Y tế - Văn hóaThư giãn

Càng bệnh viện tuyến trên, phong bì càng dày!

Tạp Chí Giáo Dục

Càng lên bệnh viện tuyến trên, phong bì người bệnh “lót tay” cho bác sĩ càng dày. Ở những nơi bệnh nhân càng nặng, ở trong danh giới của sự sống – chết thì bác sĩ càng có cơ hội nhận phong bì….

Đó là một phần kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội thảo “Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế: Từ bằng chứng đến giải pháp” được công bố sáng nay (6/6) tại Hà Nội.
BV Trung ương: 2.000.000 tiền cảm ơn
“Đến nơi cấp cứu rồi, bác sĩ chẳng làm gì, cứ đi ra đi vào, làm việc riêng tư, phong bì vào rồi mới cấp cứu, chọc cho người ta để nó thoát khí ra ngoài. Bác sĩ biết chắc chắn không chết được, nếu có chết thì chỉ chết lâm sàng thôi…”; “Nhưng sợ không đưa sẽ xảy ra điều xấu cho mình. Khi đưa tiền rồi thì chẳng có gì là tốt. Kể cả có lần sau cũng vẫn phải đưa. Vì nếu họ làm xấu cái thì hết đời à”, đó là hai trong nhiều ý kiến về việc đưa phong bì lót tay cho bác sĩ mà nhóm nghiên cứu thực hiện tại 4 tỉnh, thành của Việt Nam là Hà Nội, Đắc Lắc, Cần Thơ, Sơn La từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2011.

Thực trạng đưa phong bì là có, nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc đưa hay không đưa phong bì không làm thay đổi chất lượng chuyên môn
của bác sĩ. Ảnh minh họa: Tú Anh
Bà Trần Thị Thu Hà (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng) cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy sự xuất hiện của phong bì trong dịch vụ y tế ngày càng tăng. Hình thức phổ biến nhất là tiền hoặc phong bì, với rất nhiều tên gọi như tiền cám ơn, tiền quan tâm, tiền bồi dưỡng. Càng lên bệnh viện tuyến trên, phong bì càng dày và xuất hiện xu hướng “quà” là những mối quan hệ “phi” tiền nhưng rất lợi ích cho bác sĩ như xin học cho con bác sĩ, được mua nhà giá gốc.
Với bác sĩ tuyến huyện, phong bì “lót tay” rất nhẹ nhàng, chỉ chừng 200 ngàn đồng nhưng tăng lên ở bệnh viện tuyến tỉnh từ 50 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Còn tại bệnh viện tuyến TƯ mức trung bình từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, cao nhất là 2 triệu đồng tiền cảm ơn. Tương tự, mức cảm ơn của người nhà bệnh nhân với hộ lý, điều dưỡng, nữ hộ sinh cũng tăng dần từ cấp huyện đến bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương.
Không chỉ biếu riêng cho bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng mà nhiều gia đình còn có phong bì để cảm ơn khoa phòng nơi người nhà mình được chăm sóc. Ở bệnh viện huyện, mức trung bình cảm ơn khoa ngoại, khoa sản thường ở mức 200 – 500 ngàn đồng. Con số này tại viện tỉnh tăng từ 200 – 2 triệu đồng. Riêng tại bệnh viện tuyến TƯ, số tiền cảm ơn khoa ở mức 500 – 5 triệu đồng. Cá biệt có trường hợp ở TP Hồ Chí Minh người nhà bệnh nhân biếu hàng chục triệu đồng.
Đáng buồn nhất, đa phần người nhà bệnh nhân phải đưa phong bì khi ranh giới giữa sự sống và cái chết của người bệnh rất mong manh. Và đối tượng được nhận phong bì là những cán bộ y tế làm việc tại các khoa như ngoại hoặc cấp cứu, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hàng ngày, tại các khoa sản…
Ngay cả với những mối quan hệ quen biết với bác sĩ thì việc đưa phong bì cũng là đương nhiên, với giá trị tương đương. Chỉ khác là người bệnh được lợi thế khám nhanh hơn, niềm nở hơn, tư vấn kỹ hơn. Việc đưa biếu cũng ít dùng tiền mà thay vào đó là quà cáp.
Bác sĩ: 1 – 3 năm để “quen” nhận phong bì
Với câu hỏi đưa phong bì, bắt buộc hay tự nguyện? Chỉ một số ít có câu trả lời tự nguyện và nhà có điều kiện. Còn lại tới 50% số người trả lời, đưa phong bì vì “mọi người đều làm thế”, 1/3 thì nghe truyền miệng hoặc chứng kiến nếu không có phong bì thì bị thờ ơ.
Về phía bác sĩ, nhân viên y tế, kết quả khảo sát cho thấy, với nhân viên y tế mới ra trường thường không dám nhận phong bì và quà biếu. Nhưng chỉ 1 – 3 năm sau đó, chính nhân viên y tế này đã “quen” với việc nhận phong bì. Riêng với nhân viên y tế khoa sản, ngoại thì thời gian để “quen” với việc nhận phong bì được rút ngắn xuống chỉ trong vòng 1 năm.
“Thực ra cầm phong bì là thấy nhục nhã, đó chỉ là sự bắt buộc, không cầm thì đói mà cầm thì nhục nhã”, đó là ý kiến của một bác sĩ được hỏi bởi nhóm nghiên cứu này. Theo kết quả nghiên cứu, nhân viên y tế nhận phong bì với mục đích để cải thiện cuộc sống; phong bì là thông lệ xã hội (đâu cũng có phong bì); để mở rộng quan hệ xã hội; Không làm bệnh nhân thất vọng bởi người bệnh tự nguyện đưa biếu.
“Còn phong bì không làm thay đổi chất lượng chuyên môn của bác sĩ. Chỉ thay đổi thái độ hòa nhã hoặc được ưu tiên”, bà Hà khẳng định. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân tại Hà Nội và Cần Thơ “cảm thấy” có sự khác biệt về thái độ của nhân viên y tế khi đưa và không đưa phong bì tại tuyến TƯ và tỉnh.
Vấn đề phong bì “lót tay” bác sĩ có giải quyết được hay không phụ thuộc vào cả cán bộ y tế và người bệnh. Nhưng thực tế, một bên thì cho rằng vấn đề phong bì không là vấn đề nghiêm trọng, miễn là bệnh nhân tự nguyện, cán bộ y tế không đòi hỏi, nhũng nhiễu, còn với người bệnh, luôn trong tâm lý không đưa phong bì không yên tâm thì e rằng, câu chuyện phong bì trong bệnh viện vẫn là câu chuyện dài nói mãi!
 
Theo DTO

Bình luận (0)