Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Căng thẳng tìm chỗ học cho trẻ mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sĩ số trẻ/lớp ở các trường MN quá đông (ảnh chụp tại Trường MN 19-5)

Thời gian gần đây, Phòng Giáo dục mầm non (MN) Sở GD-ĐT TP.HCM thường xuyên nhận được điện thoại của phụ huynh than phiền vì không tìm được chỗ gửi con. Có phụ huynh còn bức xúc cho biết đi từ 3 giờ sáng xếp hàng chờ đợi nhưng vẫn không mua được đơn xin học cho con…
Căng thẳng chỗ học cho trẻ
Mặc dù thời hạn phát hành hồ sơ nhận trẻ của Trường MN 19-5 đã kết thúc cả tháng nhưng những ngày này Ban giám hiệu nhà trường liên tục phải tiếp các bậc phụ huynh tới xin học cho con. Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này trường chỉ có thể nhận được khoảng 150 – 160 cháu, nhưng số hồ sơ xin học lên tới gần 250. Mặc dù trường nhận học sinh trên địa bàn toàn thành phố, song vì chỉ tiêu chỉ có giới hạn còn nhu cầu của phụ huynh thì quá lớn nên đành phải từ chối những phụ huynh ở xa. Mỗi lần phải từ chối, chúng tôi cũng thấy áy náy bởi phụ huynh có tin tưởng thì mới gửi con vào đây. Song, trên thực tế là nhà trường không còn chỗ để nhận trẻ nữa…”.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Trường MN 19-5 mà là tình trạng chung của hầu hết các trường MN trên địa bàn thành phố, đặc biệt là những trường có cơ sở vật chất khang trang.
Một lãnh đạo ở Phòng GD-ĐT Q.3 đã từng tuyên bố Q.3 có dư chỗ học cho trẻ MN, có thể nhận thêm trẻ ngoài quận. Thế nhưng, khi chúng tôi gọi điện tới Trường MN Tuổi Thơ 7 hỏi điều kiện để được nhập học thì được biết năm nay trường chỉ nhận trẻ trong quận…
Trong vai một phụ huynh, tôi đến Trường MN Vàng Anh Q.5 để xin học cho con. Theo thông báo của trường thì năm nay chỉ nhận trẻ sinh năm 2006 và sinh từ tháng 1 đến tháng 9 – 2007, ưu tiên nhận trẻ có hộ khẩu ở Q.5, có cha mẹ là cán bộ công chức đang công tác tại cơ quan ban ngành, đoàn thể ở Q.5. Nghe tôi trình bày là có con 3 tuổi, nhà ở P.12. Một nhân viên ở Phòng tài vụ hỏi: “Thế chị làm nghề gì?”, tôi trả lời là ở nhà nội trợ. Nhân viên tươi cười từ chối: “Chúng tôi chỉ nhận trẻ có ba mẹ đi làm Nhà nước, chị thông cảm cho cháu học ở trường gần nhà…”. Đúng lúc đó một phụ huynh bước vào để mua hồ sơ. Anh cho tôi biết: “Hộ khẩu của tôi ở Q.8 nhưng làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (đường An Dương Vương, Q.5) chỉ cách Trường MN Vàng Anh vài trăm mét. Tuy nhiên, theo như nhân viên của trường thì trường hợp của tôi hơi khó, may nhờ rủi chịu. Vả lại đợt này là đợt bổ sung nhận không nhiều, trước đó khoảng tháng 5 nhà trường đã nhận một đợt rồi”…
Phụ huynh phải thông cảm cho ngành giáo dục
Bà Vũ Thị Xuân Liên – Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh, Q.5 cho biết: “Trước đây, Trường MN Vàng Anh nhận cả trẻ ngoài quận. Đặc biệt là Q.4, Q.7 và Q.8 có khá nhiều trẻ học ở đây. Nhưng năm nay thì đành phải bó hẹp lại chỉ nhận trẻ trong diện ưu tiên, nếu còn chỗ thì mới nhận các đối tượng khác. Nhà trường phát đơn từ 15 đến 22-6, ghi nhận ban đầu cho thấy năm nay nhu cầu của phụ huynh tăng trên 20% so với mọi năm, dẫn đến tình trạng đã quá tải nay lại càng quá tải. Chúng tôi đành phải hạ diện tích/đầu cháu theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT là 4m2 xuống còn 3m2 để nhận trẻ nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh”.
Bà Đặng Thi Nguyệt Ánh – Phó phòng GD-ĐT Q.5 cũng cho biết: “Q.5 khá nhiều trường MN, song phải ưu tiên nhận trẻ trong quận, nếu còn chỗ thì mới nhận ngoài quận”…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Bậc MN không bao cấp nên các trường công lập chỉ nhận được 30-60% số trẻ trong độ tuổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng cần thông cảm với ngành GDMN…”.
Song trên thực tế có không ít phụ huynh rất vô lý, chỉ biết đòi hỏi quá nhiều ở ngành giáo dục.
Bà Kim Thanh kể lại, có vị phụ huynh ở Q.12 gọi điện cho bà phản ánh là xếp hàng từ 3 giờ sáng chờ mua hồ sơ xin học cho con, đến khi tới lượt thì nhà trường trả lời là hết hồ sơ. Thế nhưng sự thực thì không có trường công lập nào làm việc lúc 3 giờ sáng. Vị phụ huynh này còn cho rằng: “Tôi là bộ đội, sao con tôi lại không có chỗ học ở trường công lập”.
Một phụ huynh khác cũng gọi điện cho bà Kim Thanh than phiền là tại sao sĩ số trẻ/lớp quá đông, nên hạ xuống còn 30 – 35 trẻ/lớp. “Thật là nực cười vì ông ấy phải nhờ tới thư tay để xin cho con vào học. Chính những người như ông ấy đã góp phần làm cho sĩ số trẻ/lớp trở nên quá tải. Bây giờ ông ấy lại đòi “đuổi” những đứa trẻ đúng tuyến ra ngoài để con mình được học trong lớp đúng chuẩn. Khi tôi nói, bây giờ tôi sẽ cho phụ huynh bắt số, nếu chẳng may con anh bị “đuổi” ra khỏi lớp thì anh nghĩ sao. Lúc đó, ông ta mới ngớ ra…”, bà Kim Thanh bức xúc.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)