Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Cần vá lỗ hổng quy trình ra đề thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

TAND thành phố Hà Nội sắp xét xử các bị can Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm, cùng cựu giáo viên Khoa Sinh học, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học năm 2021.
Cần vá lỗ hổng quy trình ra đề thi tốt nghiệp THPT ảnh 1
Bộ GD&ĐT cần khắc phục mọi lỗ hổng trong khâu ra đề thi. Ảnh: Như Ý

Theo cáo trạng, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, bị can Hoàng Thị My và Bùi Văn Sâm được Bộ GD&ĐT phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học. Trong đó, ở Hội đồng ra đề, Bộ GD&ĐT phân công bị can Phạm Thị My là Tổ trưởng Tổ ra đề thi môn Sinh học, bị can Bùi Văn Sâm tham gia với tư cách thẩm định viên.

Do hai bị can này đã tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi và Hội đồng ra đề thi các năm trước (2019, 2020) và biết được phần mềm rút câu hỏi của Bộ GD&ĐT không ngẫu nhiên nên năm 2021, hai bị can đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức; đồng thời dùng các câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho một số học sinh là người thân quen.

Do biết được quy luật rút câu hỏi do phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa của Bộ GD&ĐT thực hiện theo thứ tự xếp hạng các câu hỏi nên hai bị can thống nhất, sắp xếp các câu hỏi đã biên soạn vào các vị trí mà khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp.

Như vậy, có thể thấy, quy trình ra đề thi của Bộ GD&ĐT đã có những kẽ hở để kẻ gian có thể trục lợi, phục vụ mục đích cá nhân. Đó là phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên mà sẽ rút được các tổ hợp câu hỏi trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề; những người tham gia vào Hội đồng ra đề thi có thể dễ dàng mang tài liệu ra khỏi khu vực cấm mà không bị phát hiện. Chính hai lý do này nên sau khi vào cuộc xác minh, Bộ GD&ĐT xác định đề thi chính thức sau đó giống với các câu hỏi do nhóm Sâm, My soạn thảo, biên tập từ 70 – 95%.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống giáo dục Học mãi, người đã lên tiếng đầu tiên so sánh đề thi môn Sinh học và đề ôn luyện của ông Phan Khắc Nghệ, khẳng định quy trình ra đề thi có 3 vấn đề cần thay đổi: Bộ phận ra đề được thay đổi hằng năm để tránh tình trạng “mèo già hóa cáo”; thứ hai ngân hàng câu hỏi cần được đánh giá rà soát loại bỏ các câu đã quá cũ, đối chiếu với những đề thi đã được ra trong các năm, bổ sung nhiều hơn các câu hỏi mới hằng năm; Bộ GD&ĐT cần có quy định với cán bộ đã tham gia ra đề thì không được luyện thi, hoặc phải sau ít nhất 5 năm tham gia ra đề.

Thầy Hiền cho rằng, đề thi cần có sự thay đổi theo hướng đánh giá năng lực học sinh nhiều hơn, tỉ lệ các câu hỏi này cần chiếm ít nhất 30%, tránh tình trạng học tủ. Hiện nay, đề thi các môn khoa học tự nhiên đang thiếu bản chất môn học nhưng lại sử dụng quá nhiều Toán vào các môn này, dẫn đến nhiều học sinh học vẹt, nhiều giáo viên luyện thi tập trung vào mẹo mực, công thức giải nhanh.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết, năm nay Bộ đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án…

“Bộ GD&ĐT cần kịp thời có biện pháp ngăn chặn, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo khách quan, chặt chẽ, đúng quy định.

(Văn bản kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT hồi tháng 3 của Bộ Công an)

Không có căn cứ xem xét xử lý học sinh

Cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu, trong quá trình tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi tốt nghiệp THPT 2021, hai bị can Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My đã sử dụng các câu hỏi thi do chính mình soạn thảo, đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi cho một số học sinh lớp 12 là họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển ĐH tổ hợp B00. Trong đó, bị can Bùi Văn Sâm đã giảng dạy, ôn tập và cung cấp tài liệu cho 4 học sinh (Trường THPT Yên Hòa – Hà Nội; Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; Trường THPT Chuyên Chu Văn An – Lạng Sơn). Bị can Phạm Thị My cũng đã giảng dạy, cung cấp tài liệu cho 4 học sinh (Trường THPT Kim Liên – Hà Nội; Trường THPT Yên Hòa – Hà Nội; THPT Thăng Long – Hà Nội; Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh).

Tuy nhiên sự việc diễn ra từ năm 2021, những học sinh này có thể đã, đang học tập tại các trường ĐH trong và ngoài nước. Theo đại diện Bộ GD&ĐT, chỉ khi nào cơ quan điều tra xác định các em có liên quan đến vụ việc thì khi đó mới có hướng giải quyết.

Trong khi đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, đối với học sinh, phụ huynh và những người giới thiệu để 2 bị can Bùi Văn Sâm, Phạm Thị My giảng dạy, ôn thi không biết 2 bị can đã sử dụng tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi, nên không có căn cứ xem xét, xử lý.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)