Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần xóa bỏ tình trạng “trường cần tiền, sinh viên cần bằng”

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên ĐH Mở TP.HCM học bài tại căng tin của trường. Ảnh: M.Tâm

Người học cần bằng, nhà trường cần tiền là một thực tế hiện nay diễn ra tại một số trường đại học (ĐH). Chính vì vậy, nó đã biến các trường ĐH chính quy (ĐHCQ) thành ĐH mở, còn 2 ĐH mở (ĐH Mở TP.HCM và Viện ĐH Mở Hà Nội) trở thành ĐHCQ. Nghịch lý này hiện vẫn đang tồn tại. GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT đã có những cái nhìn tổng quát về vấn đề này.

PV: Tại sao GS quan tâm nhiều đến hệ thống đào tạo không chính quy (KCQ) trong giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta?
Một trong những đặc điểm của thời đại hiện nay là việc học suốt đời ngày càng phải trở thành phong cách của mọi người, vì công nghệ biến đổi rất nhanh, con người phải học thường xuyên suốt đời mới cập nhật được khả năng làm việc và nâng cao được chất lượng cuộc sống. Hệ thống đào tạo KCQ là một bộ phận quan trọng giúp cho phong cách học suốt đời và kết nối với hệ thống đào tạo chính quy (CQ) trong nhà trường. 
Riêng đối với GDĐH, theo thống kê, số sinh viên (SV) KCQ chiếm khoảng một nửa tổng số. Hầu hết mọi trường ĐH đều công nhận chất lượng hệ thống đào tạo KCQ là rất thấp, không thể so sánh được với hệ thống đào tạo CQ. Thế mà tình trạng này được thả nổi nhiều thập niên qua, đó là điều không thể chấp nhận được. Do đó, sẽ là vô nghĩa nếu nói đến nâng cao chất lượng GDĐH mà không chú ý đến loại hình đào tạo KCQ, một loại hình chiếm một nửa tổng số SV ĐH.
Tôi quan tâm nhiều đến loại hình này vì trong mấy thập niên qua chúng tôi đã nhiều lần đề xuất đến các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng hệ KCQ nhưng những người có trách nhiệm rất ít chú ý, và cho đến nay chưa có một giải pháp tổng thể nào để xử lý gay cấn này. 
Theo GS, cái gốc của tình trạng hệ đào tạo KCQ ở nước ta có số lượng lớn, chất lượng thấp là ở đâu?
Có thể do hai nguyên nhân. Một là, thực chất của hệ đào tạo KCQ chủ yếu là giáo dục đào tạo mở và từ xa (GDĐTM&TX), khác với đào tạo chính quy chủ yếu là đào tạo mặt-giáp-mặt, nhưng hầu hết SV KCQ ở các trường đại học nước ta được đào tạo theo một công nghệ dễ dãi của đào tạo mặt-giáp-mặt, không theo công nghệ nghiêm túc của GDĐTM&TX. Hai là, sự gặp nhau của tâm lý “SV cần bằng, nhà trường cần tiền”, tâm lý này được trình độ kém của những người tuyển dụng nhân lực tư nhân, cũng như tệ móc ngoặc và chính sách chú trọng bằng cấp hơn thực tài của một số ít cơ quan nhà nước trong tuyển dụng nhân lực hỗ trợ.
Ở nước ta hiện có hai ĐH mở, vậy vai trò của các trường ĐH đó như thế nào trong thời gian vừa qua?
Hai ĐH mở ở nước ta đã được thành lập từ năm 1993 nhưng đã gần 20 năm qua Nhà nước chưa có đầu tư đáng kể nào cho họ. Nguyên nhân chính là sự chỉ đạo và quản lý không bám theo đúng phương hướng được đề ra khi thành lập các trường này. Chẳng hạn, bộ đã dùng cách cấp chỉ tiêu tuyển sinh CQ cho 2 ĐH này giống như cho các ĐH thông thường khác và căn cứ vào đó để cấp ngân sách theo đầu SV, mà không quan tâm đến loại hình SV đào tạo theo GDĐTM&TX. Thậm chí trong mấy năm gần đây 2 ĐH mở được xếp vào loại các đơn vị “tự chủ về tài chính”, tức là không được nhận đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Một điều đáng buồn là dự án “Phát triển Giáo dục từ xa giai đoạn 2005-2010” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 164/2005/QĐ-TTg nhưng hoàn toàn không được triển khai. Vì Nhà nước “bỏ quên” không đầu tư thích đáng cho 2 ĐH mở nên dù họ có tự bươn chải thế nào thì cũng không đảm đương được sứ mạng của mình về phát triển GDĐTM&TX đã được giao và thực tế biến thành các “ĐH khép”. Ngược lại, một số trường ĐH khác, kể cả các ĐH trọng điểm, vốn được Nhà nước đầu tư để khuyến khích đào tạo chất lượng chuẩn mực, thì lại chạy theo việc nâng số lượng đào tạo KCQ bằng công nghệ đào tạo mặt-giáp-mặt dễ dãi để tăng thu nhập, và trở thành gần như các ĐH mở!   
Hai nguyên nhân mà GS nói trên đây về chất lượng thấp của hệ KCQ có vẻ rất khó khắc phục, vậy GS có đề xuất một giải pháp khả thi nào để xử lý gay cấn đó không?
Tâm lý chuộng hư danh của xã hội và trình độ tuyển dụng kém của các công ty tư nhân thì sẽ dần dần được khắc phục với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đích thực. Còn về mặt công nghệ và chính sách của Nhà nước thì có thể khắc phục sớm nếu những người lãnh đạo giáo dục thực sự quan tâm. Chúng tôi đã nêu ra một giải pháp để xử lý triệt để gay cấn về hệ KCQ, có thể tóm tắt như thế này: Nhà nước cần đầu tư mạnh vào hai ĐH mở để họ làm nòng cốt xây dựng hệ thống công nghệ GDĐTM&TX tốt để đào tạo KCQ đảm bảo chất lượng ở bậc ĐH, và có cơ chế để mọi trường ĐH sử dụng hệ thống công nghệ này khi đào tạo KCQ, đồng thời Nhà nước dỡ rào cản về việc sử dụng bằng cấp ĐH theo phương thức GDĐTM&TX đối với những người thực học. 
Xin cảm ơn GS!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Theo con số thống kê của Bộ GD-ĐT, số sinh viên KCQ của Việt Nam năm 2007 là trên 80 vạn SV, chiếm hơn 49% trên tổng số sinh viên. Trong đó, tại các trường ĐH vùng, 2 ĐHQG là những ĐH trọng điểm đào tạo nhân lực chất lượng cao và trình độ cao đều có SV KCQ khá cao như ĐHQG Hà Nội là 45,4%, ĐH Huế 54%; đặc biệt là ĐH Cần Thơ lên đến 64%.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)