Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh báo U.40 mắc bệnh ung thư dạ dày ngày càng tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, năm 2014, tại bệnh viện, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày ở những người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 16%, và tỷ lệ này gia tăng lên đến 22% trong năm 2015.

Cảnh báo U.40 mắc bệnh ung thư dạ dày ngày càng tăng
Nguyên nhân
Theo khảo sát gần đây, ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Chỉ tính riêng tại nước ta, căn bệnh này đứng thứ 2 sau ung thư phổi ở nam giới, thứ 3 sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Khoảng 2/3 số người bệnh ung thư dạ dày tại VN được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, bướu đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.
Dù ung thư dạ dày thường gặp ở những người ngoài 50 tuổi nhưng các thống kê mới nhất cho thấy, căn bệnh nguy hiểm này đang có xu hướng trẻ hóa và đáng nói là tỷ lệ người dưới 40 tuổi mắc bệnh ngày càng tăng, đặc biệt có những trường hợp mắc ung thư dạ dày dưới 30 tuổi.
Cùng với những nguyên nhân truyền thống gây bệnh ung thư dạ dày như thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia thì cuộc sống bận rộn, thường xuyên ăn không đúng giờ, ăn quá nhanh, sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm nướng cháy, thực phẩm tấm hóa chất, sự hiện diện của khuẩn helicobacter pylori… cũng được xem là một trong những căn nguyên dẫn tới bệnh lý nguy hiểm này ở những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư dạ dày lại thường dễ bị bỏ qua bởi người trẻ tuổi thường quan niệm rằng hầu như ai cũng mắc bệnh về dạ dày.
Hơn nữa, người bệnh thường đi khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn và khó có thể chữa trị hiệu quả, phần lớn bệnh nhân đã ở tình trạng di căn và buộc phải điều trị bằng thuốc để kéo dài sự sống. Chính vì vậy, chớ có chủ quan với những bệnh lý thông thường về dạ dày như viêm loét dạ dày, bởi thực tế có nhiều trường hợp sinh thiết lành tính, soi dạ dày nhiều lần không phát hiện khối u ung thư, đến khi phẫu thuật thì u đã lan rộng. Với người bệnh viêm loét dạ dày, điều trị trên 3 tháng không khỏi thì nên lưu ý kiểm tra.
Coi chừng triệu chứng nôn ói
Mới đây, Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Mai Thị H. (23 tuổi, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn. Chị H. kể, cách đây 3 tháng, chị bắt đầu có cảm giác ăn uống không ngon, ăn không tiêu, đau bụng nhẹ vùng thượng vị. Tháng gần đây nhất là bị nôn ói, tuy nhiên khi nôn xong cảm thấy dễ chịu. Theo giải thích của ThS-BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược, đây là những triệu chứng của hẹp môn vị (hẹp đường thoát dạ dày). Thức ăn vào dạ dày sau đó xuống ruột non của môn vị thì bị chặn lại, không thoát được hay thoát chậm.
Chị H. cho biết trước đây có đến khám tại Bệnh viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nội soi nghi ngờ ung thư nên mới chuyển lên một cơ sở y tế khác tại TP.HCM. Tại đây, chị được nội soi và chẩn đoán bị loét dạ dày, không phát hiện ung thư. Tuy nhiên, chị H. vẫn không yên tâm nên đến Bệnh viện Đại học Y Dược kiểm tra kỹ lại. Kết quả giải phẫu bệnh là lành tính, nhưng do nghi ngờ bệnh nhân có khả năng bị ung thư nên bác sĩ chỉ định nội soi lại lần thứ 2 và kết quả giải phẫu bệnh vẫn là lành tính. Thế nhưng, dựa vào những triệu chứng lâm sàng, hình ảnh chụp CT scan bụng và kinh nghiệm chuyên môn, các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa đoán rằng là chị H. bị ung thư và có dấu hiệu hẹp môn vị nên quyết định phẫu thuật nội soi.
Khi mổ, các bác sĩ phát hiện khối u ở hang vị đã thâm nhiễm đến thanh mạc và gây bán hẹp môn vị dạ dày. Ê kíp thực hiện phẫu thuật sau đó đã tiến hành cắt khoảng 3/4 dưới dạ dày, nạo hạch triệt để và lấy ruột non lên nối với phần dạ dày còn lại. 3 ngày sau phẫu thuật nội soi, sức khỏe chị H. có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhân có thể ăn uống, đi lại bình thường và xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật. Tuy nhiên, giải phẫu bệnh cho thấy chị H. bị ung thư dạ dày đã xâm lấn đến lớp thanh mạc và có di căn hạch, đang ở giai đoạn 3B, nên vẫn được chỉ định hóa trị để tiếp tục điều trị bệnh.
Trước đó, Bệnh viện Đại học Y Dược cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ là sinh viên (23 tuổi, ngụ Đồng Nai) đến cấp cứu vì có biểu hiện đau dạ dày. Các bác sĩ phát hiện khối u dạ dày có dấu hiệu di căn ổ bụng. Với ung thư dạ dày di căn đến các cơ quan trong ổ bụng, việc phẫu thuật không còn ý nghĩa, nên người bệnh chỉ được điều trị nâng đỡ và giảm đau.
Cẩn thận khi bị viêm dạ dày
Theo ThS-BS Võ Duy Long, nguyên nhân gây ung thư dạ dày thực sự vẫn chưa được biết đến rõ ràng nhưng các yếu tố nguy cơ (như chế độ ăn nhiều muối, ăn nhiều thực phẩm ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm vi rút HP…) đã được nghiên cứu và ghi nhận.
Ngoài ra, những ai được chẩn đoán mắc bệnh dạ dày như loét, viêm dạ dày mãn tính, phẫu thuật dạ dày trước, polyp dạ dày, yếu tố di truyền, nhóm máu A thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày thường cao hơn những người bình thường.
Trước thực trạng ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, bác sĩ Duy Long khuyến cáo: người sau 40 tuổi, nếu có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm vi rút HP điều trị không hết thì nên đi tầm soát ung thư. Phương pháp tầm soát ung thư dạ dày là nội soi dạ dày. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh rất cao.

Cẩm Nhung/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)