Hội nhậpThế giới 24h

Canada sẵn sàng dùng vũ lực với Nga ở Bắc cực

Tạp Chí Giáo Dục

Tình hình tranh chấp ở Bắc cực “nóng” lên khi Canada tuyên bố không ngại dùng vũ lực để đối phó việc Nga mở rộng hoạt động quân sự tại đây.

Canada tuyên bố sẽ trả đũa mọi “hành vi xâm phạm” ở Bắc cực

Ảnh: Canadian Armed Forces

Hãng tin The Canadian Press hôm qua dẫn lời Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh các lực lượng nước này không được lơi lỏng phòng vệ và cần phải sẵn sàng trả đũa trước bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền nào. Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Harper kết thúc chuyến thị sát vùng lãnh thổ phía bắc của Canada và theo dõi cuộc tập trận thường niên Nanook 2014, diễn ra ngoài khơi đảo Baffin thuộc cực bắc nước này.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Berlingske của Đan Mạch trước đó, Ngoại trưởng Canada John Baird cũng nhấn mạnh chính quyền Ottawa đang đặc biệt lo ngại về động thái đẩy mạnh hoạt động quân sự của Nga tại Bắc cực, “sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ chủ quyền”. “Đối với chúng tôi, đây là ưu tiên chiến lược. Trước những hoạt động quân sự hóa khu vực đang diễn ra, chúng tôi muốn giảm nguy cơ xung đột, nhưng rõ ràng là chúng tôi sẽ buộc phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”, ông Baird tuyên bố.

Nga và các nước khác đang tham gia tranh chấp ở Bắc cực như Mỹ, Đan Mạch, Na Uy chưa có phản ứng về các tuyên bố trên. Từ năm ngoái, Nga bắt đầu đẩy mạnh khôi phục hoạt động ở Bắc cực, mở đầu bằng việc cho hoạt động trở lại một căn cứ quân sự bị bỏ hoang từ thời Liên Xô trên quần đảo Novosibirsk ngoài khơi bờ biển đông bắc của nước này. Sau đó, Moscow liên tục điều động tàu chiến, tàu phá băng đến khu vực và vào đầu năm nay, Hạm đội phương Bắc của Nga thông báo sẽ mở rộng tuần tra Bắc cực bằng máy bay chống tàu ngầm/trinh sát biển Tu-142 và Il-38, theo RIA-Novosti. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết nước ông sẽ xây dựng một hệ thống hợp nhất các cơ sở hải quân tại những vùng lãnh thổ Bắc cực để chứa tàu chiến và tàu ngầm hiện đại, tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích tại đây.

Bắc cực được cho là khu vực chiến lược trên thế giới về tài nguyên, quân sự và hàng hải.

Theo tờ Ouest France, các nhà khoa học ước tính nơi này chiếm 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò. Đó là chưa tính đến các mỏ uranium, đất hiếm, vàng, sắt, bạc… Riêng Greenland đã chiếm 10% nguồn dự trữ nước ngọt của trái đất. Ngoài ra, biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh, mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc cực vào mùa hè. Từ châu Âu sang châu Á, các công ty vận chuyển hàng hải có thể rút ngắn được từ 6.000 – 8.000 km so với các tuyến đường hiện nay.

Thụy Miên (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)