Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang khẳng định loại "tôm sú châu Phi” không có điểm gì vượt trội so với tôm sú bình thường về tốc độ tăng trưởng, kích cỡ, tỷ lệ sống, khả năng thích ứng môi trường.
Nếu không cẩn trọng ở khâu chọn con giống, người nuôi sẽ mất cả chì lẫn chài.
Câu chuyện “sú châu Phi” đang làm người dân nuôi tôm tại một số tỉnh ĐBSCL đặc biệt quan tâm. Thực tế, đây là chuyện cũ. Hai năm trước, “tôm sú châu Phi”, “tôm sú chân đỏ” từng xuất hiện tại một số địa phương vùng ĐBSCL kèm theo đó là những lời giới thiệu “có cánh” của một số cơ sở cung cấp về sức đề kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế…
Vào thời điểm đó, một số chủ cơ sở cung cấp tôm giống nằm trên QL1A- đoạn Tắc Vân treo bảng "tôm sú chân đỏ". Khi ai có nhu cầu, chủ cơ sở sẵn sàng “ca” rằng do nó tốt hơn tôm sú thường nên giá cung phải cao hơn. Để lấy lòng tin của người muốn nuôi tôm lạ “mới du nhập”, các chủ cơ sở giới thiệu theo kiểu “ở bên Thái nhiều người thành tỷ phú tôm nhờ con này” hoặc “nông dân Ấn Độ thắng đậm liên tiếp hàng chục năm qua là nhờ họ chọn nuôi tôm này”.
Với vùng nuôi tôm sú của Tiền Giang, Bến Tre, cũng hai năm trước, người ta nghe nói đến loại “tôm sú châu Phi”, cũng ưu việt hơn loại tôm sú phổ biến bao nhiêu năm nay.
Đang đối mặt với dịch tôm chết, nhiều người nuôi tôm vùng ĐBSCL đã nhắm mắt làm liều với hy vọng vụ này thắng đậm để giải vây khoản nợ khủng do liên tiếp ba bốn vụ bị thiệt hại nặng. Và tất nhiên, một khi đã quyết rồi, nhiều người đã bỏ qua những lời khuyến cáo từ các nhà khoa học, ngành chức năng. Họ lại tin vào lời của một số cơ sở rằng “do đây là giống tôm mới nhập về Việt Nam với số lượng có hạn nên không phải người nuôi nào cũng… may mắn mua được”.
Càng tin những lời có cánh này, họ càng bỏ qua những lưu ý một khi chọn giống như: cơ sở cung cấp phải có tên tuổi, tôm giống phản ứng nhanh với tiếng động, phải bơi ngược dòng nước, kích cỡ đồng đều; có mẫu xét nghiệm âm tính đối với một số bệnh do virus gây ra lúc bấy giờ như đốm trắng, đầu vàng, teo gan,…
Cho đến giai đoạn thả nuôi, không ít người nuôi mới dở khóc dở mếu. Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau bấy giờ đã khảo sát tại một số hộ thả nuôi “tôm sú chân đỏ” phát hiện chỉ có một số ít tôm xuất hiện chân đỏ và những cá thể này không có biểu hiện đặc điểm gì vượt trội so với tôm sú bình thường về tốc độ tăng trưởng, kích cỡ, tỷ lệ sống, khả năng thích nghi với môi trường… Còn ở Tiền Giang, chính những người nuôi phát hiện “tôm sú châu Phi” chậm lớn, bị bệnh đốm trắng tấn công và nhiều nông dân buộc phải báo cho ngành chức năng hỗ trợ dập dịch.
Bẵng đi một thời gian, từ đầu năm 2013 đến nay, nông dân nuôi tôm sú các huyện vùng U Minh Thượng lại nháo nhác đi tìm mua loài tôm mà theo lời giới thiệu có xuất xứ từ châu Phi với tên gọi “sú châu Phi”. Giống này được các cơ sở tôm giống bán chênh lệch 25-30 đồng/con so với loại tôm sú thông thường, tức khoảng 75 đồng/con, cũng kèm theo những lời quảng cáo “có cánh”.
Ngày 5-3, ông Trần Chí Viễn- Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện An Minh vừa phát hiện và bắt quả tang ông Nguyễn Thanh Thuận – tài xế xe tải của Công ty TNHH Giống thủy sản Hồng Tuấn (trụ sở tại ấp Thạnh Phú, xã Đông Thạnh, huyện An Minh) vận chuyển 62 thùng, mỗi thùng chứa 18.000 con tôm sú giống mang nhãn hiệu “sú châu Phi”.
Theo xác định của Đoàn Kiểm tra liên ngành, thực chất đây là tôm giống thông thường, được in giả nhãn mác “sú châu Phi”. Đáng lưu ý là toàn bộ số tôm giống này chưa qua kiểm dịch theo quy định và nhãn hiệu bao bì in sai so với giấy phép kinh doanh.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang khẳng định loại "tôm sú châu Phi” không có điểm gì vượt trội so với tôm sú bình thường về tốc độ tăng trưởng, kích cỡ, tỷ lệ sống, khả năng thích ứng môi trường. Thậm chí, một số hộ nuôi còn gặp tình trạng tôm chậm lớn, dễ nhiễm bệnh đốm trắng…
“Từ những cơ sở đó, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện An Minh đã lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị cấp thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 31 triệu đồng do vi phạm nhãn mác và kiểm dịch động vật, đồng thời tịch thu toàn bộ số tôm giống trị giá 72,54 triệu đồng là tang vật vi phạm” – ông Viễn cho biết.
Ông Viễn còn cho rằng việc các doanh nghiệp kinh doanh tôm giống vì hám lợi mà cố tình in sai nhãn mác để lập lờ nguồn gốc và chất lượng tôm giống là hành vi rất đáng lên án, gây thiệt hại rất lớn cho bà con nông dân nuôi tôm. “Ngành chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm đối với kiểu hành vi lừa đảo này” – ông Viễn đề nghị.
Theo ông Nguyễn Vân Thanh – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định phát hiện tôm sú khác, chỉ khác là nguồn giống tôm bố mẹ hoặc do đột biến trong quá trình nhân giống. Việc rao bán "tôm sú châu Phi” chỉ nhằm tạo ra sự mập mờ, nhầm lẫn và tác động vào tâm lý thích con giống thủy sản chất lượng của người nuôi để bán giá cao trục lợi. “Chúng tôi khuyến cáo người nuôi cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định thả giống tôm sú mới, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra” – ông Thanh nói.
Trao đổi với PV chiều 5/3, ông Phan Trung Tính – Phó Giám đốc Công ty CP Chế biến thủy sản XNK Việt Cường (Bạc Liêu) cho biết: “Nhiều năm thu mua tôm, phục vụ chế biến tôm xuất khẩu, tôi chưa hề thấy “tôm sú châu Phi” mà chỉ biết loại tôm sú phổ biến hiện nay và tôm thẻ chân trắng. Ngay như ông Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu này được mệnh danh là “vua tôm” cũng nhờ con tôm sú bình thường thôi”.
Theo Binh Huyền (CAND)
Bình luận (0)