Báo Giáo Dục TP.HCM ra ngày thứ sáu (10-10-2008) trang 7 mục Nhịp cầu sư phạm có đăng bài “Dự giờ như thế nào để đạt hiệu quả” của tác giả
Nguyễn Thanh Dũng (GV Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) theo tôi có những điều cần bàn thêm.
Trước hết bản thân người dự giờ: thanh tra viên, ban giám hiệu hay GV đều xác định cho mình dự giờ để rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, cách tổ chức các hoạt động trên lớp và hiệu quả của tiết dạy. Mục đích dự giờ là để giúp đỡ GV thấy được khiếm khuyết của mình nhằm giúp đỡ để tiến bộ hơn – ngoài ra không vì mục đích tìm kiếm thiếu sót của đồng nghiệp mà phê phán.
Về vấn đề dự giờ vì chất lượng hay số lượng, bạn Nguyễn Thanh Dũng dẫn chứng, trường nọ quy định một GV lên hai tiết thao giảng trong một năm, một tháng dự hai tiết. Theo bạn như vậy là nhiều, là mất thời gian không cần thiết, vì vậy đề nghị giảm số tiết dự giờ để giảm áp lực cho GV. Theo tôi, suy nghĩ như vậy là chưa đúng. Thứ hai, là GV THCS, mỗi tuần bạn dạy bao nhiêu tiết mà kêu lên là không có thời gian giải trí, nghiên cứu bài dạy? Dù có tăng tiết, một tuần bạn cũng chỉ dạy khoảng 30 tiết, như vậy vẫn còn khối thời gian làm các việc mà theo bạn nói là không có thể thực hiện được.
Trên thực tế, GV đứng trên lớp thường xem việc dự giờ đột xuất hay báo trước của Ban giám hiệu là một việc làm hết sức bình thường vì đó là một trong những hoạt động chuyên môn của trường, trường nào không có hoạt động này xem như không làm gì hết. Còn dạy không có giáo án xem như vi phạm qui chế chuyên môn, dạy không đạt yêu cầu thì phải xem xét do trình độ tay nghề hạn chế hay do lý do khách quan nào đó. Không có hiệu trưởng nào khiển trách GV khi họ lỡ có tiết dạy không đạt yêu cầu, trừ trường hợp thường xuyên xếp loại yếu kém. Lúc đó hiệu trưởng sẽ sắp xếp, bố trí lại sao cho phù hợp. Dự giờ để kiểm tra tay nghề GV, theo tôi là việc cần và phải thực hiện thường xuyên hằng năm. Bởi vì xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng đi lên, đối tượng học sinh ngày một khác, GV không thể lấy kiến thức trong trường sư phạm mà biện hộ cho tay nghề của mình. Trong trường sư phạm anh học giỏi nhưng chưa chắc ra trường anh dạy giỏi. Tay nghề GV năm nay không thể lấy kết quả mấy năm trước kết luận được. Bạn Dũng còn đưa ra lập luận năng lực giảng dạy của ban giám hiệu chưa chắc tốt hơn GV nên khi đánh giá tiết dạy, GV không tâm phục khẩu phục. Điều này tôi cho rằng không đúng, chỉ một số ít cán bộ quản lý có thể dạy không giỏi bằng GV nhưng họ có khả năng chỉ đạo, góp ý, đánh giá được tiết dạy.
Bạn Dũng cũng đặt vấn đề, để tiết dự giờ có hiệu quả, chỉ những GV cùng bộ môn (ở bậc trung học) hoặc cùng khối lớp (ở bậc tiểu học) mới nên cho dự giờ lẫn nhau để học tập kinh nghiệm. Điều này, theo tôi cũng chưa đúng. Ở tiểu học đâu cần dạy cùng khối mới dự giờ lẫn nhau. GV vẫn dự khác khối được mà. Nếu người dự giờ có xích mích với người dạy thì không nên dự, điều này đúng. Nhưng có trường hợp người dạy hoàn thành tiết dạy của mình tốt thì người xích mích với người dạy có ý kiến hạ điểm để kéo tiết dạy xuống không?
Bạn Dũng lại còn đề nghị xem lại tiết dự giờ của cộng tác viên thanh tra và kiểm tra trường có cần thiết không. Bạn cũng phản ánh là GV than do áp lực nặng nên không phấn khởi khi lên lớp. Vậy, mong bạn xem lại mục đích của việc thanh kiểm tra là giúp đỡ, thúc đẩy GV để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình. Thanh, kiểm tra không bao giờ gây áp lực nặng nề cho GV mà trái lại họ giúp đỡ GV rất nhiều.
Trần Văn Tám
(Trường Tiểu học Trung Lập Hạ – Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)