Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩn trọng với độc tố từ hoa loa kèn

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân được khuyến cáo không nên sử dụng hoa loa kèn một cách tùy tiện vì dễ gây ngộ độc
Người dân vùng Đà Lạt thường gọi loại hoa này là hoa loa kèn dại vì đặc tính rất dễ trồng, không cần chăm bón mà vẫn ra hoa quanh năm. Tuy nhiên việc sử dụng hoa loa kèn một cách vô tội vạ đã gây ra nhiều ca ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong.
Nhập viện do hoa loa kèn
Vụ gần đây nhất mới xảy ra vào cuối tháng 2-2015 tại thị trấn Đạm’Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Bà Đỗ Thị Huệ ngụ tại thị trấn này cho hay suốt một năm qua nhiều lần bà dùng hoa loa kèn nấu nước uống và hay bị choáng váng mặt mày nhưng bà cứ nghĩ do ảnh hưởng của chứng huyết áp. Tuy nhiên, lần xảy ra vào tháng 2 vừa qua là lần bà dùng nhiều hoa nấu nước hơn những lần trước nên bị đau quặn và nôn ói vật vã đến nỗi phải nhập viện. Loại hoa này bà Huệ xin giống cây ở Đà Lạt và đem về trồng trong vườn nhà vì nghe lời người quen mách nước rằng nó có tác dụng trị bệnh cao huyết áp và hen suyễn.
Một vụ ngộ độc khác do ăn lẩu bằng hoa loa kèn xảy ra tại xã An Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vào 2013 cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cư dân thành phố Đà Lạt, nơi có loại hoa loa kèn mọc hoang phát triển xum xuê và ra hoa quanh năm. Còn nhớ vụ ngộ độc hãi hùng trên xảy ra vào ngày 9-10, hôm ấy 4 sư thầy và đệ tử của Tịnh xá Kỳ Quang ăn trưa bằng món lẩu chay với hoa loa kèn vàng vì tin rằng chúng sẽ giúp trị bệnh tăng huyết áp. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau khi ăn, mọi người đều có các triệu chứng chóng mặt, nôn ói, nói mê sảng, lú lẫn, nhìn mờ, giãn đồng tử, nhịp tim nhanh, run chân tay…
GS.TS Võ Văn Chi, tác giả cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam, khẳng định loại hoa loa kèn mà một số địa phương thường gọi chính là cây cà độc dược cảnh ở Việt Nam, có tên khoa học Brugmansia Suaveolens (Wild), thuộc họ cà Solanaceae. Brugmansia Suaveolens là cây nhỡ khỏe, hóa gỗ có vỏ xám, lá mọc so le, hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp thành từng đôi, dài 25-30cm, đường kính 1-1,5cm, nhị đính trên ống tràng có bao phấn dính nhau. Cây này gốc ở Mexico và Peru, được nhập về trồng ở Đà Lạt, Nghệ An.
BS. Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cảnh báo các bệnh nhân này bị ngộ độc thức ăn ở mức độ vừa phải nhưng nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng trước đó bệnh viện cũng đã điều trị cho một bệnh nhân ngửi hoa loa kèn, nhưng tình trạng không trầm trọng như 4 bệnh nhân ở Tịnh xá Kỳ Quang.
Cảnh giác với những loại hoa thường dùng
Dược sĩ Phan Minh Hiển, ĐH Y dược TP.HCM, người từng thực hiện một công trình nghiên cứu về thành phần hóa học của hoa loa kèn vàng được trồng tại Đà Lạt cho biết, loại hoa này có chứa chất gây ảo giác Scopolamine. Nếu chỉ uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất Scopolamine từ hoa loa kèn cũng có thể làm cho nạn nhân bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời.
Dược sĩ Hiển cho biết, hoa loa kèn có xuất xứ từ Nam Mỹ, Scopolamine có tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương nên thường được dùng làm thuốc hoặc để tạo ảo giác trong các nghi lễ tôn giáo. Scopolamine còn được sử dụng như một loại “thuốc sự thật” để lấy lời khai tù nhân, phạm nhân. Ngoài ra, dược chất này còn bị các băng nhóm tội phạm lạm dụng dùng để thôi miên nhằm cướp của, giết người, lấy cắp nội tạng, buôn người.
Vì hoa loa kèn là một loại cây có độc tính cao, nên dược sĩ khuyến cáo cần tuyên truyền phổ biến để người dân phòng tránh ngộ độc hoặc cảnh giác với những phần tử xấu lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Bài, ảnh: BÍCH VÂN
 
Không nên sắc thành thức uống
Theo TS. Võ Văn Năm, Phó trưởng bộ môn dược liệu, ĐH Y dược TP.HCM, hoa loa kèn độc có nhiều màu sắc khác nhau như vàng, trắng, đỏ, cam. Loại cây này được sử dụng để bào chế các loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống say tàu xe, tiền mê, trị hen suyễn… TS. Năm cảnh báo, họ cà Scopolamine được xếp vào bảng có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng nhỏ tính bằng miligram. Vì thế mọi người không nên tùy ý hái bất kỳ bộ phận nào của cây loa kèn để sắc thành thức uống. Khi bị ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)