Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, kỳ họp quyết định 2 vấn đề quan trọng; trong đó có báo cáo lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là “kim chỉ nam” cho các hoạt động xây dựng và phát triển TP trong thời gian tới
Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ xác định rõ hướng phát triển kinh tế – xã hội của TP mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đô thị bền vững, hài hòa với môi trường và xã hội.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, quy hoạch TP là quy hoạch định hướng chiến lược phát triển, sau đó sẽ được cụ thể một bước vào quy hoạch chung của TP và chi tiết trong kế hoạch triển khai quy hoạch cũng như các chương trình, đề án của TP sau này. Trong thời kỳ quy hoạch TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8,5-9%. Đây là tỷ lệ tăng trưởng rất thách thức đối với TP. Tuy nhiên, TP phấn đấu và phải có kịch bản, kế hoạch, những giải pháp và sự đầu tư để đạt được mục tiêu từ đây đến năm 2030 và phấn đấu giai đoạn sau năm 2030 sẽ đưa tăng trưởng của TP lên 2 con số.
TP.HCM sẽ có kế hoạch cụ thể, trong đó xác định các danh mục đầu tư trọng điểm, có những giải pháp đột phá bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Đi kèm với đó là sửa đổi các thể chế, cơ chế chính sách để TP huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển và tháo gỡ các điểm nghẽn. Đi liền với tăng trưởng GRDP là thu nhập bình quân đầu người đã được TP tính toán quy mô, kịch bản tăng trưởng GRDP và dân số.
Trong quy hoạch từ nay đến năm 2030, TP.HCM giữ đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay. Giai đoạn này TP thực hiện 2 nhiệm vụ lớn là gia tăng nội lực của các đô thị này, trong đó định hình rõ nét TP trong TP đối với TP.Thủ Đức; với 5 huyện, TP sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đạt được các chuẩn đô thị, ít nhất là phải đạt được đô thị loại 3. Đến giai đoạn 2030-2040, TP sẽ tổ chức thành 5 vùng đô thị gồm đô thị trung tâm; TP.Thủ Đức; vùng đô thị khu Nam; khu Tây Bắc; khu Tây Nam. Riêng huyện Cần Giờ, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa mô hình “TP trong làng, làng trong TP” theo gợi ý của Thủ tướng để cụ thể hóa trong quy hoạch này.
Chủ tịch Mãi nhấn mạnh: “Để thực hiện được quy hoạch này, TP cần chọn được những điểm trọng tâm đột phá. Cụ thể, đột phá về thể chế; đột phá trong cơ cấu thay đổi kinh tế TP, đặc biệt thay đổi nội ngành, trong đó phát triển một số ngành mới như kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, đột phá trong chọn lựa và huy động nguồn lực đầu tư”.
Theo Chủ tịch TP, thời gian qua TP.HCM có nhiều cơ chế đặc thù nhưng chưa khai thác hết, trong đó có Nghị quyết 98 và thời gian tới sẽ phát huy các cơ chế này. TP cần vượt qua sự e dè hiện nay, phải có tư duy và tâm thế hành động mạnh mẽ, thay đổi nhiều hơn nữa để luôn là địa phương năng động, sáng tạo…
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là “kim chỉ nam” cho các hoạt động xây dựng và phát triển TP trong thời gian tới, giúp TP vươn lên trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng, cần có cơ chế ứng dụng công nghệ vào thu nhận và phản hồi ý kiến của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch cũng như trong giám sát thực hiện. Cụ thể là xây dựng một ứng dụng di động và trang web chuyên dụng để người dân dễ dàng gửi ý kiến liên quan đến quy hoạch. Thiết lập một hệ thống báo cáo trực tuyến, trong đó công khai thông tin quy hoạch, tiến độ thực hiện và các phản hồi cho người dân…
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đánh giá cao các định hướng quy hoạch trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại, trung tâm xuất nhập khẩu vùng, trung tâm triển lãm, khu đại học, trung tâm cảng biển…
“Cần phải hết sức cân nhắc tính khả thi. Vì chỉ còn 6 năm mà đưa TP.HCM vào danh sách các TP toàn cầu hạng Alpha (tức là có kết nối lớn với thế giới) thì phải xác định được nguồn lực cả về con người lẫn tài chính. Điều quan trọng hơn là cơ chế cần phải xem xét cụ thể”, đại biểu Quân nói.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền cho rằng quy hoạch cần phải được nghiên cứu đồng bộ với quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung TP, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước, thoát nước… Trong quy hoạch cần xác định rõ phạm vi các khu vực khuyến khích phát triển để đề xuất cơ chế, chính sách mới; các mô hình phát triển mới cần được Trung ương thông qua để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.
Theo đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, trong phương hướng phát triển quy hoạch thì y tế được chọn là một trong những ngành phát triển định hướng. Tuy nhiên, quy hoạch mới định hướng phát triển y khoa chuyên sâu, y tế du lịch nhưng chưa có định hướng phát triển y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình, công nghiệp dược. Trong khi đó, TP.HCM là TP cửa ngõ, tiếp nhận nhiều bệnh lý lây truyền, nếu làm tốt y tế dự phòng sẽ tiết kiệm được chi phí y tế. Tương tự, phát triển công nghiệp dược tốt sẽ bổ sung cho ngân sách TP và người dân được sử dụng sản phẩm của Việt Nam làm ra, tiết kiệm nhiều chi phí.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)