Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, với mục đích gian lận thi cử.
Công nghệ deepfake, một ứng dụng của AI, có thể giúp thí sinh gian lận trong bài thi tiếng Anh trực tuyến. PEXELS
Hiểm họa deepfake
Phát biểu tại một sự kiện tại TP.London (Anh), nhiều kỹ sư bảo mật cấp cao nhận định dù có đang dẫn đầu trong việc đảm bảo tính toàn vẹn của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, các bên liên quan phải tiếp tục cảnh giác và thảo luận cởi mở về cuộc chiến chống gian lận thi cử.
Theo đó, công nghệ deepfake, nổi tiếng với việc dùng AI để tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhằm mục đích lừa đảo hoặc gây sai lệch thông tin, được cho là có thể hiện hữu trong các bài thi tiếng Anh trực tuyến. Cụ thể, nó sẽ giúp người khác giả làm thí sinh để thi hộ với khuôn mặt, biểu cảm được "đắp nặn" y như thật nên không bị phát hiện trong suốt quá trình làm bài.
Để đối phó với thực trạng này, Duolingo, nền tảng học ngôn ngữ đang sở hữu bài thi tiếng Anh Duolingo (Duolingo English Test-DET), đã bổ nhiệm một kỹ sư trưởng về công nghệ deepfake nhằm chủ động giải quyết các nguy cơ đe dọa tính bảo mật của bài thi.
"Deepfake là cuộc tấn công dựa trên máy học nhưng chúng tôi đang sở hữu công nghệ tương tự, nếu không muốn nói là tốt hơn những đối tượng gian lận thi cử. Ngoài ra, deepfake theo thời gian thực có quá trình thực hiện vô cùng phức tạp và yêu cầu những thiết bị đắt đỏ hơn nhiều so với deepfake một video có sẵn", ông Basim Baig, lãnh đạo bộ phận an ninh mạng của DET, cho hay.
Giao diện thi thử Duolingo English Test có câu hỏi tiếng Việt. CHỤP MÀN HÌNH
Trang The PIE News cũng dẫn lời ông Basim Baig rằng, các đơn vị tổ chức bài thi tiếng Anh trực tuyến đang dùng cả AI và con người để giám sát hoạt động của thí sinh. Điều này giúp đảm bảo độ bảo mật của bài thi, cũng như tăng khả năng nhận biết sự can thiệp từ bên ngoài.
Mặt khác, bà Kimberely Snyder, Giám đốc vận hành cấp cao của Duolingo, nêu một số dấu hiệu để phát hiện thí sinh có đang dùng công nghệ như deepfake để giả mạo hay không. "Một trong số đó là quan sát các tín hiệu hành vi phổ biến và đánh giá điểm khác biệt của chúng trong video, như chuyển động của mắt hay răng", người này nói.
Rủi ro gian lận thi cử
Theo trang The PIE News, các đơn vị tổ chức bài thi tiếng Anh trực tuyến không dùng chung một hệ thống để giám sát và bảo mật. Mặt khác, nhiều công ty chỉ phát triển bài thi trực tuyến để nhanh chóng đối phó với bối cảnh đại dịch, hay để đáp ứng xu hướng học tập và kiểm tra trực tuyến nở rộ.
Trước đó, vào đầu năm nay, một số trường ĐH Anh đã bày tỏ lo ngại khi nhiều sinh viên quốc tế nộp kết quả thi PTE học thuật tại nhà (PTE Academic Online) với số điểm cao, thậm chí đạt mức tối đa. Đáp lại, tập đoàn giáo dục Pearson, đơn vị tổ chức bài thi, hồi tháng 8 phải thu hồi hoặc hủy bỏ kết quả của một số thí sinh vì nghi ngờ gian lận.
Thông báo cấm chứng chỉ PTE Academic Online của ĐH Edinburgh hồi tháng 8.2023. CHỤP MÀN HÌNH
Theo ông Basim Baig, ngành giáo dục đang thu hút ngày càng nhiều vụ gian lận thi cử có tổ chức. Nguyên nhân là vì nếu giúp thí sinh gian lận trong kỳ thi tiếng Anh quốc tế, các đối tượng có thể không vi phạm pháp luật của quốc gia đó mà chỉ vi phạm các điều khoản, dịch vụ của một công ty đa quốc gia cụ thể.
"Trong khi đó, nếu lừa đảo qua mạng internet, điện thoại hay bất kỳ phương tiện điện tử nào, bạn sẽ bị xem là tội phạm quốc tế. Đó là lý do nhiều người mở các dịch vụ gian lận thi cử, bởi họ sẽ kiếm được tiền mà không chịu hậu quả nghiêm trọng", ông Basim Baig đánh giá.
DET được ra mắt vào năm 2016 và kể từ đó đã có sự gia tăng nhanh chóng của nhiều bài thi trực tuyến khác như IELTS (IELTS Online) hay TOEFL iBT (Special Home Edition). Các bài thi này tạo điều kiện cho người học lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nếu trong nước không có trung tâm khảo thí nào, thay vì phải di chuyển sang các quốc gia khác để dự thi như trước.
Bình luận (0)