Tuy không thực sự nguy hiểm nhưng các phụ nữ mang bầu cần lưu ý và có hiểu biết cặn kẽ những biểu hiện cụ thể của hiện tượng “dọa sẩy thai” để phòng ngừa tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Thai phụ cần thận trọng với những dấu hiệu “dọa sẩy thai”. Ảnh: I.T |
BS Lê Thị Ngọc Diệp – BV Từ Dũ TP.HCM lưu ý, dấu hiệu của “dọa sẩy thai” đó là có hiện tượng ra máu và đau tức vùng lưng liên tục đối với chị em đang mang bầu.
Tín hiệu xấu “bên bờ vực”
Biết mình có thai 2 tháng lại sinh con trai cho đủ nếp đủ tẻ, chị Phan Xuân Hiếu – GV Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh thật sự phấn khởi. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì 1 tuần sau chị phải vào BV Quân dân Miền Đông, Q.9. Chị Hiếu trao đổi: “Sau lần va quẹt nhẹ trên đường đi chợ về tôi cảm thấy hơi mệt, điều lo lắng nhất là đến chiều có hiện tượng ra máu. May nhờ người chị họ tư vấn tôi liền được chồng chở vào BV Quân dân Miền Đông để cấp cứu”. Tại BV, chị Hiếu được các BS Khoa Cấp cứu chẩn đoán dọa sẩy thai nên phải nằm điều trị nội trú đúng 1 tuần.
Tuy không bị té ngã nhưng chị Trần Thị Nguyên, ngụ ở P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú cũng có hiện tượng đau bụng chuyển dạ dù mới mang thai được 6 tháng. Trường hợp này cũng được các BS tại BV Từ Dũ chẩn đoán dọa sẩy thai cần phải nằm tịnh dưỡng.
BS Đinh Thị Thành – Khoa Phụ sản BV Quân dân Miền Đông cho biết, dọa sẩy thai là giai đoạn đầu của sẩy thai. Đây là giai đoạn trứng dù đã được thụ tinh nhưng chưa bong tróc khỏi niêm mạc tử cung do bị một tác động nào đó mà lại có nguy cơ “tuột” ra ngoài. Theo đánh giá của các BS chuyên khoa, nếu phụ nữ đang mang thai dưới 3 tháng mà có triệu chứng ra máu bất thường và có mang từ 4 đến 6 tháng có triệu chứng đau bụng chuyển dạ sớm thì nghi ngờ dọa sẩy thai. Nếu đau bụng chuyển dạ mà tử cung được mở thì chuyện sinh để xảy ra bình thường. Nhưng khi bị dọa sẩy thai thì dù có chuyển dạ nhưng tử cung vẫn chưa được mở vì bầu lúc này vẫn còn non tháng chưa đủ cơ hội để sinh một đứa trẻ bình thường. Nếu được điều trị sớm thì người mẹ sẽ giữ được thai bình thường, còn nếu “cho qua” mọi thứ thì chuyện sẩy thai, nhiễm trùng, băng huyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vì sự sống còn của thai nhi
Theo BS chuyên khoa, ra máu là “tín hiệu” rõ thấy nhất của hiện tượng dọa sẩy thai. Có đến 30% thai phụ ra huyết trong giai đoạn đầu rất dễ bị sẩy thai. Đó là lúc báo hiệu hàm lượng hormone đang sụt giảm và quá trình sẩy thai có thể xảy ra. Tuy nhiên nếu đi khám ngay thì nguy cơ sẩy thai vẫn không thể xảy ra vì được điều trị kịp thời. Cũng có thai phụ tuy không ra máu nhưng lại có cảm giác đau tức vùng bụng dưới thỉnh thoảng kèm đau lưng. Những lúc đó có thể nghi là có thai ngoài tử cung hay có biểu hiện dọa sẩy thai. So với hiện tượng chảy máu, đây là triệu chứng nguy hiểm hơn vì nhiều người không nghĩ tới dọa sẩy thai nên không điều trị kịp thời và khi đã phát hiện thì khó có thể cứu chữa kịp. Ngoài ra việc thử thai có kết quả âm tính, siêu âm thấy bánh nhau bóc tách, có nhiều dịch nhờn chảy ra từ âm đạo thì cũng có thể do dọa sẩy thai.
Theo BS Thành, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng dọa sẩy thai như bệnh về tử cung, bệnh về máu, thai trùm, trứng bị teo. Ngoài ra nếu thai phụ yếu về thể lực, làm việc quá sức, ăn uống thiếu chất cũng là “tiền đề” gây nên dọa sẩy thai. Một số bệnh mạn tính của người mẹ như đau tim, thận, nội tiết cũng liên quan đến dọa sẩy thai. Có khi người mẹ khỏe mạnh nhưng thai nhi phát triển không bình thường, thai nguyên không ổn định cũng dẫn đến động thai, dọa hư thai. Ngoài yếu tố thai phụ, sức khỏe người cha cũng ảnh hưởng đến dọa sẩy thai như tinh dịch bất thường, có nhóm máu không tương hợp với người mang thai.
Nếu có hiện tượng dọa sẩy thai như xuất huyết âm đạo thì phải nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động và kịp thời chuyển vào BV. Nếu có triệu chứng đau bụng thì không được xoa bóp mạnh làm ảnh hưởng đến thai nhi nhất là trong tình trạng “bên bờ vực” dọa sẩy thai. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm tránh quan hệ vợ chồng, nhất là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối sắp sinh. Không chạy xe máy trên đường có nhiều ổ gà dằn xóc, đi lại cẩn thận tránh va quẹt, tai nạn té ngã khi lên xuống cầu thang hạn chế động thai. Mặc quần áo rộng thoải mái tránh bó chặt ôm sát bụng. Không tự khám cho mình khi ra huyết mà phải nhờ BS chuyên khoa can thiệp để theo dõi sức khỏe của thai nhi và thai phụ. Kinh nghiệm dân gian khi dọa sẩy thai nên dùng củ gai, cháo cá chép ăn các loại thực phẩm dễ tiêu, uống đủ nước. Kiêng cữ một số loại rau ảnh hưởng đến thai phụ như trái đu đủ non, rau ngót, thực phẩm tái sống, nhiều dầu mỡ. Đặc biệt cả hai vợ chồng không hút thuốc uống rượu hay dùng các chất kích thích khác.
Hương Thủy
Bình luận (0)