Việc công bố định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD-ĐT vừa qua đã gợi ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong dạy học, ôn luyện và kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông, nhất là vấn đề xây dựng ngân hàng ngữ liệu mới.
Một tiết học môn ngữ văn lớp 12. Ảnh: Anh Khôi
Cần nói ngay, đây là ngân hàng ngữ liệu chứ không phải ngân hàng đề. Đó là kho ngữ liệu về các loại văn bản, các thể loại văn học hay, tiêu biểu, phù hợp… để người ra đề tham khảo, lựa chọn đưa vào đề ngữ văn cho mỗi kỳ thi.
Vì sao phải xây dựng ngân hàng ngữ liệu?
Trong môn ngữ văn, với cách kiểm tra, đánh giá mới, ngữ liệu văn bản đóng một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định cho chất lượng đề thi. Do yêu cầu bảo mật và đảm bảo tính khách quan, công bằng, người ra đề không thể mang theo tài liệu hoặc ấn định sẵn văn bản ngữ liệu mình sẽ ra đề. Đề thi lại yêu cầu hết sức nghiêm ngặt các quy định về nội dung tư tưởng, thể loại và nguồn trích dẫn; vì thế cần xây dựng ngân hàng ngữ liệu trước; không thể vào nơi cách ly ra đề mới đi tìm ngữ liệu. Mà tìm ở đâu khi phải tuân thủ rất nhiều quy định bảo mật hết sức chặt chẽ. Đây là vấn đề và vì thế cần phải có ngân hàng văn bản ngữ liệu mới có chất lượng và số lượng càng nhiều càng tốt. Ngân hàng ấy bảo đảm đầy đủ tất cả các loại văn bản (văn học, nghị luận, thông tin), tất cả các thể loại văn học quy định trong chương trình ngữ văn 2018. Yêu cầu này hết sức khẩn thiết, nhất là với các kỳ thi lớn, nếu muốn có những đề thi hay, chất lượng.
Việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu mới có nhiều cấp độ: ngân hàng của giáo viên, của tổ bộ môn, của quận/huyện, của tỉnh/thành và của Bộ GD-ĐT. Càng cấp lớn hơn thì ngân hàng càng cần phong phú hơn. Về nguyên tắc, các văn bản ngữ liệu trong ngân hàng đề ở các cấp độc lập với nhau, nếu có trùng, số lượng cũng không đáng kể.
Với giáo viên, tự mình sưu tầm ngân hàng ngữ liệu để có văn bản rèn luyện cho học sinh cách đọc, cách viết trong quá trình dạy học. Với cấp trường, cấp huyện/thị xã trở lên, ngân hàng này là để phục vụ việc ra đề kiểm tra, nên cần có chế độ bảo mật nhằm bảo đảm công bằng, khách quan trong đánh giá. Và cũng để tránh việc giáo viên dạy tủ theo ngân hàng ấy, cho học sinh ôn đúng các văn bản trong “gói” ngữ liệu đấy.
Phạm vi, cách ôn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu mới là các thể loại và kiểu văn bản quy định trong chương trình chứ không phải nội dung những văn bản cụ thể.
Giáo viên cần thay đổi như thế nào?
Để đánh giá đúng năng lực đọc hiểu và viết của học sinh như đã nêu, giáo viên cần chuyển đổi việc dạy và học, đổi mới cách ôn luyện, kiểm tra.
Trước hết cần chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực (đọc, viết, nói và nghe). Dạy cho học sinh cách thức đọc các thể loại văn học; các kiểu văn bản (nghị luận và thông tin); cách viết các kiểu bài mà chương trình đã quy định. Vì thế, việc ôn luyện cũng không phải chạy theo nội dung mà luyện tập cách đọc hiểu; cách phân tích đánh giá một văn bản theo một thể loại với ngữ liệu mới… để sau đó gặp ngữ liệu nào học sinh cũng biết vận dụng để đọc hiểu và tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề.
Điểm mới nhất của yêu cầu và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chủ yếu tập trung vào yêu cầu viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa). Đó là một bước tiến lớn trong việc thi, kiểm tra ở môn ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo, động viên học sinh bày tỏ ý kiến riêng và góp phần khắc phục hiện tượng dạy tủ, học thuộc, chép văn mẫu… |
Thứ hai, cần tích lũy, tuyển lựa các loại văn bản làm ngữ liệu mới cho việc dạy học, để rèn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá. Đây là công việc đòi hỏi giáo viên làm thường xuyên và cần có ý thức tìm tòi, đọc thêm, sưu tầm và tuyển lựa. Văn bản ngữ liệu mới cần đúng thể loại, kiểu văn bản đã học trong chương trình; bảo đảm độ tin cậy (nguồn dẫn chính thức), bảo đảm các yêu cầu như chương trình 2018 đã nêu lên. Độ dài văn bản cần phù hợp với thời gian làm bài. Nếu đề trích văn bản từ một tác phẩm lớn thì cần có tóm tắt ngắn gọn, bảo đảm học sinh biết được bối cảnh để hiểu đúng văn bản trong tính chỉnh thể của tác phẩm.
Thứ ba, đề thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh vào lớp 10 công lập thường tập trung chủ yếu vào chương trình lớp cuối cấp. Như thế, khi ôn tập và rèn luyện cho học sinh, giáo viên cần tập trung vào cách đọc hiểu các thể loại văn học ở lớp 9 và lớp 12. Ngoài ra, yêu cầu đọc hiểu còn có văn bản thông tin và văn bản nghị luận (xã hội và văn học). Yêu cầu viết với lớp 12 chủ yếu là viết văn nghị luận với các hình thức khác nhau… Tuy nhiên, đề vẫn có thể kiểm tra một số yêu cầu thuộc lớp 11, thậm chí lớp 10 cả về nội dung kiến thức và kỹ năng.
Thứ tư, yêu cầu đánh giá và cấu trúc đề với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa công bố là mô hình tham khảo tốt. Giáo viên khi ôn tập, rèn luyện ra đề ở các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá khác (như thi cuối năm, thi vào lớp 10 công lập, thi học sinh giỏi các cấp) có thể theo mục tiêu và yêu cầu ấy. Vì tất cả đều học chung một chương trình, đều hướng tới một mục tiêu dạy và học; học sinh chỉ có thể làm tốt kỳ đánh giá cuối khi các lớp dưới đã được rèn luyện, làm quen với cách thức và yêu cầu mới. Nói cách khác, mục tiêu, yêu cầu của kỳ thi cuối cấp THPT chi phối và tác động đến việc thi, kiểm tra, đánh giá của tất cả các lớp và các cấp. Các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá (kể cả thi học sinh giỏi) chỉ khác nhau về mức độ yêu cầu (độ khó), hình thức đánh giá và nội dung cụ thể theo quy định của chương trình.
Điểm mới nhất của yêu cầu và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chủ yếu tập trung vào yêu cầu viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa). Đó là một bước tiến lớn trong việc thi, kiểm tra ở môn ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo, động viên học sinh bày tỏ ý kiến riêng và góp phần khắc phục hiện tượng dạy tủ, học thuộc, chép văn mẫu… Kéo theo sự thay đổi này là cách dạy học, cách ôn luyện mới: cần dạy cách đọc, cách viết. Việc lựa chọn ngữ liệu mới (đúng, hay, phù hợp…) là một trong hai yếu tố quyết định chất lượng của một đề thi. Sự thay đổi ấy cần được tuyên truyền, lan tỏa trong nhà trường và xã hội. Nó sẽ mang lại một quan niệm đúng và tinh thần dạy học ngữ văn mới.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)