Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩn trọng với đồ uống giải nhiệt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Né nước giải khát công nghiệp, nhiều gia đình tăng cường thức uống bổ dưỡng từ sữa, nước thanh nhiệt từ cây cỏ. Tuy nhiên, không nên sử dụng tùy tiện các loại nước này

Hầu như mọi lựa chọn của người tiêu dùng vẫn chỉ là kinh nghiệm. Nhiều người không biết rằng nước giải khát cũng cần dùng sao cho phù hợp với sức khỏe, không phải cứ nghe nói bổ dưỡng là uống! 
Cứ uống nhiều sữa là cao!
Chị Lê Bích Nga – ở khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội – luôn là tâm điểm để bạn bè hỏi về “bí quyết” cải thiện chiều cao cho các con. Nga rất nhỏ nhắn, chiều cao khiêm tốn nhưng 2 con của chị đều to lớn, khỏe mạnh hơn hẳn so với các bạn bè cùng lứa. “Cứ tăng cường sữa là nó kéo chiều cao lên!” – chị Nga quả quyết.
Đều đặn mỗi tuần, chị Nga mua nguyên thùng 12 hộp sữa loại 1 lít để con uống dần. Theo chị ước tính, tỉ lệ uống sữa và nước trong ngày của các con là 50-50, thậm chí dùng sữa nhiều hơn nước. “Bên Tây họ toàn uống sữa thay nước, còn ở mình cứ uống nước ngọt thay sữa nên nhiều trẻ con ngày càng béo phì, gia tăng chiều ngang, hạn chế chiều cao” – chị tỏ ra thông thạo.
Nước uống từ rau má rất tốt cho cơ thể. Ảnh: HỒNG THANH
Dân dã hơn, chị Bùi Phương Liên – nhà ở phố Nguyễn An Ninh, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội – cho biết: “Vợ chồng tôi là công nhân may, thu nhập ít ỏi nên vào mùa hè, mỗi ngày tôi cứ nấu nồi chè, hôm thì đậu đen, hôm thì đậu xanh để trong tủ lạnh. Trẻ con, người lớn giải khát bằng loại này  mát da, mát thịt, khỏi rôm sảy mà lại ít tốn kém. Chỉ tốn 15.000-20.000 đồng/ngày tiền đậu nấu chè, tiền điện làm đá là đủ cho cả nhà giải nhiệt thoải mái, chỉ bằng nửa tiền cốc sinh tố ngoài quán”.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng nước nhân trần, cam thảo rất tốt trong việc giải nhiệt, mát gan. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Hội Đông y Việt Nam, chúng ta chỉ cần lợi mật khi mật không tiết ra (mật viêm, tắc mật…) và nhuận gan khi gan có vấn đề. Vì vậy, chỉ nên uống nhân trần, cam thảo khi có bệnh lý gan hay mật, có chỉ định của bác sĩ, không nên dùng hằng ngày.
Nước lọc đun sôi để nguội vẫn “lành” nhất
Sữa và sữa đậu nành rất tốt, luôn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Ngoài nước, 2 loại này còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng giá trị, đó là một lượng lớn đạm, vitamin, chất béo… rất có lợi cho sức khỏe. Can-xi, đạm và chất béo trong sữa phù hợp cho lứa tuổi tăng trưởng. Sữa đậu nành còn chứa các hoạt chất sinh học có tác dụng chống ôxy hóa. Loại “nước sữa” này có thể uống theo sở thích nếu có sức khỏe bình thường.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lưu ý sữa là thức uống giàu năng lượng. Vì vậy, cần điều chỉnh với các thực phẩm khác để cung cấp năng lượng phù hợp, tránh dư cân. Người béo phì, dư cân nếu uống sữa phải chọn loại tách béo. Một số bác sĩ cũng lưu ý nam giới không nên uống sữa đậu nành nhiều, nhất là với người đang điều trị vô sinh, trẻ em trai đang lớn vì chúng có sự tương tác với hệ sinh sản nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết nước đóng chai, đóng bình là nước lọc nhưng không được đun sôi, chỉ được khử khuẩn. Nếu sản xuất theo đúng quy trình và thiết bị đảm bảo thì nước này sạch tương đương với nước đun sôi để nguội. Vì vậy, để an toàn cho sức khỏe, cần lựa chọn các sản phẩm có công bố, giám sát chất lượng thường xuyên.
Ngoài ra, gia đình cũng cần giữ vệ sinh bình nước, bộ lọc để đảm bảo độ sạch, tránh nhiễm khuẩn hoặc tạp chất có thể gây bệnh đường tiêu hóa. Với nước khoáng – loại có chứa nhiều muối khoáng, cần cẩn trọng khi sử dụng. Hằng ngày, lượng khoáng cơ thể cần không nhiều vì đó chỉ là vi chất dinh dưỡng, có thể bù qua thực phẩm.
Việc uống hoàn toàn nước khoáng thay cho nước lọc đun sôi để nguội có thể gây thừa khoáng. Nước khoáng sản xuất không được kiểm định dễ gây ra thừa can-xi, ma-giê – 2 chất điện giải có rất nhiều trong mạch nước ngầm vùng núi cao. Hai chất điện giải này làm cho “nước cứng”, nước quá nhiều điện giải, làm kết tủa cặn lắng trong bình đun và gây ra sỏi thận. Vì vậy, các bác sĩ khuyên không nên uống nước khoáng thay nước lọc đun sôi để nguội hằng ngày.
Nước lọc (đun sôi để nguội) vẫn là loại “lành” nhất. Nó cung cấp nước cho cơ thể và không chứa thêm bất cứ chất thừa nào. Hàm lượng khoáng của nước lọc đun sôi để nguội vừa đủ và không vượt quá chỉ tiêu cho phép, an toàn với cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo có thể thay thế một phần nước lọc đun sôi để nguội bằng các thứ nước khác như sữa, sữa đậu nành, nước cam, nước dưa hấu, nước hoa quả khác, nước ép trái cây tốt cho sức khỏe và giải khát mùa hè.
Với người có một số bệnh lý về gan mật, đái tháo đường, đau dạ dày, viêm thận, suy thận, phụ nữ mang thai…, cần tham khảo bác sĩ để có chế độ bù nước phù hợp.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)