Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cẩn trọng xét tuyển đến phút chót

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2015 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai diễn ra vào cao điểm xét tuyển nguyện vọng (NV) 1, nhiều thí sinh chưa chọn được trường phù hợp đang hết sức nôn nóng. Ban tư vấn khuyên các em cân nhắc, cẩn trọng xét tuyển vào giờ chót.

Hơn nửa tháng qua, chương trình đã phối hợp đài phát thanh – truyền hình 14 tỉnh thành (TP.HCM, Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận) đồng hành, giải đáp nhanh chóng những thắc mắc của thí sinh trong suốt quá trình đăng ký xét tuyển NV1 vào các trường ĐH-CĐ.

Điểm thấp, đừng… mơ cao

Tại Đắk Lắk, thí sinh liên tục bày tỏ, qua theo dõi truyền thông cho thấy tình hình xét tuyển khá “rối rắm”, nhiều thí sinh khác rút – nộp hồ sơ liên tục khiến các em… dao động vì thứ hạng của mình cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vào giờ chót, việc rút – nộp vào ngành, trường khác càng cực kỳ gian nan. TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – nhìn nhận, những xáo trộn, tình trạng rút – nộp hồ sơ liên tục chỉ diễn ra ở những ngành hấp dẫn và trường tốp trên. Nếu thí sinh bình tĩnh sẽ không rơi vào cuộc đua rút trường này nộp trường khác này. Các trường địa phương, ngoài công lập, đại bộ phận thí sinh khá yên ổn với NV đã nộp. Đây cũng là địa chỉ hiện còn nhiều chỉ tiêu chờ thí sinh.

TS. Nghĩa khuyên thí sinh đừng quá mơ mộng, mức điểm không quá cao nếu đặt hy vọng vào những trường lớn chắc chắn sẽ không cạnh tranh nổi. Các em nên tìm hiểu những trường khác cùng đào tạo ngành phù hợp với mức điểm của mình, không nên theo đuổi ngành mà độ an toàn quá ít.

Ban tư vấn chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2015 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai hướng thí sinh vào ngành, trường phù hợp mức điểm, tránh “chen chân” vào những trường lấy điểm quá cao

ThS. Hoàng Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai –  lưu ý thí sinh có mức điểm từ 15 đến 20 nên “để mắt” tới các trường địa phương. Ở mức điểm này, cơ hội đậu ở các trường công lập tốp trên là rất khó. Thực tế, theo đề án tự chủ, một số trường công lập sắp tới cũng sẽ thu học phí cao.

ThS. Nguyễn Tấn Ý – Phó trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – cũng nhắn nhủ, thí sinh thường lo lắng, sợ chọn sai ngành có thể mất cơ hội, không về được đích mong muốn. “Tuy nhiên, cùng một đích đến, nếu không đi bằng xe buýt, có thể đi tàu lửa hoặc máy bay. Điều quan trọng, các em cần mạnh dạn chọn một ngành và bậc học phù hợp sở thích, mức điểm. Trong tương lai, các em không thiếu cơ hội để bổ sung kiến thức hoặc học nâng cao” – ThS. Ý nói.

Về điều này, TS. Trần Mạnh Thành – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – chia sẻ thêm, thí sinh nên ưu tiên ngành nghề mình yêu thích để theo đuổi, đầu tư. Tùy điều kiện gia đình, các em có thể chọn chương trình học ngắn hạn, dài hạn hoặc liên thông.

Ngành sức khỏe không “hạ nhiệt”

Thí sinh Gia Lai bên cạnh quan tâm ngành nghề thu hút tại các trường ĐH còn chú ý đến một số chương trình liên kết quốc tế. ThS. Lê Thị Xuân Dung – Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết, chương trình cử nhân quản trị kinh doanh quốc tế được đào tạo tại trường có nhiều điểm khác biệt so với chương trình chính quy bình thường. Cụ thể, chương trình này xét tuyển từ 15 điểm trở lên đối với thí sinh dùng kết quả thi THPT quốc gia và trung bình 6 điểm trở lên ở từng môn trong tổ hợp khi xét học bạ. Người học được học trong lớp giới hạn sĩ số 20-30 sinh viên, giúp tương tác dễ dàng. Mức học phí cũng sẽ cao hơn…

Trong khi đó, khối ngành sức khỏe cũng chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Liên quan đến câu hỏi “mức điểm nào có thể “an toàn” khi nộp vào Trường ĐH Buôn Ma Thuột”, ThS. Võ Hoàng Sơn – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Buôn Ma Thuột – cho biết, tuy trường mới thành lập và bắt đầu tuyển sinh hai ngành y đa khoa và dược sĩ trong năm nay nhưng hiện lượng hồ sơ đăng ký cơ bản đã đủ. Trường xét kết quả thi THPT quốc gia khối B đối với ngành y đa khoa và khối A, B đối với ngành dược sĩ. Riêng ngành dược sĩ xét thêm học bạ THPT của thí sinh. Thống kê lượng hồ sơ thí sinh đăng ký thời gian qua cho thấy mức điểm chuẩn tạm thời ngành y đa khoa là 20, dược sĩ là 18. Những thí sinh dưới ngưỡng này không nên đăng ký.

Một bộ phận thí sinh không xem “ĐH là con đường duy nhất” ngay thời điểm này đã đặt mục tiêu vào trường nghề. Các em hỏi có thể học lập trình máy tính, quản trị mạng ở đâu để thạo tay nghề, nhanh chóng tham gia thị trường lao động. Ông Nguyễn Hoàng Chương – Giám đốc đào tạo Trường CĐ Nghề Hoa Sen – giải đáp, hai lĩnh vực thí sinh quan tâm nằm trong nhóm ngành nghề đào tạo tại trường. Cụ thể, gồm các ngành: Ứng dụng phần mềm – lập trình máy tính; quản trị hạ tầng – quản trị mạng; thiết kế đồ họa – Multimedia; quản trị khách sạn; quản trị nhà hàng và kế toán doanh nghiệp. Trường phối hợp Ngân hàng Liên Việt PostBank tạo điều kiện cho học sinh đóng trước 50% học phí. Sau 2 năm ra trường, người học có thể trả số học phí còn lại. Theo ông Chương, với tiêu chí đào tạo người học cho thạo nghề, không chỉ đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong nước mà còn nước ngoài, ngành quản trị khách sạn và quản trị nhà hàng, trường liên kết Liên hiệp Du lịch khách sạn – nhà hàng Anh quốc; ngành thiết kế đồ họa liên kết FMDS (Singapore) để đào tạo học viên.

Bài, ảnh: Mê Tâm

TS. Trần Mạnh Thành – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – lưu ý, các trường đều muốn hoàn thành đợt xét tuyển NV1 với đủ chỉ tiêu để đồng bộ tổ chức chương trình đào tạo. Hiện có những ngành đã rất đông người nộp, cũng có ngành chưa đủ thí sinh. Những ngành chưa tròn chỉ tiêu sẽ được các trường tiếp tục xét tuyển, thí sinh chưa đậu NV1 cần xem xét kỹ càng để tiếp tục “cuộc đua”.

 

Bình luận (0)