Theo các chuyên gia, với đặc thù hạ tầng giao thông cũng như 85% người dân sống trong hẻm, TP.HCM rất cần xe buýt nhỏ (từ 12 đến 17 chỗ) vừa đảm bảo mật độ bao phủ phương tiện hành khách công cộng, vừa hạn chế xe cá nhân.
TP.HCM rất cần xe buýt nhỏ (từ 12 đến 17 chỗ) vừa đảm bảo mật độ bao phủ phương tiện hành khách công cộng, vừa hạn chế xe cá nhân
Phù hợp với đặc thù hạ tầng giao thông
Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND TP.HCM đã đề xuất triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng phương tiện nhỏ phù hợp với đặc thù giao thông và nhu cầu đi lại của người dân TP. Đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới VTHKCC, phục vụ hành khách ngày càng thuận tiện hơn.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2021 đến 2022, TP.HCM dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt từ 12 đến 17 chỗ kết nối các tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ), và một số tuyến xe buýt kết nối các khu đô thị mới…
Theo Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn TP có 4.938 tuyến đường với tổng chiều dài các tuyến đường và cầu là 4.583,34km. Trong đó, có khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m với chiều dài 2.544,7km (chiếm 55,52%) và 1.488 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7m trở lên với chiều dài 2.038,64km (chiếm 44,48%). Theo các chuyên gia, như vậy TP có hơn 1/2 số đường không thể phát triển xe buýt mà cần có xe buýt nhỏ để đảm bảo mật độ bao phủ.
PGS.TS Phạm Xuân Mai (chuyên gia giao thông) cho rằng, xe buýt từ 12 đến 17 chỗ tại TP.HCM đã được các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất áp dụng từ nhiều năm nay, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo ông Mai, đối với các tuyến đường hẹp, chiều dài hạn chế thì cần có xe buýt nhỏ vừa giải quyết nhu cầu hành khách vừa hạn chế tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Việc mở mới các tuyến cần tính toán kết nối chặt chẽ với khu dân cư, đô thị mới, với các tuyến đường sắt, tuyến buýt nhanh… để đảm bảo tính lâu dài. Bên cạnh đó, TP cần tập trung khảo sát các tuyến đường cần bố trí xe buýt nhỏ để tránh tình trạng hoạt động không hiệu quả như ở một số tuyến trước đây.
Kết nối các phương tiện vận tải khác
Trong khi đó, TS. Hoàng Thương – Viện Công nghệ giao thông – phân tích, ngay cả các quốc gia có hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ cũng sử dụng nhiều loại hình VTHKCC. Đồng thời thường xuyên phải điều chỉnh, thay đổi các loại hình cho phù hợp với thực tế. Với TP lớn nhất cả nước như TP.HCM, tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập thì xe buýt nhỏ là giải pháp tốt đối với khu vực hạn chế.
Hơn nữa, TP đang hoàn thiện tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và chuẩn bị khởi công tuyến Metro số 2, Bến xe Miền Đông mới đang vận hành, các khu đô thị vệ tinh đang dần hình thành…, loại hình xe buýt nhỏ là lựa chọn linh hoạt để kết nối với các phương thức vận tải khác. Đặc biệt là các khu vực hạn chế về hạ tầng giao thông, khu dân cư nội bộ, xe buýt nhỏ kết nối các tuyến xe buýt lớn là thật sự cần thiết, sẽ phát huy hiệu quả.
Ông Thương cho biết, Nghị quyết 12 của Chính phủ cho phép các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ tiếp tục xã hội hóa phát triển VTHKCC và dịch vụ hỗ trợ vận tải; Lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng và nhu cầu đi lại. Trong văn bản gửi Chính phủ, Sở GTVT TP.HCM cũng đã dẫn nghị quyết này, đề xuất Chính phủ chấp thuận cho TP triển khai dịch vụ xe buýt nhỏ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM Hà Ngọc Trường khẳng định, xe buýt nhỏ kết nối với tuyến xe buýt lớn tại TP.HCM là phù hợp với mạng lưới đô thị hiện nay. Hơn nữa, TP hiện có quá nửa số đường không phù hợp để hoạt động và phát triển xe buýt. Thực tế là có một số tuyến đã dừng hoạt động do lượng hành khách ngày càng giảm, thu không đủ bù chi.
PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ VẬN TẢI GOM KHÁCH TẠI KHU VỰC XE BUÝT KHÔNG THỂ TIẾP CẬN Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 4-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: – Phát triển hợp lý VTHKCC bằng xe buýt và xe buýt nhanh (BRT) tại các đô thị từ loại 2 trở lên; – Đẩy nhanh tiến độ đầu tư cung ứng dịch vụ vận tải hành khách khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh trên các trục giao thông chính và vành đai giao thông trung tâm của các đô thị đặc biệt; – Phát triển hợp lý các dịch vụ vận tải gom khách tại các khu vực xe buýt không thể tiếp cận đồng thời nâng cao chất lượng và an toàn giao thông của dịch vụ vận tải taxi nhằm mở rộng tối đa vùng và đối tượng phục vụ của VTHKCC, đặc biệt là người cao tuổi, khách du lịch và người sở hữu ô tô cá nhân… |
“Triển khai dịch vụ xe buýt nhỏ sẽ giải quyết được bài toán hạn chế xe cá nhân, người dân dễ dàng tiếp cận với phương tiện VTHKCC, kéo giảm ô nhiễm môi trường…”, TS. Hà Ngọc Trường nói.
Theo Sở GTVT TP, năm 2017, TP đã nghiên cứu đề án thí điểm xe buýt mini và đề xuất xây dựng 20 tuyến xe buýt cỡ nhỏ với 350 xe 12 chỗ có khả năng di chuyển gom khách ở các hẻm rộng từ 4 đến 6m, trung chuyển học sinh… đến các tuyến xe buýt chính.
Năm 2020, Sở GTVT TP đề xuất mở 6 tuyến xe buýt loại 17 chỗ ngồi có tích hợp ứng dụng công nghệ phục vụ người dân ở các hẻm, đường nhỏ và không hưởng trợ giá từ ngân sách. Theo đề xuất, Công ty TNHH Busgo sẽ triển khai 6 tuyến kết nối với các KCN-KCX với các đầu mối giao thông ở các quận, huyện như 1, 2, 7, 9, Nhà Bè… Đề xuất này đã bị Bộ GTVT bác vì chưa phù hợp với các quy định hiện hành.
A.Trần – M.Tuyết
Bình luận (0)