị béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Còn tiểu đường tuýp 1, thường gặp ở trẻ dưới tuổi dậy thì. Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền từ bố mẹ hoặc yếu tố đột biến gen có sẵn trong cơ địa. Yếu tố này phải kết hợp với một yếu tố thuận lợi như trẻ bị sởi, quai bị, rubella, hoặc trong thức ăn có độc chất gây tổn thương tuyến tụy, giảm tiết insulin gây ra tình trạng tăng đường huyết. Nếu thiếu insulin, cơ thể mất khả năng điều tiết lượng đường trong máu, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công vào chính mô hoặc một trong những tổ chức tế bào của cơ thể khiến cho cơ bị teo” – BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – Khoa Thận – Nội tiết BV Nhi đồng 2 cho hay.

Triệu chứng ban đầu của bệnh khiến trẻ đi tiểu nhiều, một ngày có thể từ 3-4 lít nước, vì thế trẻ uống nhiều nước, kéo theo cơ thể sút ký rất nhanh khiến trẻ mệt mỏi, học kém, hôn mê… Song, điều khiến bác sĩ hay bệnh nhân lo lắng là khi bệnh nặng, trẻ có thể bị nhiễm xê-tôn axit làm tổn thương mạch máu, tắc mạch máu khiến chân tay bị tê, mất cảm giác, nhiễm trùng da do bị hoại tử, tiểu đạm do thận bị tổn thương hoặc nhồi máu cơ tim, mờ mắt… có thể dẫn đến tử vong.

Cha mẹ cũng là bác sĩ của con

Việc điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt tuýp 1 khá phức tạp, không chỉ đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ chế độ thuốc men, tái khám định kỳ, theo dõi đường huyết (ĐH) hàng ngày mà còn đòi hỏi bệnh nhân phải có chế độ dinh dưỡng đúng mức, lượng đường cung cấp cho cơ thể đầy đủ. Đặc biệt, tránh suy nghĩ bệnh tiểu đường thường xuất hiện ở người lớn hay chỉ ở những trẻ bị bệnh béo phì chứ không xuất hiện ở những trẻ bình thường. Vì những suy nghĩ này, nhiều phụ huynh không quan tâm đến sự nguy hiểm của bệnh, đơn cử như gia đình anh Nhiên và anh Khoa. Chỉ đến khi bệnh trở nặng như hôn mê, co giật thấy con sút ký quá nhanh, kèm theo biến chứng thì lúc ấy mới vội vàng chăm con.

BS.Vũ Quỳnh khuyến cáo, khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần đo ĐH thường xuyên cho con. ĐH ở mức 0,8-1,2g/l là tốt. Kiểm tra HbA1C 3-4 lần/năm (HbA1C:4-6% là tốt). Thường xuyên xét nghiệm thể xê-tôn, nhất là khi ĐH > 180mg/dl. Nếu có thể xê-tôn, tiếp tục kiểm tra cho đến khi không còn. Việc kiểm tra thể xê-tôn để giúp người bệnh biết được cơ thể của mình có thiếu insulin hay lượng đường vào cơ thể nhiều hay ít. Khi cơ thể thiếu những điều kiện này, trẻ sẽ nhiễm thể xê-tôn dẫn đến mệt mỏi và ốm, buồn nôn, đau bụng, mệt nhọc, hơi thở có mùi trái cây và có thể tử vong nếu không nhập viện kịp thời. Trong những ngày ốm, nếu như ĐH của trẻ < 216mg/dl thì nên bổ sung lượng đường cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn kẹo dẻo, bánh mì, bánh ngọt, trái cây, kem, kẹo ngọt, trà thêm mật ong hoặc đường. Ngược lại, khi ĐH > 216mg/dl thì nên cho trẻ uống nước không đường, các loại kẹo không đường và đặc biệt không được bỏ tiêm insulin.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Bình luận (0)