Các chuyên gia, bác sĩ, nhà giáo chia sẻ những thông tin đáng lo ngại về hiểm họa của thuốc lá điện tử tới sức khỏe, lối sống của thế hệ trẻ, đồng thời thống nhất cần cấm mua bán, sử dụng mặt hàng này.
Cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử diễn ra hàng ngày
Chiều 19.12, Báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm “Thuốc lá điện tử trong trường học: nhận diện và phòng chống”. Tại đây, TS – BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin: hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu hoặc đến khám, điều trị do các chất ma túy, chất độc có trong thuốc lá thế hệ mới. Bệnh nhân chủ yếu ở lứa tuổi 20.
TS – BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. TP
Ông Nguyên cũng dẫn các nghiên cứu trên thế giới và trong nước để cảnh báo, trong thuốc lá điện tử có hơn 60 hóa chất khác nhau, riêng khói bốc lên có khoảng 40 hóa chất độc hại.
Theo các chuyên gia, có hàng nghìn chất hóa học khác nhau tạo nên thuốc lá điện tử, sau khi đốt cháy tạo nên nhiều loại hóa chất khác nhau, gây nên một loạt các bệnh mới với người sử dụng lâu dài.
Mới đây, ở Mỹ phát hiện gần 3.000 người trẻ bị tổn thương phổi nặng do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có khoảng 60 người tử vong. Có người cho cả vitamin E vào thuốc lá điện tử, khi đốt cháy sẽ biến thành chất độc gây tổn thương phổi. Càng ngày càng nhiều bệnh mới do sử dụng thuốc lá điện tử.
Có rất nhiều nghiên cứu trên động vật và trên người đã khẳng định thuốc lá điện tử có thể gây tác động lên tất cả các bộ phận cơ thể như: viêm phế quản, ung thư, giảm khả năng miễn dịch,… nhiều hơn rất nhiều bệnh do thuốc lá thông thường gây ra.
Đặc biệt, theo BS Nguyên, thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong lăn ra bất tỉnh, người sống thì ngơ ngác. Có người đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não… "Theo xác minh, chúng tôi đã phát hiện nhiều loại ma túy mới, chất gây nghiện, ma túy tổng hợp mới xuất hiện trong thuốc lá điện tử", BS Nguyên nói.
Ông Nguyên khuyến cáo người dân và các bậc phụ huynh phải chủ động để ý để phát hiện con em mình có đang sử dụng thuốc lá điện tử hay không. Chúng ta không nên đợi triệu chứng bởi khi đã xuất hiện triệu chứng là đã sử dụng quá nhiều, cơ thể, nội tạng đã bị tổn thương sâu. Hiện có rất nhiều bệnh nhân đến viện đã xét nghiệm có ma túy trong người do sử dụng thuốc lá điện tử.
Học sinh cũng được chi hoa hồng để bán thuốc lá điện tử cho bạn bè
Ông Nguyễn Quốc Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Q.Ba Đình, Hà Nội), nêu thực tế thuốc lá điện tử hiện là nỗi bất an cho mỗi gia đình, cho nhà trường, xã hội nói chung. Không ít học sinh sử dụng với lý do giải tỏa căng thẳng, strees, thậm chí lý do bất mãn với bố mẹ, thầy cô.
Đặc biệt, ở lứa tuổi cấp THCS, nhiều em sử dụng vì muốn thể hiện bản thân, thể hiện cái tôi qua đó chống đối nội quy của nhà trường, để chứng minh mình là người lớn, “ngầu” hơn so với bạn bè cùng trang lứa. "Điều chúng tôi lo lắng nhất là các em dùng thuốc lá điện tử vì a dua theo nhóm cùng chơi", ông Dương nói.
Ông Nguyễn Quốc Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ. TP
Ông Dương cũng cho biết, dù nhà trường tìm mọi cách, từ tuyên truyền, nhắc nhở nhưng do những biến tướng của thuốc lá điện tử nên để phát hiện các em sử dụng thuốc lá điện tử không đơn giản vì hình dạng giống như thỏi son, cây bút lại không có mùi, có khói… Học sinh lợi dụng giờ giải lao, nhà vệ sinh, góc khuất trong trường học để hút thuốc.
