LĐ nữ tại làng nghề làm thớt ở Đồng Tháp. ảnh: L.N.G |
Hầu như làng nghề (LN) nào ở ĐBSCL cũng có LĐ nữ; trong đó nhiều LN dệt chiếu, làm bánh tráng, bánh phồng, đan đát… LĐ nữ chiếm đa số áp đảo.
Khéo tay, cần mẫn bám nghề, song không ít LĐ nữ tại các LN ở ĐBSCL đang phải làm việc cầm chừng hoặc bỏ nghề do không ít LN đối mặt với nguy cơ mai một…
Thu nhập teo tóp
Nhiều LN dệt chiếu nổi tiếng một thời ở ĐBSCL tuy vẫn duy trì sản xuất, nhưng gặp không ít khó khăn. Đó là LN dệt chiếu ở Cà Mau từng đi vào cổ nhạc, LN dệt chiếu Định Yên (Đồng Tháp) gắn với chợ chiếu đêm mà có người gọi là "chợ ma". Khó khăn nhất có lẽ là LN dệt chiếu Đăng Hưng Phước (Tiền Giang) dù đã được UBND tỉnh công nhận LN cách đây 4 – 5 năm.
Theo UBND xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo), từ chỗ tạo việc làm ổn định cho 400 LĐ – hầu hết là nữ – hiện LN chỉ còn khoảng 200 LĐ; nhiều người bỏ nghề tìm việc khác do không sống nổi với nghề. Đang hoạt động khá ổn định, song thu nhập bình quân của trên 500 LĐ ở LN dệt chiếu truyền thống Cà Hom (Trà Vinh) chỉ khoảng 30.000 đồng/ngày. Theo bà Ngô Thị Pho – người được coi là nghệ nhân của LN này – với chiếu thường mỗi ngày một khung dệt (2 người) chỉ có thể "xuất xưởng" 2 đôi chiếu (trừ chi phí mỗi công LĐ thu nhập 30.000 đồng)…
Các LN đan đát, bó chổi, làm thớt… từng tạo việc làm ổn định cho LĐ nữ nông thôn càng khó khăn hơn. "Có mặt" trên 60 năm, được công nhận LN năm 2005 với khoảng 300 LĐ, nhưng LN đan thúng và rổ ở xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò, Đồng Tháp) đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông Phạm Văn Hai (tổ trưởng 1 tổ đan thúng ở đây) cho biết: Hiện thu nhập của mỗi LĐ tại LN chỉ từ 10.000 – 14.000 đồng/ngày. Ơ Bạc Liêu, nghề đan đát ở 2 huyện Hồng Dân, Phước Long với nhiều loại sản phẩm (rổ, thúng, cần xé…) từng thu hút trên 4.700 hộ theo nghề với khoảng 10.000 LĐ.
Ấy nhưng, LĐ theo nghề này tại Bạc Liêu hiện đời sống khá bấp bênh. Theo bà Tiêu Thị Mý (xã Vĩnh Phú Đông, Phước Long), cả ngày cặm cụi thu nhập chỉ 20.000 – 30.000 đồng nên nhiều LĐ trẻ bỏ nghề truyền thống tìm việc làm khác. Tuy được coi là còn "sức chiến đấu", song ở LN đan thúng Long Giang (huyện Chợ Mới, An Giang), chỉ LĐ đảm trách khâu khó nhất mới có thu nhập 60.000 đồng/ngày…
Cần việc làm ổn định
Theo nhiều LĐ nữ tại các LN ở ĐBSCL, họ cần công việc ổn định với thu nhập sống được. Chỉ LĐ trẻ mới có thể ly hương, nhưng cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều LN công việc lại khó ổn định và thu nhập thấp. Nguyên nhân, theo các LN đan đát, dệt chiếu, do nguyên liệu (tre, trúc, lác) ngày càng khan hiếm, giá tăng trong khi sản phẩm lại khó tìm "đầu ra".
Có thể nói, hầu hết các LN truyền thống chưa có sự chuyển động theo nhịp điệu phát triển của thị trường, sản phẩm rất ít có sự cải tiến mẫu mã, tay nghề của LĐ vẫn dựa vào nghề truyền nghề. Vì vậy, khi sản phẩm vấp phải sự cạnh tranh thì hoạt động của LN bấp bênh, thu nhập thấp nên LĐ không gắn bó được với nghề. Mấy năm gần đây, UBND các địa phương khu vực ĐBSCL ra quyết định công nhận nhiều LN, song lại chưa có nhiều giải pháp khả thi để vực dậy các LN.
Vừa qua, trong số 8 đơn vị được tặng danh hiệu "Đơn vị kinh tế LN tiêu biểu năm 2008", Bến Tre có 2 đơn vị là DNTN Thiên Long và Cty TNHH Thanh Bình. Bà Nguyễn Thị Điểm – chủ DNTN Thiên Long – còn được tặng danh hiệu "Nghệ nhân LN Việt Nam năm 2008". Thiên Long là DN sản xuất kẹo dừa, kẹo chuối, bánh phồng với công thức nguyên liệu truyền thống kết hợp với một số cải tiến, đầu tư máy móc khá hiện đại; sản phẩm tiêu thụ khắp nơi trong thị trường nội địa và đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Australia, Châu Âu.
Thực tế từ Thiên Long và vài đơn vị LN khác cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, các LN không thể sống được chỉ với 2 chữ "truyền thống" dù nổi tiếng đến cỡ nào. Từng LN phải năng động, phải được "tiếp sức" về vốn để đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến và đa dạng hóa sản phẩm… thì mới mong tìm được "đầu ra", tăng thu nhập cho LĐ. Nếu không, mong muốn có việc làm ổn định với thu nhập sống được của hàng chục ngàn LĐ nữ tại các LN sẽ khó thành hiện thực…
Bình luận (0)