Một ca cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện 175
|
Đột quỵ não là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi nhưng thời gian gần đây đang được trẻ hóa ở cả những người trung niên. Nếu biết tầm soát chúng ta có thể ngăn chặn được kịp thời những cái chết bất ngờ…
Nhiều người vẫn quan niệm những người trẻ tuổi bên ngoài nhìn khỏe mạnh không có dấu hiệu bệnh tật rất khó bị đột quỵ. Thế nhưng, thực tế thì không hoàn toàn như vậy.
Những cái chết không được báo trước
Ngày 5-3 vừa qua, người tham gia giao thông ngay giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hàm Nghi (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) thật sự hoảng hốt khi chứng kiến một tài xế lái chiếc xe Mercedes 4 chỗ bỗng nhiên ngất xỉu, sùi bọt mép sau khi gây tai nạn nghiêm trọng. Do bất tỉnh nên người đàn ông 56 tuổi này được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện nhưng đã tử vong. Theo kết quả khám nghiệm, người tài xế bị đột tử khi đang lái xe trên đường.
Thực tế đã cho thấy, có nhiều người đã bị đột tử ngay trong cuộc họp hay cả khi đang chơi thể thao mà không hề biết trước. Điều đó cho thấy đột quỵ xảy ra bất ngờ và đột ngột vì trước đó vẫn thấy khỏe mạnh bình thường không hề có chuyện gì xảy ra cả. Theo GS.TS Châu Ngọc Hoa – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, tai biến mạch máu não là một bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên bộ phận não bị ngưng trệ. Các triệu chứng thần kinh trung ương khu trú biểu hiện nhanh, ngay tức thì khi tổn thương mạch máu não xảy ra nên tai biến mạch máu não còn được gọi là đột quỵ. Đột quỵ là căn bệnh của hệ thần kinh rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong, nếu qua khỏi thì cũng để lại những di chứng hết sức nặng nề. Cũng có thể coi đột quỵ là một “sát thủ âm thầm” vì bên ngoài con người vẫn hoạt động bình thường được coi đang còn khỏe mạnh rồi “chết lãng nhách”.
TS. Châu Ngọc Hoa phân tích, khó có thể phát hiện triệu chứng lâm sàng của đột quỵ nên muốn chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào yếu tố tiền căn và xét nghiệm cận lâm sàng. Đột quỵ nhẹ thì đột ngột tê cứng chân tay hay nửa người (bán thân bất toại) thị lực bất ngờ giảm sút, tự nhiên thấy đau đầu nói không được (cấm khẩu). Khi thấy có triệu chứng bất thường thì phải gọi cấp cứu vì thời gian lúc này quyết định tính mạng của người bệnh.
Cách chặn đứng tử thần
PGS.TS Vũ Anh Nhị – Chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM căn dặn, trong lúc chờ xe cấp cứu phải xem thử bệnh nhân mê – tỉnh ở mức độ nào, nếu được thì kiểm tra nhịp tim và huyết áp. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo (ý thức bình thường) thì nới lỏng quần áo và để nằm yên tĩnh một chỗ. Nếu rối loạn ý thức (hôn mê) thì cần cấp cứu hô hấp để bù ôxy cho não và tim đang thiếu. Không nên di chuyển nhiều và cho ăn uống vì dễ gây nghẹn thức ăn. Tai biến mạch máu não có 2 loại, nhồi máu não và chảy máu não vì thế khi người nhà bị đột quỵ không nên tự ý cạo gió, châm cứu, bấm huyệt như thói quen hay uống thuốc uống nước giải khát khi chưa có hưỡng dẫn của BS. Những tác động đó có thể làm cho tình trạng của bệnh có thể nặng thêm mà vô tình không biết. TS. Nhị cho biết, với các biện pháp can thiệp kịp thời tai biến mạch máu não có thể dự báo trước sẽ chủ động ngăn chặn được đột quỵ. Không chỉ những người trên 60 mà ngay những người U60 nếu có yếu tố nguy cơ đột quỵ thì cần phải khám sức khỏe tổng hợp chuyên khoa định kỳ vì sẽ giảm được 70 đến 80% nguy cơ đột tử. Đối với tim thì siêu âm và đo điện tim để kiểm tra nhịp tim và những bất thường khác. Siêu âm động mạch chủ, động mạch cảnh và sọ não để tìm mảng xơ vữa động mạch, phình hay hẹp động mạch. Điều trị huyết áp, kiểm soát đường huyết phối hợp là cách phòng ngừa cấp 1 cho đột quỵ. Còn phòng ngừa cấp 2 là uống một số loại thuốc để tiếp tục kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Hạn chế béo phì bằng cách giảm cân vì mạch máu hay bị nghẽn bất ngờ dẫn đến đột tử. Không nên chủ quan với sức khỏe bên ngoài của mình nhất là những người trẻ tuổi có nguy cơ tai biến mạch máu não do ăn uống không khoa học và thiếu điều độ. TS. Ngọc Hoa khuyên, cách phòng ngừa chủ động và tốt nhất là bỏ các thói quen dùng chất kích thích như hút thuốc lào thuốc lá, lạm dụng chất có cồn gây nghiện. Tăng cường rau củ quả, bớt các loại thực phẩm có nhiều mỡ động vật, ăn uống tập thể dục điều độ. Cần tạo cho mình một cuộc sống tinh thần thoải mái vui vẻ, không bị áp lực căng thẳng. Có như vậy mới chặn đứng được lưỡi hái không hẹn trước của tử thần.
Bài, ảnh: Quang Phan
Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ, mà trong đó phải kể đến các “sát thủ” như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, một số bệnh về tim và lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá… mà trong đó đứng đầu là tăng huyết áp (nguy cơ 4-6 lần). Một phát hiện mới cũng cần lưu ý là những người nhiều lo âu, căng thẳng, stress cũng dễ bị đột quỵ. |
Bình luận (0)