Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần ủng hộ những bộ trưởng dám làm!

Tạp Chí Giáo Dục

Thực tế hiện nay cho thấy không có nhiều vị lãnh đạo thực sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành…
Ngày 27-10, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm năm (2011-2015), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng QH cần bày tỏ sự ủng hộ với những quyết định hợp lòng dân gần đây của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Bởi có sự đồng tình ấy thì sẽ có thêm nhiều bộ trưởng mạnh mẽ, quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm như thế.
Nhiều vị lãnh đạo thiếu quyết liệt
Theo ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 2011-2015 và nhiều năm sau, vai trò của cán bộ mà cụ thể là các vị lãnh đạo cấp bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh rất quan trọng. “Nếu bộ trưởng năng động, kiên quyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Ban Bí thư, trước Bộ Chính trị, trước QH thì việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2011-2015 và nhiều năm sau sẽ rất thuận lợi” – ông Hồng nói.
Nhưng thực tế được ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ ra khiến không ít người phải lo ngại: “Hiện nay tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC) chưa nghiêm, chưa tốt. Biểu hiện cụ thể là tình trạng CBCC quan liêu, sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ, vi phạm pháp luật còn diễn ra khá phổ biến, tội phạm chức vụ tăng cao dẫn đến dư luận xã hội bất bình, thiếu tin tưởng vào đội ngũ CBCC”.
Bên cạnh đó, ông Học cho rằng tình trạng thiếu công khai, minh bạch, thiếu công bằng trong lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực như phân bổ vốn đầu tư, quản lý giá cả xăng dầu, điện… vẫn diễn ra. Đặc biệt, tính quyết liệt trong lãnh đạo và chỉ đạo của cán bộ chưa cao, dẫn đến chưa khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, tài nguyên khoáng sản, phòng, chống tham nhũng…

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng
ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng QH cần ủng hộ những quyết định mà Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa đưa ra. “Gần đây nhất, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu các cán bộ cao cấp của ngành GTVT dừng chơi golf trong cả những ngày nghỉ, được dư luận rất đồng tình. Tôi nghĩ việc tạm dừng đó vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí, là việc làm có lợi cho dân và được dân ủng hộ. Do đó, QH cần đồng tình, bởi có sự đồng tình thì mới có những bộ trưởng mạnh mẽ, quyết liệt trong điều hành chỉ đạo những việc có lợi cho dân” – ông Học nói.
Cần đo lường mức hài lòng của dân
ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) kiến nghị QH đưa thêm chỉ tiêu, mức độ hài lòng của người dân để đánh giá hoạt động của các cơ quan công quyền trong kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm. “Chúng ta xác định chính quyền của ta là của dân, do dân, vì dân. Các ĐB của dân ngồi đây mang theo biết bao tâm tư bức xúc của người dân với mong muốn mọi việc sẽ tốt hơn qua mỗi kỳ họp. Nhưng hiện vẫn chưa có một chỉ số cụ thể để đo lường việc này. Do đó, cần thực hiện việc điều tra xã hội học nhằm có được những số liệu cần thiết, cụ thể, giúp các cơ quan quyền lực điều chỉnh pháp luật và chính sách hiệu quả hơn, phù hợp hơn với mong muốn của người dân, DN và cả xã hội” – ông Tín đề xuất.
Mục tiêu số 1: Giảm lạm phát

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đồng tình với việc đặt mục tiêu số 1 cho năm 2012 là giữ chỉ số lạm phát một con số. “Bởi vì nếu từ năm 2012 mà tiếp tục để lạm phát hai con số thì coi chừng chúng ta làm mất dần những thành quả xã hội đã đạt được trong nhiều năm” – ông Lịch lưu ý.
ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) đề nghị Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các DN nhỏ và vừa đang dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15%/năm và lạm phát xuống dưới 10%/năm thì e rằng phần lớn số DN này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa, khi ấy thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. “Do vậy, dù hiểu rằng một trong những lý do Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% cho năm 2012 là để giải quyết việc làm nhưng theo tôi, việc quan trọng hơn là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó. Để làm được việc này mà mức tăng trưởng không đạt 6% theo tôi đã là thành công” – ông Tín nhấn mạnh.
Loạn cấp phép, thả sức đào
Lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản cũng xảy ra lãng phí rất lớn. Vừa qua Hà Nội tổ chức đối thoại về lĩnh vực này và rút ra tám hạn chế như cấp phép mang nặng tính xin-cho, thả mà không quản, khai thác không gắn liền chế biến, quy hoạch không phù hợp… Để được cấp một giấy phép thăm dò khai khoáng phải có 26 con dấu của bộ, ngành, địa phương nhưng khi xảy ra sự cố thì đùn đẩy không ai chịu trách nhiệm chính. Việc khai thác khoáng sản hiện nay được các chuyên gia ví von trong sáu chữ “loạn cấp phép, thả sức đào”.
ĐB LÊ NHƯ TIẾN (Quảng Trị)
Diệt sâu nhưng phải giữ được lúa
…Ngân hàng ôm đất của mình mua và ôm luôn đất của người vay thế chấp trong khi nhà đất đóng băng, vì vậy nợ xấu tăng lên, báo cáo là 75.000 tỉ đồng nhưng tôi e có thể nhiều hơn. Do đó, tái cơ cấu ngân hàng là việc cần làm ngay nhưng nếu không khéo thì một ông chết kéo theo nhiều ông, gây hậu quả cho xã hội. Vì vậy, việc cải tổ ngân hàng cần thận trọng và có bước đi thích hợp. Nói nôm na là diệt sâu rầy nhưng phải giữ được lúa xanh tốt.
ĐB NGUYỄN BÁ THANH (Đà Nẵng)
Muốn tăng giá phải minh bạch
Trong điều hành giá các mặt hàng đầu vào chiến lược như xăng dầu, điện, tôi kiến nghị phải minh bạch hoạt động của các DN trước khi cho phép điều chỉnh giá. Đối với điện, xăng dầu, khi điều chỉnh cần chọn thời điểm thích hợp, xử lý hài hòa các lợi ích giữa người dân, xã hội và DN; không thể cho tăng giá với lý do để bù đắp những khoản thiếu hụt do đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn hiện nay.
ĐB TRƯƠNG VĂN VỞ (Đồng Nai)
Theo THÀNH VĂN – THU HẰNG
(PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)