Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh báo chì xâm nhiễm trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Chì được liệt kê là một trong những kim loại nặng đặc biệt nguy hại, đáng nói là không chỉ có trong môi trường ô nhiễm mà còn có cả trong đồ chơi trẻ em.

Phụ huynh nên chọn mua đồ chơi của các nhà sản xuất có uy tín để hạn chế chì xâm nhiễm cơ thể trẻ em

Mơ hồ về kim loại chì độc hại

ThS. Nguyễn Văn Tuân (Viện Hóa chất miền Nam) cho biết, người bị nhiễm độc chì khó phát hiện ngay, vì thế khi phát hiện thường đã quá muộn. Mức độ xâm nhiễm nguy hại của trẻ em cao hơn người lớn. Ngoài tránh môi trường ô nhiễm, các bậc cha mẹ cần chọn những loại đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra chứng nhận an toàn để hạn chế trẻ tiếp xúc trực tiếp với chì.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Bình Tây, nơi cung cấp sỉ và lẻ đồ chơi trẻ em lớn nhất TP.HCM thì không dễ tìm một sản phẩm mà trên đó có thông tin đánh giá về mức độ an toàn của chì, trừ một số sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín. Hỏi về loại đồ chơi có đầy đủ các thông tin liên quan trên bao bì, ông Nguyễn Văn Phú, người kinh doanh mặt hàng này trên đường Tháp Mười quả quyết: “Kiếm khắp chợ này cũng không ra”.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ 68/66 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1) chia sẻ, lâu nay chọn mua đồ chơi cho con chỉ quan tâm đến món đồ đó có phù hợp với tuổi, có tính giáo dục như thế nào… chứ không quan tâm đến món đồ có đó nhiễm chì hay không. Cũng như chị Hạnh, không ít người còn mơ hồ về chì – kim loại nặng âm thầm giết chết cơ thể. Một số người lại cho rằng, chỉ có thể nhiễm chì khi người đó sống tại các khu vực có điểm thu mua bình ắc quy hay các khu tập trung nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất… nhưng chính môi trường ô nhiễm khí thải cũng là tác nhân gây nhiễm độc chì.

Ông Tuân cho biết, có người cho rằng đồ chơi gỗ dành cho trẻ em không có chì, điều này rất nguy hiểm. Chì có trong màu sắc sặc sỡ của đồ chơi nhựa, các chất liệu khác như vải ren, thú nhồi bông… và có cả trên đồ chơi gỗ. Mức độ nhiễm cao hay thấp tùy thuộc vào nguồn gốc của loại sơn cũng như liều lượng sử dụng, độ đậm đặc. “Trên thế giới, nhiều sản phẩm đồ chơi được phát hiện có chì ở mức rất thấp nhưng vẫn bị cảnh báo và thu hồi, trong khi đó ở Việt Nam thì bày bán tràn lan và gần như không có một cơ quan nào kiểm tra, đánh giá và xử lý”.

Bác sĩ Lê Vân Anh (Khoa Cấp cứu hồi sức và chống độc, Bệnh viện Triều An) cho biết, khi trẻ em cầm nắm đồ chơi có nhiễm chì nhưng không rửa tay kỹ trước khi ăn thì rất dễ bị xâm nhiễm qua đường ăn uống. Ngoài ra, chì còn có thể xâm nhiễm từ nguồn thực phẩm như rau, củ… Khả năng nhiễm chì ở trẻ cao hơn người lớn bởi nghiên cứu cho thấy khả năng nhiễm chì qua thức ăn của trẻ gấp bốn lần so với người lớn.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, qua các đợt kiểm tra đột xuất tại các điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em, đoàn liên ngành phát hiện nhiều loại đồ chơi không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hầu hết các sản phẩm không có tên nhà nhập khẩu, tem hợp quy hay thông tin tiếng Việt. Sau khi có kết quả kiểm tra mẫu, với các sản phẩm độc hại trôi nổi, chúng tôi tổ chức thu gom và phân hủy. Tuy nhiên hiện nay người kinh doanh thuê kho bãi để lưu trữ hàng, rất khó trong việc kiểm tra và xử lý.

Ngộ độc chì dễ tử vong

Bác sĩ Lê Vân Anh (Khoa Cấp cứu hồi sức và chống độc, Bệnh viện Triều An) cho biết, khi trẻ em cầm nắm đồ chơi có nhiễm chì nhưng không rửa tay kỹ trước khi ăn thì rất dễ bị xâm nhiễm qua đường ăn uống. Ngoài ra, chì còn có thể xâm nhiễm từ nguồn thực phẩm như rau, củ… Khả năng nhiễm chì ở trẻ cao hơn người lớn bởi nghiên cứu cho thấy khả năng nhiễm chì qua thức ăn của trẻ gấp bốn lần so với người lớn.

Ông Tuân thông tin thêm: “Trẻ em sống ở thành thị có nguy cơ nhiễm chì cao hơn trẻ sống ở vùng quê. Người làm ở môi trường nhiễm chì thì con cái cũng có nguy cơ bị nhiễm qua đường thở, quần áo và tiếp xúc trực tiếp. Chì có độc tính cao, ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong, với trẻ em thì tử vong nhanh hơn người lớn.

“Lượng chì xâm nhiễm vào cơ thể sẽ làm hỏng các chức năng của tế bào, đặc biệt là làm suy giảm các chức năng của gan và thận, làm mất máu nghiêm trọng. Phụ huynh lưu ý, trẻ nhiễm chì thường có những biểu hiện có thể phát hiện ngay như: da xanh tái, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, cáu gắt khó tiếp xúc… Để hạn chế nhiễm chì ở trẻ, phụ huynh cần chú ý chọn lựa món đồ chơi có màu sắc kém sặc sỡ. Tốt nhất nên chọn đồ chơi của các nhà sản xuất đồ chơi có uy tín, có thông tin đánh giá của chì trên sản phẩm”, bác sĩ Vân Anh khuyên.

Bài, ảnh: T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)