Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cẩn trọng với thực phẩm bẩn vào chợ Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Lợi dụng sức mua tăng vào những ngày cuối năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhiều loại thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc, quá đát đang tìm cách trà trộn vào các sạp bán hàng trong chợ để “tìm lối ra”. Nếu người tiêu dùng chủ quan và ham rẻ thì rất dễ “dính bẫy” với các loại thực phẩm bẩn có nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng con người.

Nội tạng bẩn đang được phù phép cho sạch. Ảnh: Trần Anh

Thực phẩm bẩn tái xuất

Mới đây, để làm các loại bánh thết đãi con cháu, bà Hòa ngụ ở đường Nguyễn Văn Bảo, P.4, Q.Gò Vấp ra tiệm chạp phô bên đường Nguyễn Văn Nghi gần chợ Gò Vấp mua 5 hộp sữa Ngôi Sao Phương Nam. Tuy nhiên khi về nhà đục hộp sữa đầu tiên ra mới phát hiện là hàng đã quá đát. Lúc này đứa con trai của bà kiểm tra hạn sử dụng thì đã quá đát hơn 3 tháng. “Lúc mua tôi cũng kiểm tra kỹ từng hộp vì mình biết các loại đồ hộp rất độc hại nếu bao bì bị móp méo. Tuy nhiên, nhìn thấy vỏ còn mới hơn nữa mắt kém tôi không đọc kỹ hạn sử dụng nên mới mất cảnh giác như vậy”. Theo lời kể của bà Hòa, đến khi đem mấy hộp sữa ra đổi lại người bán cũng không chịu vì sữa đã khui ra và còn bảo chắc mua ở đâu chứ tiệm này không bao giờ bán hàng quá đát (?).

Cũng rơi vào hoàn cảnh như bà Hòa có chị Thanh ở đường Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Gò Vấp khi mua mấy lạng mứt gừng về ăn để trị bệnh ho ở chợ Bà Chiểu. Mặc dù để trong những chiếc bịch lớn không có bao bì nhãn mác nhưng nhìn thấy các loại mứt bày bán trên sạp rất sạch sẽ và giá cả cũng không mắc lắm nên chị Thanh hết sức do dự. Tuy nhiên, khi mua về ăn mẹ của chị đã phát hiện có dấu hiệu bị mốc, không nhìn kỹ thì rất khó phát hiện.

Mặc dù chưa phải là ngày cận Tết Nguyên đán nhưng hầu hết tại các siêu thị và chợ truyền thống hàng hóa từ nhiều nơi đang được đổ về dồn dập. Dù các ki-ốt có hơi chật hẹp và vốn liếng không đủ nhưng nhiều tiểu thương vẫn tìm mọi cách nhập hàng để tìm cơ hội kinh doanh trong mùa cao điểm. Ngoài những mặt hàng quen thuộc họ còn “lấn sân” sang các mặt hàng khác mang tính thời vụ bán trong dịp Tết mà chủ yếu là đồ khô và các loại bánh mứt kẹo. Nếu ngày thường các mặt hàng này ít được người tiêu dùng để mắt tới thì vào dịp lễ tết nhà nào cũng phải mua sắm đầy đủ. Vì thế, ngoài nguồn hàng “hợp pháp” cung cấp nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thì các mặt hàng “bất hợp pháp” khác cũng tìm cách “xuất chiêu”. Có thể coi đây là cơ hội vàng cho các loại thực phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc được tuồn ồ ạt ra ngoài thị trường. Đây cũng là thời điểm nếu các nhà chức trách quản lý thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm thiếu quan tâm thì chắc chắn sẽ có nhiều “lỗ hổng” lớn trong quá trình kinh doanh thực phẩm bẩn trong mùa Tết sắp đến. Địa phương nào thực hiện tốt việc kiểm tra khâu an toàn vệ sinh thực phẩm thì nơi đó các chủ kinh doanh thực phẩm bẩn sớm muộn gì cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng.

