Hội nhậpGiáo dục phát triển

Cần xây dựng một thương hiệu cho Ngành Thẩm Mỹ Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Người Hàn Quốc đã dùng phim ảnh để giới thiệu ra nước ngoài nền văn hóa Hàn Quốc với những diễn viên xinh đẹp  và nếp sống giàu sang của một nền kinh tế thịnh vượng. Từ đó khán giả bị chinh phục bởi dàn diễn viên khả ái với nét mặt thanh tú bên cạnh nếp sống của người Hàn đã vượt qua được đói nghèo và vươn lên đẳng cấp của giới thượng lưu như người tây phương…
Đi theo phim ảnh, người Hàn tung ra hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc cùng nền công nghệ làm đẹp Hàn Quốc bùng nổ và bắt đầu triển khai ra khắp các châu lục, cho đến hiện nay thì mọi người đều nghĩ rằng Hàn quốc là xứ sở làm đẹp vượt lên tất cả các nước mặc dù người Nhật đã đi trước Hàn quốc trong công nghệ làm đẹp cả trăm năm và công nghệ làm đẹp của người Nhật vẫn là hạng nhất.
Nói như vậy để mọi người thấy được cái khôn của người Hàn biết dùng văn hóa để dẫn dắt và thu phục kinh tế.
Còn Việt Nam ta thì sao? Công nghệ làm đẹp tại Việt Nam đã phát triển từ thập niên 60 tại miền Nam rất rộn rã. Trên các trang báo tuần báo ngày thời đó không hề thiếu các trang quảng cáo về làm đẹp. Sau 1975 công nghệ làm đẹp tại miền nam vẫn tiếp tục nhưng chưa được chính quyền công nhận vì xã hội còn đói nghèo. Mãi đến thập niên 90 sở y tế thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu cấp phép cho ba cơ sở.
Từ đó ngành phẫu thuật thẩm mỹ mới bắt đầu lộ diện. Mặc dù chưa được quảng cáo nhiều như bây giờ nhưng khách hàng trong nước đã tìm hiểu và nô nức đi làm đẹp. Ba giấy phép mỹ viện đầu tiên được cấp cho ba cơ sở: BS Nguyễn Xuân Cương, BS Đặng Quốc Trinh và mỹ viện Quyền trên đường Lê Lợi. Trải qua quá trình 20 năm phát triển, ngành phẫu thuật thẩm mỹ đã phát triển vượt bậc, danh tiếng ngành PTTM Việt Nam vang ra nước ngoài, lôi cuốn được người Việt và người nước ngoài về Việt Nam làm đẹp.
Trong những năm gần đây, một số bác sỹ trẻ tiếp xúc học hỏi PTTM từ người Hàn hay đi tu nghiệp bên Hàn, đã về Việt Nam hành nghề và tung hô công nghệ làm đẹp Hàn Quốc để câu khách và không còn mảy may ý hướng xây dựng một thương hiệu PTTM Việt Nam riêng cho đất nước Việt Nam nữa. Các bác sỹ trẻ đã không ngại ngần bê luôn các diễn viên Hàn Quốc để quảng cáo, bê luôn thương hiệu thẩm mỹ và địa danh Hàn Quốc để tạo lợi thế quảng bá cho mình làm như thể người Hàn đang nằm trong nhà của mình, vượt qua tất cả danh dự và tự tôn dân tộc, thiếu điều chỉ muốn đi làm cò và dẫn mối thẩm mỹ cho bác sỹ Hàn Quốc.
Điểm lại từ các cơ sở thẩm mỹ mang tên Hàn, hay nửa Hàn nửa Việt,  bác sỹ chủ chốt phẫu thuật mang danh Hàn mặc dù tại cơ sở chỉ có bác sỹ Việt nam, lấy danh nghĩa kỹ thuật Hàn, vậy thì hai mươi năm sau, có tạo nên thương hiệu thẩm mỹ Việt Nam hay không?
Trước đây các bác sỹ Việt khi ra nước ngoài tu nghiệp học hỏi về ngành thẩm mỹ, đã cố gắng học các kỹ thuật tiên tiến và tinh hoa của khắp bốn phương để xây dựng nên ngành PTTM Việt Nam, chứ không hề tung hê lên rằng đây là kỹ thuật làm đẹp của Mỹ, công nghệ làm đẹp của Nhật hay của Pháp, của Hàn… nhưng bây giờ các bác sỹ thẩm mỹ trẻ nhứt cử nhứt động cái gì cũng là Hàn quốc, trên đời nầy chỉ có Hàn quốc, cái gì cũng Hàn quốc… Thử hỏi hai mươi năm sau, hay ba mươi năm sau, lớp đàn con cháu các bạn sẽ nghĩ gì khi nói đến ngành thẩm mỹ Việt Nam?
BS Nguyễn Xuân Cương giảng dạy tại Hàn Quốc
BS Nguyễn Xuân Cương giảng dạy tại Đài Loan
Liệu có ngành PTTM Việt Nam không? Làm gì có mà nói! Lúc đó mọi người Việt Nam muốn làm đẹp sẽ bay qua Hàn Quốc để làm đẹp chứ làm gì đến tay các bạn ngồi chờ đó mà mổ! Các bạn làm gì có thương hiệu mà ngồi đó chờ khách hàng trong nước hay nước ngoài đến với mình. 
Cũng nên nhắc lại rằng bên cạnh trào lưu chạy theo đuôi Hàn Quốc đó của một số bác sỹ trẻ, các hội phẫu thuật thẩm mỹ nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Nhật, Mỹ hàng năm vẫn mời các bác sỹ hàng đầu của Việt Nam đi đến nước họ để truyền thụ kinh nghiệm sáng tạo và các phát kiến  trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ như: TS, BS Nguyễn xuân Cương, PGS TS Lê Hành. Riêng BS Cương đã được Đại học thẩm Mỹ Quốc tế và Học viện thẩm mỹ Châu Á Thái Bình Dương phong tặng học hàm giáo sư và giáo sư danh dự qua hàng chục năm đi chia sẽ kinh nghiệm tại nước ngoài. Trước sự kiện một bên muốn kiến tạo và rao giảng thương hiệu thẩm mỹ Việt Nam, trong khi đó một số bác sỹ trẻ không những không xây dựng thương hiệu thẩm mỹ Việt Nam mà còn đi bán rẻ cho Hàn Quốc.
Các bạn trẻ ơi, đừng tạo nên một thế hệ vong bản ngay trong lúc các bạn có đầy đủ sức khỏe và nhiệt huyết để tạo nên một cái gì rất riêng cho quê hương mình đó là thương hiệu ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam. Các bạn cần dành một cái tâm cho quê hương Việt Nam bằng thương hiệu Việt Nam, chứ không phải đi vay mượn những cái danh Hàn Quốc để làm đẹp cho quê hương.
GS TS Nguyễn Xuân Cương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)