Giá thuê nhà tăng chóng mặt ở các thành phố lớn của Canada đang khiến ngày càng nhiều người phải vật lộn để tìm một nơi ở vừa túi tiền và đối phó với các chi phí sinh hoạt khác. Các cuộc trò chuyện quốc gia về cuộc khủng hoảng nhà ở thường bỏ qua một bộ phận dân số ngày càng tăng; trong đó sinh viên quốc tế đang đối mặt với: bị phân biệt đối xử về nhà ở, cắt xén tiền thuê nhà, lạm dụng quyền và quấy rối tình dục…
Nhiều sinh viên quốc tế đến Canada phải đối mặt với những thách thức khi điều hướng thị trường nhà ở đắt đỏ
Canada có hơn 807.000 sinh viên quốc tế vào năm 2022, khoảng 40% trong số họ đến từ Ấn Độ. Trong khi tất cả những sinh viên này cần nhà ở, nhiều người phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong thị trường nhà cho thuê. Một nghiên cứu đang tiến hành về những người Ấn Độ mới đến ở Canada đã phát hiện ra rằng một số chủ nhà phân biệt đối xử với sinh viên quốc tế dựa trên giới tính và sắc tộc là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Quảng cáo cũng phân biệt đối xử
Một tìm kiếm trực tuyến cho thuê cho thấy nhiều quảng cáo về nơi ở có sẵn cho sinh viên quốc tế xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Ngoài ra, nhiều quảng cáo nhắm đến sinh viên Ấn Độ với chủ nhà tìm người thuê là người ăn chay hoặc từ các vùng cụ thể của Ấn Độ.
Từ ngữ trong quảng cáo có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng nhiều từ có thể mang tính phân biệt đối xử và họ xem sinh viên quốc tế như một con mồi để cắn xé. Chủ nhà thường yêu cầu các khoản thanh toán trả trước rất lớn khi sinh viên đến thuê. Và sinh viên quốc tế thường là đối tượng bị bóc lột vì họ đến Canada gần đây; và vì tình trạng di cư tạm thời nên sinh viên quốc tế ít có khả năng lên tiếng hay phản kháng vì những bất công này ở nơi đất khách.
Nhà ở như một quyền con người
Mặc dù những quảng cáo này vi phạm Bộ luật Nhân quyền Ontario, nhưng chúng vẫn tiếp tục được đăng tải nhan nhản trên các trang web công cộng. Bộ luật định nghĩa quyền không bị phân biệt đối xử trong nhà ở là “Không chỉ quyền ký kết thỏa thuận và cư trú tại một nơi ở, mà còn là quyền không bị phân biệt đối xử trong mọi vấn đề liên quan đến chỗ ở”.
Nghiên cứu đang diễn ra có các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với sinh viên và nhà cung cấp dịch vụ. Những người được hỏi đã chia sẻ rằng nhiều chủ nhà trọ có xu hướng ấu trĩ hóa và giám sát họ quá mức. Những người khác, đặc biệt là nữ sinh viên quốc tế, đã từng bị quấy rối và tấn công tình dục cũng như bóc lột tình dục một cách thường xuyên.
Một cuộc khảo sát tại Đại học McGill cho thấy 38,6% sinh viên quốc tế từng bị quấy rối tình dục và 23,6% từng bị tấn công tình dục.
Nhà ở dưới tiêu chuẩn, bất hợp pháp và quá đông đúc
Chỗ ở dành cho sinh viên quốc tế thường đạt dưới tiêu chuẩn cho phép, quá chật chội, đông đúc và không đủ độ an toàn. Nhiều nơi thường thiếu thiết bị báo cháy và máy phát hiện khí carbon monoxide và bị sâu bệnh phá hoại. Nhiều đơn vị thứ cấp trong nhà dành cho một gia đình, chẳng hạn như dãy tầng hầm, được xây dựng mà không có giấy phép.
Brampton, Ont., thành phố có nhiều sinh viên quốc tế Ấn Độ sinh sống, có tỷ lệ nhà trống là 0,8% vào năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 3% được coi là có thể chấp nhận được. Không có gì lạ khi ước tính Brampton có khoảng 50.000 căn hộ bất hợp pháp.
Điều này nguy hiểm và có thể dẫn đến kết cục bi thảm. Vào tháng 1, một sinh viên quốc tế ở Cape Breton đã chết trong một vụ hỏa hoạn tại một ngôi nhà sinh viên quốc tế chật chội. Vào tháng 12 năm 2022, Đại học Cape Breton khuyên sinh viên quốc tế hoãn đến Canada vì thiếu chỗ ở phù hợp.
Một vấn đề phổ biến khác về nhà ở cho sinh viên quốc tế là tình trạng quá tải. Với chi phí thuê ngày càng không thể chấp nhận được, nhiều sinh viên đang thuê phòng đơn với những người khác. Một số quảng cáo trực tuyến thậm chí còn cung cấp một căn phòng chỉ có một giường được chia sẻ với một người thuê nhà khác mà sinh viên không biết. Một quảng cáo trên Kijiji (một trang web quảng cáo được phân loại trực tuyến của Canada) đã đăng tải: “Tôi đang tìm một cô gái Ấn Độ ở chung phòng với một cô gái Punjabi khác”.
Ảnh chụp màn hình một quảng cáo trên trang web Kijiji về phòng chung trong một ngôi nhà ở Brampton
Những câu chuyện về chủ nhà quấy rối và trục xuất sai trái phổ biến trên khắp Canada. Những sự cố này kết hợp với thị trường cho thuê đắt đỏ có nghĩa là tình trạng vô gia cư là một trải nghiệm phổ biến đối với sinh viên. Một nghiên cứu cho thấy hơn 31 phần trăm học sinh sau trung học trải qua tình trạng vô gia cư.
Mặc dù nghiên cứu không tập trung vào sinh viên quốc tế nói riêng, nhưng nghiên cứu đang được tiến hành của Das Gupta cho thấy tình trạng vô gia cư phổ biến với những câu chuyện về một số sinh viên ngủ trong ô tô của họ vì họ không đủ tiền thuê nhà.
Chấm dứt văn hóa bóc lột
Một cuộc điều tra gần đây của CTV W5 (một chương trình truyền hình tạp chí thời sự của Canada do CTV News sản xuất) đã tiết lộ cách sinh viên quốc tế tại Đại học Cape Breton và các tổ chức sau trung học khác của Canada được tuyển dụng một cách chiến lược vì họ trả học phí cao hơn đáng kể so với người Canada.
Bản chất cực đoan của cuộc khủng hoảng tại trường đại học đã khiến sinh viên lên tiếng và ủng hộ quyền của sinh viên quốc tế, bao gồm nâng cao nhận thức rằng việc phàn nàn về vi phạm nhân quyền, tấn công tình dục hoặc các tội phạm khác sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội ở lại Canada của họ.
Cần phải có những thay đổi về cơ cấu của Chính phủ và các tổ chức sau trung học và các thành phố tự quản cần điều chỉnh tốt hơn các đơn vị cho thuê bất hợp pháp. Và quan trọng là các sinh viên quốc tế mong muốn lên tiếng về các giải pháp phải được tư vấn là lắng nghe nhiều hơn.
Thủy Phạm
(Theo TheConversation)
Bình luận (0)