Việc giáo dục giới tính trong gia đình cho con trẻ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất (ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Hiện nay, nhiều gia đình đã có cái nhìn thoáng hơn về những chuyện liên quan đến sức khỏe sinh sản. Dù rằng vẫn không phải cha mẹ nào cũng mạnh dạn hay thẳng thắn với con về vấn đề giới tính xem ra không còn quá khắt khe khi nói với con về việc học chuyện giới tính, sinh sản, tình dục…
1. Nếu cách đây khoảng 10 năm hay 20 năm, việc nói chuyện với học sinh THCS về giới tính, tình dục và hàng loạt những chuyện liên quan đến sức khỏe sinh sản thì nhiều phụ huynh vẫn còn xem đó là điều cấm kỵ. Thậm chí, không ít câu hỏi thẳng thắn đến mức tranh luận kiểu: “Sao lại dạy cho con tôi về quan hệ tình dục an toàn, tránh thai hay các bệnh lây qua quan hệ tình dục… Không lẽ xúi giục tụi nhỏ làm bậy à?”. Thì giờ đây, gia đình đã có cái nhìn thoáng hơn, không còn quá khắt khe khi nói với con về việc học chuyện giới tính, sinh sản, tình dục…
Trong điều kiện nhà trường còn khó khăn về việc giáo dục giới tính, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan đến khách quan thì việc giáo dục giới tính trong gia đình là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Chúng ta đã biết, gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên của con người, trong đó bố mẹ là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự phát triển nhân cách của con cái. Cha mẹ tiến hành giáo dục cho con cái về giới tính, sinh lý sinh sản là một quá trình giáo dục từ mức độ thấp tới mức độ cao. Và nếu vẽ đường cho những tâm hồn đang lớn đi đúng hướng thì tại sao lại để mọi thứ trễ nãi? Nếu gia đình sát cánh cùng con yêu, cùng thống nhất và hỗ trợ nhà trường giúp con đối diện với chuyện ấy thì mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt hơn nữa khi con cái đối diện về giới tính…
2. Mức độ đầu tiên đó chính là giai đoạn chuẩn bị. Giáo dục giới tính ngay trong từng gia đình đòi hỏi trước hết chính những bậc phụ huynh phải là những người nắm vững kiến thức về giới tính tình dục một cách khoa học. Bên cạnh đó, điều quan trọng và thực sự cần thiết nhất chính là một thái độ cởi mở, sự chan hòa, một chút tế nhị và một sự khéo léo vừa đủ để có thể chia sẻ một cách phù hợp nhất với con. Nếu các phụ huynh không thoát khỏi quan điểm “vẽ đường cho hươu chạy” thì sẽ làm cho con cái thiếu tin tưởng, thậm chí là sợ vì mỗi lần trẻ vừa mở lòng thắc mắc lập tức sẽ được mắng cho vài câu “Con nít biết gì?” “Không lo học hành chỉ biết suy nghĩ tầm bậy?”… Thậm chí, không ít ông bố, bà mẹ không ngần ngại dùng đòn roi khi con đề cập đến những thắc mắc về rung động hay cơ thể của bản thân mình… Vô tình, khiến trẻ tò mò hơn và tìm cách khám phá một cách không phù hợp. Chính vì vậy, xin nhấn mạnh rằng phụ huynh biết, hiểu được kỹ năng giáo dục và lớn hơn cả là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn luôn được chan hòa cởi mở và chia sẻ lẫn nhau.
3. Mức độ thứ hai đó là sự chia sẻ, nhưng sự chia sẻ này phải đi kèm với việc chọn thời điểm thích hợp. Điều này có thể hiểu với mỗi giai đoạn lứa tuổi khác nhau, phụ huynh cần lựa chọn những kiến thức phù hợp để chia sẻ cho con. Ở tuổi mầm non, rất nhiều bậc cha mẹ đã đối mặt với những câu hỏi của trẻ ở giai đoạn này như: “Em bé được sinh ra từ đâu”, “Tại sao lại có em bé”. Nhiều cha mẹ đã không giải thích cho trẻ hoặc giải thích sai lệch như em bé từ dưới chân, từ trong miệng… Trong trường hợp này, cha mẹ cần khéo léo bảo rằng khi nào con lớn thì ba mẹ sẽ cho con biết bí mật này. Sự trả lời như vậy sẽ kích thích tính ham khám phá của trẻ. Hoặc khi trẻ bước vào giai đoạn tiền dậy thì. Cha mẹ từ những hiểu biết của mình dạy cho con sự chuẩn bị tâm lý để đón nhận sự thay đổi của cơ thể như có hành kinh ở con gái, sự phát triển cơ bắp và mộng tinh của con trai… Những điều đó giúp trẻ tránh hoang mang do sự thay đổi căn bản sinh lý của trẻ, hạn chế sự ảnh hưởng không tốt tới quá trình hoạt động học tập và giao tiếp xã hội của trẻ. Tóm lại, gia đình là nền tảng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ, trong đó không thể tách rời việc giáo dục giới tính để con trưởng thành một cách cân bằng và trách nhiệm với chính bản thân mình và với người khác.
ThS. tâm lý Mai Mỹ Hạnh
Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về giáo dục giới tính trong gia đình, nhưng nhìn chung, có thể hiểu giáo dục giới tính trong gia đình là hoạt động cung cấp cho các thành viên trong gia đình những thông tin khoa học về giới tính, về cách ứng xử trong quan hệ với người khác giới trong tình bạn, tình yêu, tình dục và hôn nhân gia đình nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi phù hợp với giới tính của bản thân, xây dựng giới tính (nam tính, nữ tính) và các vấn đề có liên quan sao cho phù hợp với khuôn mẫu của xã hội. |
Bình luận (0)