Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Càng cao tuổi, càng ngủ ít là bình thường?

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà nghiên cứu ghi nhận đối với người từ 50 tuổi, ngủ không đủ thời gian cần thiết thì càng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Cách phòng tránh là sống lành mạnh và từ bỏ các thói quen xấu.
Tạp chí Nature Communications (Anh) ngày 20-4 đã đăng nghiên cứu với tiêu đề "Mối liên hệ giữa thời lượng ngủ ở tuổi trung niên và tuổi già với tỉ lệ sa sút trí tuệ".
Tham gia nghiên cứu có các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM) và Đại học Paris phối hợp với Đại học London (UCL).
Sau 25 năm theo dõi gần 8.000 người trưởng thành ở Anh, các nhà khoa học nhận thấy những người 50 – 60 tuổi thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm sẽ tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ (mất trí nhớ) 20 – 40% so với những người ngủ với thời lượng bình thường 7 tiếng mỗi đêm.
Ngủ không đủ có nguy cơ tăng sa sút trí tuệ
Ngủ không đủ có nguy cơ tăng sa sút trí tuệ 
Trong quá trình nghiên cứu, những người tham gia tự đánh giá thời gian ngủ của họ sáu lần từ năm 1985 – 2015.
Năm 2012, khoảng 3.900 người đang đeo đồng hồ cảm biến gia tốc giúp ghi lại chuyển động trong giấc ngủ ban đêm để bảo đảm tính chính xác. Nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ được tính đến tháng 3-2019.
Tiến sĩ Séverine Sabia (INSERM/UCL) – tác giả nghiên cứu chính – cùng các đồng nghiệp còn quan sát thấy nguy cơ mất trí nhớ tăng thêm 30% đối với người 50 – 70 tuổi có thời gian ngủ ngắn thường xuyên, bất kể họ có hay không có các vấn đề về tim mạch, chuyển hóa hoặc tâm thần (trầm cảm), vốn là các tác nhân gây chứng sa sút trí tuệ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có gần 10 triệu ca sa sút trí tuệ mới, trong đó có bệnh Alzheimer.
Các bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ thường ngủ không đủ. Trong khi đó, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy thói quen ngủ hằng đêm có thể góp phần dẫn đến chứng sa sút trí tuệ phát triển.
INSERM nhấn mạnh kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy giấc ngủ ở lứa tuổi nửa đời người giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ và tầm quan trọng của việc duy trì giấc ngủ tốt đối với sức khỏe.
Cần lưu ý nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ giữa thời gian ngủ ban đêm và nguy cơ mất trí nhớ, nhưng không khẳng định có mối quan hệ nhân – quả giữa hai vấn đề này.
Tạp chí Nature Communications hi vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ xác định xem cải thiện thói quen ngủ ban đêm có giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ hay không.
Trong khi chờ đợi các nghiên cứu ấy, TS Sara Imarisio ở Quỹ nghiên cứu bệnh Alzheimer (Anh) kêu gọi: "Không hút thuốc, uống rượu bia điều độ, năng động về tinh thần và thể chất, ăn uống cân bằng, kiểm soát mức cholesterol và huyết áp có thể giúp duy trì bộ não khỏe mạnh khi chúng ta ngày càng già đi".
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)