Dù được quảng cáo là đồ chơi, thế nhưng súng đạn bi được xác định mang tính sát thương cao, nhiều trường hợp gồm trẻ em và người lớn đã phải gặp nạn, nhiều nạn nhân suýt bị mù mắt, thậm chí là tử vong…
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn đang kiểm tra lại mắt phải cho bệnh nhân D.
Suýt mù mắt, tử vong
Ngày 13-11, bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, thông tin, tại bệnh viện vừa tiếp nhận và thực hiện phẫu thuật gắp thành công một viên đạn bi dạng chì nằm trong xoang sàng của một bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân nữ N.T.T.D. (32 tuổi, ngụ huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) nhập viện trong tình trạng mắt phải bị sưng húp, không mở được, thị lực rất yếu. Trước đó, bệnh nhân đã được khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM nhưng không phát hiện ra dị vật. Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT Scan và MRI, kết quả hình ảnh cho thấy trong hốc mắt của bệnh nhân có một dị vật trồi ra như hình viên đạn, kèm theo đó là tình trạng vỡ xương giấy ở hốc mắt phải, xuất huyết ở hậu nhãn. Ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn – Phó khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng chia sẻ: “Chúng tôi tiến hành nội soi mở xoang hàm, xoang sàng và xoang bướm để lấy dị vật đang nằm ở xoang sàng. Dị vật được lấy ra là một viên bi tròn làm bằng chì. Rất may mắn cho bệnh nhân là viên đạn đâm ở mắt nhưng hướng vào hốc sàng, nếu đâm thẳng ra sau sẽ làm đứt dây thần kinh thị. Bên cạnh đó, nếu viên đạn đi sâu thêm vài li nữa sẽ chui vào xoang bướm, gây hủy thần kinh thị, sẽ khiến bệnh nhân bị mù vĩnh viễn, hoặc đụng vào động mạch cảnh trong dẫn đến nguy cơ tử vong.
Được biết, chị D. bất ngờ bị tai nạn đạn “lạc” trúng ngay mắt phải vào khoảng 7 giờ tối khi đang ngồi chơi trong nhà với người thân. Thời điểm bị đạn lạc, chị D. bị choáng váng mặt mày, máu chảy ra ở hốc mắt rồi mờ dần, đau đớn. Theo các bác sĩ, sau khi phẫu thuật lấy dị vật, bệnh nhân D. đã mở mắt phải hoàn toàn, thị lực cải tiến đáng kể. Bệnh nhân cần tiếp tục được theo dõi và đánh giá trong những ngày tới.
Không chỉ chị D., trước đó khoảng tháng 2-2017, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhi Y.K.M.L (3 tuổi, ngụ Đắk Lắk) cũng trong tình trạng tương tự, rách vùng dưới mắt phải do có dị vật cắm vào hốc mắt. Sau khám lâm sàng xác định tình trạng bệnh và kết quả hình ảnh chụp chiếu, bệnh viện đã tiến hành phối hợp nhiều chuyên khoa để phẫu thuật lấy dị vật. Đó là viên đạn bằng thủy tinh, hình tròn, đường kính hơn 15mm, sản phẩm của cây súng bắn bi tự chế. Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trước đó đã tiếp nhận nhiều trường hợp nạn nhân nhập viện do súng bắn bi.
Mua bán tràn lan
Chỉ cần gõ các từ khóa “mua súng đạn bi”, “súng chì”, “súng mô hình”… chỉ trong 0,48 giây Google đã cho ra hơn 10 triệu 400 kết quả tìm kiếm bao gồm cả thông tin, hình ảnh và video quảng cáo về những loại súng mang mác đồ chơi này. Tìm hiểu trên trang online có tên miền hoangquangshop.com được quảng cáo rầm rộ chuyên cung cấp các thiết bị thám tử, thiết bị chống trộm, ghi âm… trong các dòng sản phẩm được rao bán tại đây thì các sản phẩm súng bắn đạn bi sắt là nhiều lượt truy cập nhất, giá cả được rao bán dao động từ vài trăm đến dưới 10 triệu đồng. Cụ thể, loại súng bắn đoạn bi sắt Airsoft M84 (loại súng có tính sát thương rất cao với tầm bắn xa 15 đến 30m) được đánh dấu còn hàng với giá 8 triệu 7 trăm nghìn đồng, loại sản phẩm này đã thu hút gần 40 nghìn lượt xem. Chủ shop này cho biết sẵn sàng giao hàng trên cả nước.
Tương tự như shop online trên, hầu hết các website kinh doanh nổi tiếng tại Việt Nam từ Lazada, Shopee đến Sen đỏ… cũng ngập tràn súng. Trên website của Lazada có 1.403 sản phẩm được tìm thấy trong đồ chơi bắn súng. Dù được dán mác đồ chơi trẻ em tuy nhiên, nhiều sản phẩm là bi sắt được xác định mang tính sát thương.
Quyết định số 464/BNV được Bộ Nội vụ ban hành năm 1993 đã công bố danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Theo đó, các khoản a, b, c quy định: Cấm các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn gồm súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại, súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ; các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn; các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ… Ngoài ra, năm 2013 đã ban hành Nghị định số 167, trong đó quy định phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, và vận chuyển trái phép các loại pháo, thuốc pháo đồ chơi nguy hiểm.
Bài, ảnh: Hồng Cầm
Bình luận (0)