Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ khu công nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Khu công nghiệp là nơi tập trung số lượng lớn người lao động nên nếu không có sự phối hợp quản lý tốt giữa các bên liên quan, nơi đây rất dễ trở thành nơi bùng phát, phân tán dịch bệnh quy mô lớn.

Từ nửa cuối tháng Sáu đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, liên tục tiếp nhận các ca mắc bệnh sởi. Bệnh nhân là công nhân đang làm việc trong Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, trong đó hầu hết là công nhân làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam.

Công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam. (Ảnh minh họa: Trần Tuấn/TTXVN)

Bác sỹ Trần Thị Oanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Duy Tiên cho biết tính đến ngày 30/7, khoa đã tiếp nhận khoảng 50 trường hợp mắc dịch sởi, trong đó đã điều trị khỏi và cho ra viện 40 người.

Các bệnh nhân không chỉ là công nhân của Công ty Sumi mà còn của một số công ty khác như Norfolk Hatexco (cùng ở Khu công nghiệp Đồng Văn), Finetek Vietnam (Khu công nghiệp Hòa Mạc, huyện Duy Tiên)… Ngoài ra, khoa cũng ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân là chồng và con của công nhân ở Công ty Sumi.

Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã làm việc với Công ty Sumi. Tuy nhiên, viện một số lý do như không có lịch tiếp, lý do an toàn cho sản xuất…, các nhân viên công ty đã không cho phép đoàn công tác của Sở Y tế vào công ty. Chỉ đến khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cử cán bộ xuống tận nơi, đoàn công tác mới được phép vào để tiến hành vệ sinh dịch tễ, dập mầm dịch.

Khu công nghiệp Đồng Văn là nơi tập trung khoảng 20.000 lao động làm việc tại các công ty. Phần lớn lao động là người dân sống tại các địa phương xung quanh, tại các xã thuộc huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng và thành phố Phủ Lý. Riêng công ty Sumi có số công nhân lên đến khoảng 7.000 người.

Trao đổi với phóng viên, một số công nhân công ty Sumi, trong đó có người đang mang thai, cho biết họ muốn xin nghỉ một thời gian để phòng bệnh, song không dám vì sợ bị cho thôi việc, chỉ những người có giấy xác nhận của bệnh viện mới được phép nghỉ. Các công nhân khác vẫn phải đi làm để “giữ chỗ.”

Do tập trung đông lao động và số lao động này sau giờ làm việc lại sinh sống trên địa bàn rộng, ở hầu khắp các thôn xóm nên khu công nghiệp là nơi rất dễ bùng phát, lây lan và phát tán dịch bệnh.

Theo Sở Y tế tỉnh Hà Nam, đối với bệnh sởi, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 331 trường hợp mắc bệnh, nằm rải rác ở nhiều xã, phường và thị trấn trong tỉnh. Đây là mức cao nhất tính từ năm 1997 đến nay. Chắc chắn, trên thực tế, số lượng người mắc còn cao hơn nữa, do nhiều trường hợp tự chữa ở nhà, có nhiều trường hợp được chuyển thẳng lên các bệnh viện trung ương.

Ông Đặng Đình Thoảng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã làm việc với các sở, ngành liên quan, bàn biện pháp đối phó. Trước mắt, theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, ngành y tế và công ty Sumi đã phối hợp tiến hành tiêm phòng cho các công nhân có yêu cầu và phun thuốc vệ sinh trong công ty. Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nam cũng nêu những biện pháp giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người lao động tại các khu công nghiệp./.

Hoàng Nhương

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)