Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc rượu ngày Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Năm 2012, tình hình ngộ độc thực phẩm, cụ thể là ngộ độc rượu do sử dụng rượu tự nấu, pha chế, ngâm, ủ có lượng cồn quá ngưỡng cho phép diễn biến rất phức tạp. So với năm 2011, số người mắc và số tử vong năm 2012 tăng 15 vụ (chiếm 18,8%), số mắc tăng 643 người, số đi viện tăng 308 người và số tử vong tăng 3 trường hợp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2012, các cơ quan chức năng đã lấy 223.815 mẫu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu lý, hóa. Kết quả cho thấy có 39.098 mẫu không đạt yêu cầu; đặc biệt, có 68% mẫu rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm…

Theo đó, các loại rượu không được công bố chất lượng, nhất là những loại thường được gọi là rượu quê, rượu dân tộc, rượu gạo có hàm lượng độc tố như aldehyde, methanol và các chất độc hại khác rất cao. Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, các mặt hàng trên thị trường, nhất là rượu bia bắt đầu vào thời điểm “nóng” với sức tiêu thụ cao. Việc sử dụng rượu tự nấu, tự pha tồn tại đã nhiều năm, tạo thành thói quen không tốt cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Theo các chuyên gia, rượu giả thường được làm bằng các loại cồn công nghiệp không rõ nguồn gốc hoặc có pha phẩm màu công nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc do rượu pha methanol xuất hiện nhiều. Đáng lo ngại, ngộ độc methanol là một dạng ngộ độc rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Rượu là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, lễ Tết. Ðặc biệt trong những ngày Tết, lượng rượu bia được tiêu thụ nhiều hơn dẫn đến số người nhập viện do ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn so với bình thường. Có không ít trường hợp bị ngộ độc rượu không được xử trí kịp thời đã dẫn đến những biến chứng hôn mê sâu, thậm chí tử vong…

Trong rượu bình thường hay còn gọi là rượu bia thực phẩm là rượu bia có chứa ethanol. Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người. Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.

Theo đó, ngộ độc cấp tính có những biểu hiện như: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng. Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong. Ngộ độc mạn tính là do uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất, để hạ giá thành đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ mua phải rượu có lẫn tạp chất là methanol, uống nhiều có thể gây chết người. Được biết, methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hoá thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, thận gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Triệu chứng đầu tiên có thể bao gồm: chán nản, lú lẫn, ngủ li bì. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18 – 24 giờ, bao gồm đau đầu, các triệu chứng về thị lực (nhìn mờ, nhìn có màu trắng), buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc methanol nặng gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.

Khi bị ngộ độc ethanol và methanol, từ 12 – 24 giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Tuy nhiên, nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong nhanh chóng. Vì vậy tuyệt đối không uống rượu khi đói. Khi say rượu, tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Cho nạn nhân uống một cốc sữa nóng, trà đặc. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Các bác sỹ khuyến cáo: Để phòng ngộ độc rượu, khi uống thì nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống ít (khoảng 30ml). Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét. Quan niệm uống rượu cho ấm người chỉ đúng khi người uống uống một lượng rượu vừa đủ cho nhu cầu và đang ở nơi ấm, kín gió và mặc đủ ấm. Vì thân nhiệt tăng do rượu nhanh nhưng rất chóng tàn. Do vậy, nếu không ăn uống đầy đủ, người uống rượu sẽ cạn năng lượng, bị đói rét, dễ bị cảm lạnh và nguy hiểm đến tính mạng.

Thu Phương

Theo báo Tin Tức

Bình luận (0)