Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Mai Mỹ Hạnh – Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, tỷ lệ học sinh trung học có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân hiện là 6,1%. Đáng chú ý, nguyên nhân của hành vi này có thể đến từ việc học theo người khác, từ mạng xã hội, internet.
Nhà trường, gia đình cần nhận biết rõ mối nguy cơ để nâng đỡ tinh thần học sinh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T
Trẻ hóa trầm cảm từ áp lực gia đình, điểm số
Thực hiện nghiên cứu về hành vi tự hủy hoại bản thân của vị thành niên ở 3.480 học sinh THCS, THPT tại 8 đô thị phía Nam, bao gồm TP.HCM, ThS. Mai Mỹ Hạnh thông tin kết quả đã sàng lọc ra 213 học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân, chiếm tỷ lệ 6,1%.
Trong đó, 96,3% em tự hủy hoại bằng các hành vi cắt hoặc khắc trên cổ tay, hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; 83% học sinh cắn, cào, ngắt, nhéo cơ thể mình; 84% học sinh tự đánh hoặc đập vào mình, đầu hoặc các bộ phận khác; 85,5% học sinh tự kéo tóc, bức tóc và nhổ tóc.
Nghiên cứu cũng cho thấy, có tới 46,5% học sinh im lặng, che giấu, không cho ai biết sau hành vi tự hủy hoại bản thân; 7% các em mong muốn tiếp tục thực hiện thêm nhiều lần để làm đau cơ thể hơn nữa; 10,3% học sinh không muốn ai giúp đỡ mình…
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu nêu rõ, 40,4% học sinh tự đánh giá hành vi tự hủy hoại bản thân là không nghiêm trọng (không để lại tổn thương, dấu vết trên cơ thể); 29,6% cho rằng ít nghiêm trọng (tổn thương mất đi sau vài ngày, không để lại tổn hại trên cơ thể); 16,9% cho rằng nghiêm trọng (để lại vết thương nhưng cá nhân tự chăm sóc vết thương và bản thân được, để lại sẹo), 6,6% rất nghiêm trọng (nhập viện cấp cứu, để lại hậu quả lâu dài về mặt tâm lý và tinh thần), 1,4% khá nghiêm trọng (cần sự trợ giúp y tế)…
Theo ThS. Mai Hỹ Hạnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hành vi tự hủy hoại bản thân ở vị thành niên. Hành vi này có thể đến từ việc chịu ảnh hưởng bởi người khác như mạng xã hội, internet; Đây cũng có thể là cách thức để các em giảm nỗi đau tinh thần, quên đi một điều gì đó; Đặc biệt, nhiều em khác lại sử dụng hành vi tự hủy hoại bản thân để thể hiện mong muốn gây ảnh hưởng đến người khác, tìm kiếm sự giúp đỡ, muốn được chú ý, được quan tâm hoặc muốn lấy lại cảm giác làm chủ…
Nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ khi thực hiện đề tài nghiên cứu về sức khỏe tâm thần học sinh, khảo sát với 400 học sinh THPT và 709 học sinh THCS cũng đưa ra kết quả: 68,12% học sinh có biểu hiện trầm cảm, 50,63% học sinh có biểu hiện lo âu; 55% học sinh THPT luôn cảm thấy cô đơn, bối rối, căng thẳng, cố ý gây thương tích cho bản thân; 69% luôn cảm thấy thất vọng, buồn rầu, trầm cảm; 72% có ý nghĩ tiêu cực…
“Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của gia đình, cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở học sinh hiện nay” – nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ nhấn mạnh.
Phụ huynh chưa nhận thức được mối nguy cơ từ hành vi tự hủy hoại ở học sinh
Trong quá trình tiếp xúc với học sinh, cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) thừa nhận, hành vi tự hủy hoại bản thân ở học sinh THCS đang ngày càng xuất hiện nhiều. Nhiều em luôn tự làm đau bản thân khi có mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè hoặc là điểm số không như mong muốn. Bằng nhiều cách thức khác nhau, các em thể hiện hành vi này như là cách để giải tỏa áp lực bản thân, phát cảnh báo đến phụ huynh, giáo viên rằng các em đang cần được trợ giúp.
Tuy nhiên, cô Trang chia sẻ, điều nguy hiểm là không nhiều phụ huynh nhận thức được mối nguy cơ từ hành vi tự hủy hoại bản thân ở học sinh. Thậm chí, có phụ huynh còn cho rằng đây là hành vi “ăn vạ”, “làm nũng” của trẻ để đòi hỏi, yêu cầu phụ huynh phải “xuống nước”. Cá biệt, có phụ huynh còn cảm thấy “xấu hổ” khi con có hành vi này, không thừa nhận với giáo viên song lại lén lút đưa con đi bệnh viện…
Các chuyên gia cảnh báo về tình trạng học sinh trầm cảm, tự hủy hoại bản thân (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T
Bên cạnh đó, cũng không ít giáo viên chưa nhận thức đúng đắn hành vi này ở học sinh, còn xem nhẹ mức độ nguy hiểm của hành vi để phát đi cảnh báo với gia đình, nhà trường cùng hỗ trợ học sinh.
“Như vậy, để nâng đỡ tinh thần, giúp các em tránh xa các hành vi tiêu cực, phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân của các em thì cả gia đình, nhà trường cùng phải nhận thức đúng đắn về hành vi này để có ứng xử phù hợp…” – cô Trang nhấn mạnh.
Để phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân ở vị thành niên, ThS. Mai Mỹ Hạnh cho hay cần đề cao vai trò phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội cùng gieo vào học sinh những suy nghĩ tích cực.
Chuyên gia này phân tích, lứa tuổi vị thành niên còn được gọi là gen Z là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên với internet và điện thoại thông minh, có trải nghiệm rất khác về thế giới so với thế giới trước. Đây cũng là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với nội dung độc được gây ra bởi các phương tiện truyền thông và công nghệ như quấy rối, bắt nạt trên mạng. Do vậy, thế hệ Z còn được gọi là thế hệ lo âu, trở thành đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Ngày càng trở nên đơn độc khi gánh nỗi lo không sánh bằng bạn bè đồng trang lứa…
“Khi thấy con buồn, con có các biểu hiện về sức khỏe tinh thần, cha mẹ, thầy cô nên nâng đỡ con bằng tình yêu thương, chia sẻ. Nhà trường nên lồng ghép các hoạt động chăm sóc và nâng đỡ sức khỏe tinh thần học sinh trong hoạt động giáo dục, kỹ năng sống, phối hợp với phòng tư vấn tâm lý học đường để phòng ngừa. Tự hủy hoại bản thân luôn đi cùng với trầm cảm, khi đã đến giai đoạn này rồi thì rất khó để can thiệp…” – ThS. Hạnh cảnh báo.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)