Một bệnh nhân bị bỏng trong dịp Tết vừa qua. Ảnh: T.L |
Một cái Tết nữa đã qua đi. Bên cạnh những người vui vẻ, hạnh phúc vẫn còn một số người phải chịu bất hạnh từ những tai nạn nhỏ trong dịp Tết do bất cẩn và thiếu ý thức.
Tai nạn bất ngờ
Hiện nay, bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch đang có chiều hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nên không ít người coi thường nhất là trong dịp xuân về, suốt ngày mặc sức ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ nên rất dễ bị tăng xông và đột quỵ. Năm nay là cái Tết buồn nhất của mẹ con chị Đoàn Thị Thu H. giáo viên Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) vì người chồng 41 tuổi bị đột quỵ đúng vào ngày 29 Tết phải vào bệnh viện cấp cứu nhưng mọi việc đều đã quá muộn…
Cũng vì lo sắm sửa, nấu ăn trong ba ngày Tết mà không ít người bị ngất xỉu, đứt tay, bỏng nặng. Nếu như em Phan Thị T. – HS Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh khi cùng ba mẹ vào siêu thị bị xỉu do ngộp hơi thì em Vũ Hương G., 7 tuổi ở Tân Bình lại bị ngất trong khi chờ xem bắn pháo bông trên đường hoa Nguyễn Huệ do đông người chen chúc giành chỗ. Đến mồng 9 Tết mà anh T.A (Q.8) vẫn còn phải “ăn Tết” trong Bệnh viện Trưng Vương do bị bỏng dầu trong lúc chiên thức ăn. Tuy không phải nhập viện nhưng chị Đỗ Thị Thắm, ngụ ở đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức suýt cắt bỏ một ngón tay cái do sơ ý lúc chặt trái dừa để lấy nước nấu nồi thịt kho hột vịt trong ngày 26 Tết.
BS. Nguyễn Hoàng Nam (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) khuyến cáo rằng Tết là thời gian nghỉ ngơi, thăm viếng và chúc cho nhau những lời may mắn tốt đẹp. Nhưng nếu chúng ta quá chủ quan, coi thường sức khỏe và thiếu kiến thức hiểu biết thì rất dễ mắc sai lầm về bệnh tật. Những tai nạn khó lường luôn rình rập con người không kể lúc nào, ở đâu, nhất là trong thời gian Tết nhất nên cần phải cẩn trọng.
Cảm sốt hoành hành
Sau một tuần về quê ăn Tết tại tỉnh Đắk Lắk, Lê Xuân H. (học sinh Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Phương Nam) trở lại TP.HCM tiếp tục đi học bằng một cuộc hành trình dài khoảng 400 km với chiếc xe máy của mình.
Tuy nhiên, khi đến địa phận tỉnh Bình Phước, H. bắt đầu thấy mệt mỏi và bị cảm nắng do thời tiết quá khắc nghiệt. Về đến nhà trọ, H. chỉ kịp cởi chiếc mũ bảo hiểm trên đầu và đôi giày ở dưới chân rồi nằm vật ra giường. Đến tối, H. lên cơn sốt, mặt đỏ lừ, toàn thân nóng hầm hập nên bạn bè phải đưa H. đến bệnh viện cấp cứu. Không đi chơi xa nhưng do đi nhiều cùng bố mẹ nên đến ngày mồng 4 Tết cháu Phạm Thanh Xuân, con của chị Lê Thị Thùy, giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh có triệu chứng mệt mỏi và thở khò khè. Nhờ có người chị là BS nên cháu bé 10 tháng tuổi được chẩn đoán là bị viêm phổi. Có thể nói cảm sốt là căn bệnh phổ biến nhất trong những ngày Tết mà nguyên nhân chính là do thời tiết chuyển mùa và sức đề kháng của cơ thể quá yếu. Cũng có người trong dịp Tết vẫn ăn uống và đi chơi bình thường nhưng sau kỳ nghỉ Tết bắt đầu thấy cơ thể mệt mỏi, rã rời, không muốn làm gì cả. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô Nguyễn Mỹ Dung – giáo viên Trung tâm GDTX Bình Thạnh là một cái Tết không có Tết vì cả nhà đều bị cảm cúm phải nằm một chỗ trên giường, đến mồng 3 Tết vẫn phải ăn cháo và không thể đi chơi ở đâu được.
Theo BS. Nguyễn Hoàng Nam, đợt nghỉ Tết âm lịch thường rơi vào giai đoạn chuyển mùa, khí trời đang nóng rồi chuyển sang lạnh và ngược lại đang lạnh rét lại chuyển sang nóng ấm nhất là các tỉnh ở miền Bắc. Do thời tiết biến đổi quá nhanh trong lúc cơ thể chưa thích ứng kịp thời nên con người dễ bị mắc bệnh. Nếu chủ quan, ăn uống làm việc không lượng đúng sức của mình thì dễ bị đuối sức, mệt mỏi và sinh bệnh ngay.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)