Tòa soạnThư đi – tin lại

Cảnh báo trẻ đuối nước trong hè

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cần bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước trong hè. Ảnh: T.LÊ

Đuối nước là một trong những tai nạn có thể phòng tránh được. Nhưng nó lại dễ dàng gây ra những cái chết thương tâm cho trẻ em, nhất là trong dịp hè.
Ở khu vực nông thôn, nhiều gia đình làm nông, nên hàng ngày phụ huynh thường lo công việc đồng áng. Trong khi đó, các em nhỏ lại thường hiếu động, rủ nhau từng nhóm ra ao hồ, sông, suối để tắm và đùa nghịch. Những cái chết thương tâm cũng xảy ra từ đó. Cuối tháng 5 vừa qua, tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra một tai nạn thương tâm với 5 em nhỏ của hai gia đình nông dân nghèo. Sau khi đi hái điều, các em vào nhà dân xin nước uống, phát hiện thấy mương nước thông ra suối nên tới chơi. Một em bị trượt chân lọt xuống mương khá sâu và lần lượt 4 em còn lại nhảy xuống cứu bạn đều bị ngạt nước, chết đuối. Không chỉ ở Đồng Nai, gần đây có 3 em ở Gia Lai chết đuối rồi ở Hương Sơn (Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) cũng có 5 trẻ chết đuối… Rất nhiều vụ trẻ đuối nước (đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi) là do bố mẹ bất cẩn, thiếu sự giám sát cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho các con mình.
Theo thống kê từ Bộ Y tế và tổ chức UNICEF, hàng năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ tử vong, trong đó trên 3.500 em chết do đuối nước, chiếm tỷ lệ 50%. Những con số này làm chúng ta đau lòng, làm cho xã hội băn khoăn và lo lắng. Vậy chúng ta phải làm gì để bảo toàn tính mạng của trẻ em trước nhiều tai nạn và hiểm nguy đang rình rập – nhất là nạn chết đuối? Cần phải nói thêm là tình trạng trẻ chết đuối phổ biến ở nông thôn, miền núi – nơi có nhiều ao hồ, sông suối và ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long mỗi khi vào mùa lũ. Tuy nhiên, ngay cả ở các đô thị, vào mùa hè dường như năm nào cũng có trẻ tử vong tại các hồ bơi do người lớn lơ là và bất cẩn. Thực trạng trẻ thiệt mạng do đuối nước đã được cảnh báo từ nhiều năm qua và Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cùng các ngành liên quan đã có sự phối hợp để tổ chức chương trình dạy bơi cho học sinh tiểu học. Nhưng trên thực tế, việc này cũng chỉ có thể triển khai tại các thành phố lớn do có điều kiện là có sẵn hệ thống hồ bơi. Hầu hết các tỉnh, thành đành chấp nhận đề án nằm trên giấy bởi việc xây dựng hồ bơi trong nhà trường hoặc tại địa phương là rất khó thực hiện. Do vậy, tính mạng của trẻ trong độ tuổi đến trường, còn ham chơi, chưa đủ suy nghĩ chín chắn để biết dừng lại trước việc không nên làm… vẫn gặp nguy hiểm. Hơn nữa, đa số các khu vực sông nước dễ gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ em – trong đó có cả các hồ nước tạo ra do việc khai thác đất đá, công trường xây dựng… đều không có biển bảng cảnh báo để các em biết mà tránh xa.
Hiện nay, đang trong kỳ nghỉ hè, việc quản lý sinh hoạt cho của các thiếu nhi, thiếu niên cần được đặc biệt quan tâm. Thiết nghĩ, các địa phương hay đơn vị thi công các công trình nên có biển báo cần thiết để cảnh giới. Một điều rất cần ở các bậc phụ huynh, thầy cô giáo là thường xuyên nhắc nhở để các em hiểu rõ mối hiểm nguy đến từ sông nước để bảo toàn tính mạng của mình. Cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng chống tai nạn, xây dựng, triển khai các mô hình an toàn… Bởi, biện pháp quan trọng hiện nay để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước là sự quan tâm sâu sát hơn của gia đình và cả cộng đồng.
Minh Chí
(quận 12 – TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)