Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh báo bọ xít hút máu người

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch bọ xít hiện nay đang hoành hành các địa phương phía Bắc và miền Trung. Ảnh: T.L
BS. Lê Đình Dũng – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết: “Dịch bệnh do bọ xít gây ra từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân TP.HCM cách đây vài năm. Hiện, chưa “tái xuất” tại các tỉnh thành phía Nam nhưng nguy cơ dịch bệnh do loại côn trùng này gây ra đang phát triển với tốc độ nhanh chóng tại các tỉnh phía Bắc và một vài địa phương khác ở miền Trung”.
Nỗi sợ từ bọ xít hút máu
Cách đây nửa tháng, bà Nguyễn Thị Kim Long, ngụ tại đường Hồ Bá Phấn, Q.9, TP.HCM tranh thủ dịp hè ra thăm gia đình người con trai làm việc ở Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Khi phát hiện trên người đứa cháu nội 5 tuổi có những vết mẩn đỏ, bà Long nghe hàng xóm cho biết đó là vết cắn của loại bọ xít nhỏ giống như loài gián hôi. Vài ngày sau, chính bà cũng trở thành nạn nhân của loại côn trùng nguy hiểm này. Bà Long cho biết, khi đứa con trai dọn vệ sinh bên hông nhà mới phát hiện ra ổ bọ xít trong đống gỗ mục.
Tại TP.Huế, một số gia đình cũng phát hiện ra loài bọ xít hút máu bay vào nhà và không ít người đã trở thành “miếng mồi ngon” của loài côn trùng nguy hiểm này. Anh Nguyễn Văn Quế, nhà ở đường Trần Phú cho biết, loài bọ xít này chỉ nhỏ bằng ngón tay út, màu xám tro, trên lưng có vạch đỏ. Ngoài 6 chân, bọ xít còn có vòi hút cong và nhọn giống như vòi hút máu của loài muỗi hoặc ong. Theo anh Quế, bọ xít thường làm ổ trong và ngoài nhà ở, có khi thấy chúng bò dưới giường, trong tủ, vào ban đêm mới bò ra ngoài kiếm ăn.
Đúng như ý kiến của BS. Dũng, dịch bọ xít hiện nay hoành hành chủ yếu các địa phương phía Bắc và miền Trung. Đây cũng là đánh giá của Phòng Côn trùng học thực nghiệm thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật trước tình hình bọ xít hút máu người đã xuất hiện ở hầu hết các quận huyện trong TP.Hà Nội cũng như các tỉnh thành lân cận.
Gãi vết cắn dễ bị nhiễm trùng
Chính sự phát tán ngày càng rộng của dịch bọ xít và thời gian càng lâu hơn mà số lượng người bị đốt cũng tăng nhanh. Có một điều rất lạ là vào mùa hè của các năm trước, bọ xít chỉ bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 6 nhưng trong năm nay, diễn biến phức tạp hơn vì cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã có dịch bọ xít hút máu người. Trước tình hình đó, tại Việt Nam lần đầu tiên đã diễn ra hội thảo quốc tế Thực trạng và vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam từ ngày 18 đến 21-6. Trong hội thảo này các chuyên gia đã khẳng định bọ xít hút máu có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có cả Việt Nam, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Loài côn trùng này là thủ phạm gây ra bệnh ký sinh trùng tại châu Mỹ Latinh mà một trong các loài đó là Triatoma rubrofasciata đang phát tán tại nhiều khu vực trên thế giới bằng các phương tiện giao thông qua lại giữa các nước.
BS. Dũng khuyên: “Khi bị bọ xít cắn chúng ta không nên gãi nhiều vì càng gãi càng bị viêm nhiễm và có nguy cơ lở loét do bị nhiễm trùng. Cũng không nên quá lo sợ, hoang mang. Môi trường sinh sản của bọ xít thường ở những nơi ẩm thấp, còn những vùng nắng nóng nhiều như ở các tỉnh phía Nam thì dịch bọ xít hút máu ít khi bùng phát mạnh như các tỉnh Bắc bộ”. Theo BS. Dũng, tốt nhất là rửa vết thương bằng xà phòng để tránh nhiễm trùng do vết cắn của bọ xít. Nếu vết cắn gây ngứa và khó chịu thì có thể dùng vòi nước tắm xịt mạnh lên chỗ bị cắn sẽ mất dần cảm giác ngứa và không gây bội nhiễm. Khi có triệu chứng lạ thì nên đến những cơ sở y tế gần nhà để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để phòng ngừa dịch, chúng ta nên giữ môi trường sạch sẽ, vệ sinh nhà cửa giường tủ thường xuyên, không nên chất gỗ, củi lâu ngày gần nhà vì đây là môi trường thuận lợi nhất cho bọ xít phát triển.
Hương Thủy
TP.HCM không được chủ quan
“Ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, tuy chưa có dịch bùng phát nhưng không được chủ quan, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vệ sinh dịch tễ – BS. Dũng khuyến cáo.
Box: BS. Ngô Đức Nhân (Trung tâm Y tế dự phòng Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Vết đốt của bọ xít nhỏ thường có màu đỏ, sau vài tiếng đồng hồ mới gây ngứa cho người nên rất khó phát hiện. Vết thương kéo dài có khi cả một tuần làm cho con người ngứa liên tục và rất khó chịu”.  
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)