Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Căng thẳng vào trường tốp trên

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyển sinh 2011, hầu hết các trường đại học (ĐH) tốp trên đều không tăng chỉ tiêu hoặc tăng không đáng kể. Điểm chuẩn cao, chỉ tiêu đầu vào giới hạn sẽ khiến cuộc đua vào các trường này ngày càng trở nên căng thẳng hơn.

Bạn Nguyễn Ngọc Vân Anh, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, đặt câu hỏi với ban tư vấn.
Tuy Bộ GD-ĐT đã có giới hạn chung là năm 2011 các trường có thể xác định chỉ tiêu tuyển mới tăng 5 – 7% so với năm 2010, nhưng không phải trường ĐH nào cũng tận dụng cơ hội này với lý do để tập trung đầu tư sâu hơn cho việc đảm bảo chất lượng trong điều kiện đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất hiện có. Một số trường giữ nguyên chỉ tiêu ĐH chính quy, tăng chỉ tiêu hệ CĐ.
Những “đại gia” không tăng chỉ tiêu
Ông Nguyễn Văn Nhã – trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – cho biết, năm nay để tập trung cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, dự kiến ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển 5.500 sinh viên ĐH hệ chính quy, không tăng thêm so với năm 2010.
Chỉ tiêu cụ thể của các trường thành viên như sau: Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến tuyển 1.310 sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn dự kiến giữ nguyên chỉ tiêu như năm 2010 là 1.400, Trường ĐH Công nghệ sẽ tuyển 560 sinh viên, Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển 1.200 sinh viên, Trường ĐH Kinh tế tuyển 430 sinh viên, Trường ĐH Giáo dục tuyển 300 sinh viên và Khoa luật sẽ tuyển 300 sinh viên.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng không tăng chỉ tiêu tuyển mới. Năm 2011 sẽ tuyển 4.000 chỉ tiêu, tương đương năm 2010. Ông Nguyễn Quang Dong – trưởng phòng đào tạo – cho biết, số chỉ tiêu này bao gồm cả chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ của các tỉnh. Trường sẽ có điểm trúng tuyển chung vào trường theo từng khối thi (gọi là điểm sàn riêng của trường), sau đó có điểm chuẩn riêng cho một số ngành và nhóm ngành.
Thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng không đủ điểm vào ngành học mình đã đăng ký sẽ được chuyển sang ngành học khác còn chỉ tiêu.
Riêng một số ngành thuộc diện khó tuyển sẽ có điểm xét tuyển riêng, thấp hơn mức điểm sàn chung của trường. Các ngành này bao gồm: kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (50 chỉ tiêu), thống kê kinh tế – xã hội (50 chỉ tiêu), hệ thống thông tin kinh tế (100 chỉ tiêu), luật (100 chỉ tiêu), khoa học máy tính (50 chỉ tiêu).
Cơ hội với “ngoài ngân sách”
Ông Lê Hữu Lập, phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cho biết, sẽ tuyển sinh tương đương năm 2010 với 2.650 chỉ tiêu cho cả hệ ĐH và CĐ. Trong đó, cơ sở đào tạo phía Bắc sẽ tuyển 1.350 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo ĐH, 500 chỉ tiêu cho hệ CĐ.
Tại cơ sở phía Nam, các ngành đào tạo ĐH có 650 chỉ tiêu, các ngành đào tạo CĐ sẽ tuyển 150 chỉ tiêu. Theo ông Lê Hữu Lập, năm 2011 học viện vẫn có hai loại chỉ tiêu gồm: Chỉ tiêu được cấp ngân sách nhà nước và chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Trong tổng chỉ tiêu kể trên, mỗi ngành đào tạo ở cơ sở phía Bắc có 50 chỉ tiêu và cơ sở phía Nam có 30 chỉ tiêu được cấp ngân sách đào tạo. Số chỉ tiêu còn lại được đào tạo theo nhu cầu xã hội với mức học phí theo quy định của học viện.
Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển 3.000 chỉ tiêu hệ ĐH chính quy, bằng năm 2010. Nhưng trường sẽ tuyển 300 chỉ tiêu hệ CĐ, tăng thêm 200 chỉ tiêu so với năm trước. Ngoài ra, nhà trường đã thông báo xét tuyển 300 chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội với mức điểm chuẩn cận kề mức điểm trúng tuyển vào trường.
Ở khu vực phía Nam, chỉ tiêu tuyển mới năm 2011 của ĐHQG TP.HCM chỉ tăng nhẹ ở Trường ĐH Bách khoa (50 chỉ tiêu), ĐH Khoa học tự nhiên (25 chỉ tiêu bậc CĐ), ĐH Kinh tế – luật (110 chỉ tiêu).
Trường ĐH Quốc tế sẽ tuyển sinh ngành mới kỹ thuật xây dựng và tổng chỉ tiêu vào trường cũng chỉ tăng từ chỉ tiêu của ngành mới này.
Theo dự kiến, năm 2011 sẽ có ba trường thành viên của ĐHQG TP.HCM được mở thêm ngành mới. Trong đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn mở thêm ngành ngữ văn Ý. Trường ĐH Kinh tế – luật mở thêm ngành kinh doanh quốc tế và Trường ĐH Quốc tế mở ngành kỹ thuật xây dựng.
Tuy nhiên ngày 18-1, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai – phó ban Đại học và sau Đại học ĐHQG TP.HCM – cho biết, đến thời điểm này mới chỉ có ngành kỹ thuật xây dựng có quyết định cho phép tuyển sinh, các ngành còn lại không kịp tuyển sinh trong năm nay.
Trường ĐH Y dược TP.HCM dự kiến tuyển 1.600 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm trước. TS Lý Văn Xuân – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết, chỉ tiêu tăng không đáng kể nhưng chỉ tiêu từng ngành sẽ có thay đổi so với năm 2010. Bên cạnh đó, vùng tuyển cũng sẽ được mở rộng cả nước thay vì giới hạn từ Đà Nẵng trở vào như những năm trước.
Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ – ĐH lớn nhất vùng ĐBSCL, cho biết, chỉ tiêu dự kiến của trường năm 2011 vẫn giữ nguyên như năm trước, không có ngành mới. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến tăng khoảng 500 chỉ tiêu so với năm trước.
Tuy có một số ngành điểm chuẩn ở mức vừa phải nhưng hầu hết các ngành thuộc những trường tốp trên đều có điểm chuẩn khá cao. Chỉ tiêu không tăng đồng nghĩa với việc cạnh tranh để giành một suất vào ĐH ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, nhiều trường tốp giữa tăng chỉ tiêu, điểm chuẩn vừa phải nên cơ hội vào ĐH sẽ rộng mở hơn với phần lớn thí sinh.
Giữ nguyên chỉ tiêu ĐH, tăng CĐ
Nhiều trường ĐH lớn khác cũng không tăng chỉ tiêu tuyển mới trong kỳ tuyển sinh năm 2011. Trong đó, Trường ĐH Thủy lợi tuyển 2.900 chỉ tiêu ĐH và 300 chỉ tiêu CĐ. Trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1.000 sinh viên. Trường cũng đã thông báo tuyển hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội và theo địa chỉ dự kiến 200 – 300 chỉ tiêu.
Trường ĐH Mỏ – địa chất tuyển mới 3.165 chỉ tiêu ĐH nhưng hệ CĐ dự kiến tăng lên khoảng 10% với gần 500 chỉ tiêu. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 2.500 chỉ tiêu. Học viện Ngân hàng tuyển mới 2.300 chỉ tiêu ĐH và 1.050 chỉ tiêu CĐ. Viện ĐH Mở Hà Nội sẽ tuyển 3.000 chỉ tiêu ĐH chính quy, 600 chỉ tiêu hệ CĐ.

Theo T.Hà – M.Giảng

Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)