Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Canh bổ từ nấm hương

Tạp Chí Giáo Dục

Hàm lượng chất xơ cao trong nấm hương sẽ ức chế sự lên men và tổng hợp glucose của nhân tế bào, từ đó sẽ giúp hấp thu glucose và ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường 

Ảnh: Hồng Thúy
Cũng như khổ qua, nấm hương có công năng đặc biệt ở chỗ kiện tì, ích khí, bổ não, tủy nên sẽ giúp cơ thể tăng cường chuyển hóa, hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường.
Nấm hương còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi thận và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa… Vì vậy, nó được xem là thực phẩm cần cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng.
Nấm hương là thực phẩm rất giàu chất xơ. Hàm lượng chất xơ cao này ức chế sự lên men và tổng hợp glucose của nhân tế bào, từ đó có vai trò nòng cốt trong việc hấp thu glucose, ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Từ nấm hương, chúng ta dễ dàng chế biến được nhiều món canh ngon và rất bổ dưỡng:
– Nấm hương với tụy heo: Nguyên liệu gồm 1 cái tụy heo (200 g), nấm hương (100 g), khổ qua 1 trái. Tất cả đem nấu canh, nêm gia vị vừa miệng, ăn 2-3 bữa một tuần. Đây là món ăn có tác dụng kiện tì, thanh nhiệt giải độc, lương huyết, mạnh tạng tụy, thích hợp cho những người tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.
– Nấm hương với khổ qua: Nguyên liệu gồm khổ qua (150 g), đậu phụ (200 g), nấm hương (200 g). Tất cả đem hầm chín, nêm gia vị vừa ăn. Món ăn này là bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát can, thận, kiện tì, trợ vận hóa, có thể dùng cho người rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp, mẩn ngứa, mày đay. Món này có thể ăn hằng ngày, rất thích hợp với người ăn kiêng, ăn chay.
– Nấm hương với thịt heo: Nguyên liệu gồm nấm hương (200 g), mộc nhĩ (150 g), thịt nạc heo (200 g), khổ qua (100 g). Tất cả đem nấu thành canh ăn 2-4 bữa trong tuần, có tác dụng bổ dưỡng ngũ tạng, kiện tì, tăng cường chuyển hóa. Món ăn này thích hợp cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp, thiếu máu, hạ cholesterol.
– Nấm hương với chân giò heo: Nguyên liệu gồm hoài sơn (10 g), ý dĩ (15 g), nấm hương (100 g), khổ qua (150 g), thịt chân giò (200 g). Tất cả đem hầm ăn cùng cơm 2 – 3 lần trong tuần. Món canh này có tác dụng kiện tì, ích khí, cường não, tủy, dưỡng huyết, sinh tân dịch; thích hợp cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu, thiếu sữa, suy nhược cơ thể.
– Nấm hương với thịt gà: Nguyên liệu gồm nấm hương (150 g), mộc nhĩ đen (100 g), thịt gà (150 g), khổ qua (100 g). Tất cả cho vào nồi với một lượng nước vừa đủ, hầm nhừ bằng lửa nhỏ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Món canh này có tác dụng kiện tì, bổ thận, ích khí, dưỡng huyết, thích hợp cho người mắc các chứng bệnh có biểu hiện khí huyết suy nhược, mệt mỏi nhiều, mắt mờ, đầu choáng, mất ngủ, hay quên, tiểu đường…
– Nấm hương với tim heo: Nguyên liệu gồm hoài sơn (15 g), thiên hoa phấn (10 g), khổ qua (100 g), nấm hương (150 g), tim heo 1 quả. Tất cả đem hầm nhỏ lửa, ăn nóng. Món canh này có tác dụng kiện tì, bổ tâm tạng, dưỡng khí huyết, thích hợp cho người mắc các chứng tì, vị hư nhược, mất công năng kiện vận do tâm hư nhược gây nên dẫn đến tiểu đường, phù thũng, ăn uống kém…
Theo Lương y Chu Văn Tiến
Báo Người Lao Động

 

Bình luận (0)