“Nhiều khi phải bố trí giám thị, bảo vệ nấp trong nhà vệ sinh hoặc tiến hành kiểm tra hành chính đột xuất để bắt được qủa tang vì chỉ như thế các em mới thừa nhận và có biện pháp giáo dục, răn đe được”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng khẳng định việc tuyên truyền một chiều về tác hại của thuốc lá thế hệ mới này rất ít tác dụng nhưng nếu tận dụng các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, các buổi trải nghiệm để học sinh tự tìm hiểu và trở thành người tuyên truyền cho các bạn về tác hại của thuốc lá điện tử thì các em sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn.
Chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh, Dự án Phòng chống nguy cơ tự tử trong thanh thiếu niên (trực thuộc Hội Tâm lý Hoàng gia Anh), cho rằng ngay từ tên gọi đến hình thức của thuốc lá điện tử đã trở nên tinh vi hơn, thậm chí là liên tục được tìm cách để hợp thức hóa bằng các quảng cáo chuyên nghiệp nhằm phổ cập thông tin kiến thức sai lệch, thiếu căn cứ như: không gây mùi hôi như thuốc lá truyền thống, ít nạp nicotine vào cơ thể hơn so với thuốc lá thông thường, thậm chí còn có thể hỗ trợ cai thuốc lá truyền thống…
Rõ ràng, việc này không những kích thích sự tò mò của học sinh, sinh viên mà còn khiến các bạn ấy không những không biết về tác hại của nó mà còn lầm tưởng về những lợi ích mà nó có thể mang lại.
Ngoài ra, bà Phương Anh còn nêu thực tế những người buôn bán thuốc lá điện tử còn lợi dụng chính học sinh, sinh viên làm “kênh” bán hàng cho bạn bè với mức lợi nhuận, chiết khấu cao. Vừa sử dụng lại vừa có lợi nhuận về vật chất khiến cho chất cấm, chất gây nghiện vẫn có thể len lỏi vào trong môi trường học đường.
Thống nhất cao đề xuất cấm thuốc lá điện tử
Các chuyên gia tại buổi tọa đàm đều bày tỏ thống nhất cao về việc cần cấm tuyệt đối việc mua bán và sử dụng thuốc lá thế hệ mới, dù dưới bất cứ tên gọi nào, hình thức nào.
Là người trực tiếp chứng kiến, điều trị cho những người bị ngộ độc, bệnh tật vì thuốc lá điện tử, BS Nguyễn Trung Nguyên đề nghị cần phải khẩn cấp có lệnh cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Phải làm ngay vì bây giờ không còn đủ sớm nữa rồi nhưng đừng để quá muộn bởi nếu không đến một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chứng kiến một loạt các loại bệnh thế hệ mới, các loại ngộ độc mới mà nghiên cứu về y học không theo kịp.
“Không có cách nào khác, chỉ có thể có một cách là cấm khẩn cấp với thuốc lá điện tử”, BS Trung Nguyên khẩn thiết đề nghị.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội), nguyên Phó thường trực Ban Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại 127 TP.Hà Nội, cho rằng: "Là bậc làm cha, làm ông, tôi thấy rất đau lòng trước vấn nạn thuốc lá điện tử. Trước đây, cứ nói là chống nhưng nay với thuốc lá thế hệ mới cần phải có quan điểm dứt khoát là cấm. Còn nếu chỉ hạn chế hay không thuốc lá nơi công cộng không giải quyết được vấn đề".
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Thương mại (nay là sở Công thương) Hà Nội. TP
Theo ông Phú, cấm thuốc lá điện tử phải làm triệt để. Từ sản xuất, vận chuyển, buôn bán, giao dịch, tàng trữ… hàng loạt các mệnh đề đi theo. “Có cầu sẽ có cung và ngược lại nên phải chặn cả cung và chặn cả cầu”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, nếu cứ quy định là “phòng chống tác hại của thuốc lá” thì sẽ xảy ra tình trạng “lơ lửng” và sức khỏe, giống nòi của cả một thế hệ phải chịu hậu quả trong thời gian tới. Khi có văn bản cấm phải chuẩn bị cho vấn đề này thế nào từ quản lý thị trường, hải quan, y tế, khoa học công nghệ… các ngành đều phải vào cuộc. Những người làm vấn đề này phải trong sạch.
Từ góc độ nhà trường, ông Nguyễn Quốc Dương cũng cho rằng dù nhà trường đã có quy định cấm và tuyên truyền, giáo dục nhưng rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đưa thuốc lá điện tử vào danh mục cấm để xử lý tận gốc.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)