“Vàng thau lẫn lộn”

Cách đây không lâu vào ngày 31-12-2016, qua sự phản ánh của người dân, đội 6B thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra một kho hàng trong khuôn viên 127 An Dương Vương, P.10, Q.6 và sau đó đã lập biên bản tạm giữ hơn 10 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chủ lô hàng là ông Nguyễn Văn Bắc đang kinh doanh tại chợ Bình Tây. Đáng chú ý là trong đó có 4 tấn hạt dẻ Trung Quốc và 6 tấn nho khô, mứt táo không rõ nguồn gốc chứa trong điều kiện mất vệ sinh. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, chủ hàng đã vi phạm việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc. Nếu các loại hạt và mứt này không bị phát hiện thì sẽ được đem ra thị trường cho người tiêu dùng và hậu quả về sức khỏe cho con người thì khó tránh khỏi.

Theo một chủ kinh doanh bánh kẹo ở chợ Bình Triệu, trong khi các mặt hàng kinh doanh có nhãn mác thương hiệu ít người mua và lãi thấp thì các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì lại được người mua quan tâm hơn vì giá rẻ. Người bán cũng kiếm được hời vì giá nào cũng mua vào được. Đánh vào tâm lý chung của người tiêu dùng là thích được khuyến mãi và mua hàng giá rẻ nên các loại thực phẩm bẩn luôn có đất sống nhất là vào những ngày lễ tết mua bán à uôm “vang thau lẫn lộn”.

Hiện nay, các bà nội trợ đã thực sự an tâm hơn với thực phẩm tươi sống vì việc truy xuất nguồn gốc nơi chăn nuôi và giết mổ đã nằm trong tầm tay. Tuy nhiên các loại thực phẩm tiêu dùng khác vẫn là một bài toán khó đối với người mua. Vào các ngày cận Tết, dạo quanh một vòng sẽ thấy các loại bột ngọt, bột nêm, tương ớt, dấm, đường “ba không” bắt đầu xuất hiện ồ ạt trở lại trên các sạp hàng của các chợ truyền thống. Mặc dù không có nhãn mác, không biết nơi sản xuất, không có hạn sử dụng nhưng vẫn được người mua chọn lựa vì giá thấp hơn so với hàng “chính chủ” và luôn được người bán cam kết chắc nịch dù chỉ bằng lời nói. Nếu không là người tiêu dùng thông minh, sáng suốt và có hiểu biết khi chọn lựa thực phẩm thì bất kỳ ai cũng có thể mất vui trong ba ngày Tết vì sức khỏe và tính mạng thường xuyên bị đe dọa bởi việc ăn uống không được kiểm soát chặt chẽ.

“Để đảm bảo thực phẩm cung cấp đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh, người tiêu dùng cần lựa chọn những loại thực phẩm sạch, còn tươi mới và đảm bảo chất lượng. Tránh mua các loại thực phẩm không nhãn mác, bày bán trôi nổi và không có nguồn gốc rõ ràng. Loại bỏ những thực phẩm và thức ăn hư hỏng, ôi thiu ảnh hưởng đến sức khỏe con người” – TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyên.

Chọn lựa các sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị

Cẩn trọng với thực phẩm bẩn phù phép

Một ngày đầu năm 2017, lần theo một chuyến xe chuyên bỏ mối nội tạng động vật cho các quán nhậu, điểm bán phá lấu, chúng tôi đã bắt gặp những cảnh tượng kinh hoàng liên quan đến món ăn được cho là đặc sản này.

Ông Vũ Đăng Tiến (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), người giao hàng cho biết, mỗi sáng ông có mặt từ 4 giờ 30 tại kho gần nhà để nhận hàng đi giao theo hướng dẫn. “Có hôm tôi phải chạy hơn 20 điểm từ nội đến ngoại thành với hàng trăm ký nội tạng”, ông Tiến nói. Thấy chúng tôi nhăn mặt trước những bao nội tạng đang có dấu hiệu nặng mùi, ông Tiến tiếp: “Thế này thì còn đỡ, nhiều lúc phải giao nội tạng thối luôn. Chú nghe mùi là bỏ cơm cái chắc”.

