Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần xử lý các cơ sở ngoại ngữ “sai tên”

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định về điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ của Sở GD-ĐT TP.HCM, việc đặt tên trung tâm là tên bằng tiếng Việt và được ghi trên quyết định, giấy phép dạy học, con dấu, bảng tên và các giấy tờ giao dịch khác. Đặt tên theo quy định: Trung tâm + tên loại hình + tên riêng. Thế nhưng để tạo sự chú ý và thu hút học viên, nhiều cơ sở ngoại ngữ đã tự động chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc Việt – Anh lẫn lộn.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM thì tại địa chỉ 22 Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp không hề có cơ sở ngoại ngữ nào tên là BosTon mà chỉ có cơ sở ngoại ngữ Bôn Tân. Thế nhưng tại địa chỉ trên lại xuất hiện tên tiếng Anh: Trường Anh ngữ quốc tế BosTon. Tại chi nhánh của cơ sở này ở đường Trường Chinh, Tân Bình cũng là tên Trường Anh ngữ quốc tế BosTon. Giống như thế cơ sở ngoại ngữ Tinh Tú ở 193 Ba Tháng Hai, Q.10 lại biến thành Anh ngữ quốc tế Elite. Tại các chi nhánh của cơ sở này ở Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận đều là Anh ngữ quốc tế Elite. Cái tên Tinh Tú chỉ nằm vỏn vẹn rất khiêm tốn trên đầu bảng hiệu.
Không hoàn toàn “biến” từ tên tiếng Việt sang tiếng Anh, nhiều cơ sở ngoại ngữ còn trưng trên bảng hiệu của mình vừa Việt vừa Anh lẫn lộn. Trong khi đó theo quy định về việc đặt tên doanh nghiệp thì: tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp tại cơ sở của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành. Thế nhưng cơ sở ngoại ngữ Á Lan Đại (2 Cao Thắng, Q.3) lại trưng một tên tiếng Anh khá hoành tráng là: Atlanta.
Còn cơ sở ngoại ngữ Chiến Thắng (915 Trường Chinh, Q.Tân Phú) thì mọi việc lại hoàn toàn khác: tên Victory (chiến thắng) chiếm phần lớn bảng hiệu của trường còn dòng chữ: Trường ngoại ngữ Chiến Thắng chỉ nằm vỏn vẹn tận dưới đáy bảng hiệu này. Tương tự cơ sở ngoại ngữ Nữu Ước ở 136 Nguyễn Duy Dương, Q.5 cũng được làm nổi bật bằng một cái tên rất “hot” là Trường Anh ngữ New York. Tại bảng hiệu của cơ sở này, chữ Nữu Ước rất mập mờ…
Ông Phạm Anh Ba, phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Các cơ sở ngoại ngữ – tin học dùng tên nước ngoài để quảng bá trên các tờ bướm, bảng hiệu như thế là hoàn toàn sai”. Ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Quan điểm của sở là quản lý nghiêm khắc các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là quy định về các mặt như: chương trình giảng dạy, nhân sự tham gia giảng dạy, cấp phát văn bằng, thực hiện yêu cầu phục vụ người học theo đúng tinh thần giấy phép đã được cấp. Ngành sẽ căn cứ vào luật giáo dục để xử phạt tùy theo mức độ vi phạm của từng cơ sở. Nếu cơ sở nào vi phạm nặng chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép hoạt động”.
QUANG PHƯƠNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)