Hơn 46% bệnh viện tại VN không có hệ thống xử lý nước thải y tế là con số được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo Bảo vệ môi trường và sức khỏe, diễn ra hôm 19.4.
Theo Cục Quản lý môi trường, nước ta hiện có hơn 13.640 cơ sở y tế, khám chữa bệnh. Mỗi ngày, các đơn vị này thải ra hơn 42 tấn rác và 120.000m3 nước thải y tế.
Nhà xử lý chất thải y tế thô sơ và gây ô nhiễm của một đơn vị y tế tuyến quận, huyện – Ảnh do Cục Quản lý môi trường cung cấp |
Trong khi đó, chỉ mới có 53,4% trong tổng số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế và 95% các đơn vị khám chữa bệnh có xử lý, phân loại chất thải rắn y tế, còn lại hơn 46% bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải y tế.
Các bệnh viện đang thải ra môi trường một lượng lớn các tác nhân hóa học và vi sinh qua nước thải như chất kháng sinh, tác nhân bị nhiễm tia X, phóng xạ, chất tẩy uế, dược phẩm…
Trong đó, một số lượng lớn các hợp chất này hiện nay không thể xử lý được bằng phương pháp xử lý nước thải thông thường, nhiều dạng chất lỏng có nguy cơ lây nhiễm, truyền bệnh cao.
Vì vậy, theo các chuyên gia, nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh viện, các đơn vị khám chữa bệnh cần quan tâm đến tầm quan trọng của công nghệ vi sinh trong các quy trình xử lý nước thải, đảm bảo an toàn cho việc đổ nước thải vào ao hồ, sông suối hoặc vào môi trường thiên nhiên, xử lý tất cả các loại rác thải bệnh viện dù đó là chất thải rắn hay nước thải, có ô nhiễm hay không ô nhiễm.
Nguyên Mi (TNO)
Bình luận (0)