Theo chân ông Tiến, chúng tôi đến một địa chỉ tại Q.4 mà giới trẻ Sài Gòn háo hức tìm đến vào mỗi chiều, đó là quán phá lấu khá nổi tiếng. Tại đây, ông Tiến giao tổng cộng 4 bao nội tạng các loại với hơn 25kg. Còn sớm, chưa có người mở cửa nhận hàng, ông Tiến cũng chẳng thèm gọi cửa mà bỏ hàng ngay phía trước. “Trước giờ vẫn bỏ đó, chẳng mất một miếng nào. Có lấy thì cũng chỉ lấy làm mồi câu cá chứ không ai lấy về để ăn cả”, ông Tiến quả quyết.

Theo Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM, nội tạng bẩn cũng được một số cơ sở chế biến làm nguyên liệu để phù phép thành đặc sản là giò chả. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa (Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM) cho rằng, công tác kiểm tra và ngăn chặn thực phẩm bẩn được triển khai rốt ráo nhưng vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao, vận chuyển bằng nhiều đường, hình thức cũng tinh vi nên thực phẩm bẩn bị “lọt cửa”.

Chạy sang một địa chỉ khác, cách đó chừng 2km. Nghe tiếng pô xe độ nổ oang oang, bà chủ ra lấy hàng, dặn ông Tiến về báo ngày mai tăng thêm 2kg. “Trời lạnh lạnh, món này bán chạy lắm”, bà chủ giải thích. Được biết, đây là địa chỉ chuyên nấu phá lấu và bán gần các trường học trên địa bàn Q.7.

Chưa đầy một giờ, chúng tôi ngược lại nơi đã giao hàng lúc nãy, không khỏi giật mình với những túi nilon đựng nội tạng ruồi đậu ken kín. “Chú thấy đấy, vậy thì ai dám lấy”, ông Tiến nói.

Tìm đến một điểm được các bạn trẻ cho biết là địa chỉ khá tin cậy để ăn phá lấu với nguồn thực phẩm chất lượng, sạch sẽ trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận. Tuy nhiên, hình ảnh mà chúng tôi có được là dơ bẩn, nhếch nhác, nội tạng được bỏ lăn lóc dưới sàn chờ rửa. Những thau nội tạng nổi lên bọt trắng xóa, có mùi hăng hắc khó chịu. Riêng nội tạng còn nằm ngoài rổ thì ruồi nhặng bâu đen. Nội tạng được người thanh niên cho vào thau, tay cầm vòi nước, tay nhồi qua nhồi lại là xong.

Ngon là nhờ phụ phẩm, hóa chất

Ông Nguyễn M., chủ cơ sở chế biến và kinh doanh giò chả trên đường Hoàng Sa, Q.1 khẳng định: “Món này thiếu nội tạng thì chắc chắn sẽ không ngon. Hơn nữa nguyên liệu này khá rẻ, dễ mua với số lượng lớn nên nhiều cơ sở lựa chọn”.

Món ăn hầu như không thể thiếu vào những ngày Tết là các loại khô. Đây là các loại đặc sản dễ “phù phép” thực phẩm bẩn mà cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện mới đây. Bác sĩ Huỳnh Anh Thư (Bệnh viện An Bình) thông tin: “Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải các loại khô và các món chế biến từ nội tạng không rõ nguồn gốc. Phân tích các mẫu thức ăn của bệnh nhân cho thấy, trong thức ăn có hàm lượng phụ phẩm, hóa chất quá lượng cho phép, là nguyên nhân khiến người ăn có nguy cơ bị ung thư. Nguy hiểm hơn, thịt bẩn ươn thối đã trở thành ổ ấu trùng và quá trình chế biến, bảo quản không đúng cách là cơ hội để chúng sản sinh và phát triển”.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, ông Phan Xuân Thảo cho biết, trong năm 2016, chi cục đã nhận được gần 100 tin báo, phản ánh liên quan đến thực phẩm bẩn. Từ thông tin này, đoàn kiểm tra đã triển khai thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ và chế biến thực phẩm bẩn. Ông Thảo khuyến cáo người dân chọn nguồn thực phẩm bán tại các cửa hàng có uy tín, đồng thời mạnh dạn thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện các vụ vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất chất lượng.

Nguyễn Hoàng Anh – Trần Anh 

Bình luận (0)