Cánh cửa tương lai không ai có thể mở giúp ta nếu ta không cố công tự tìm ra cách mở
Ảnh: N.Anh
|
Vừa qua tôi nhận được bức thư của một em học sinh từ Yên Dũng, Bắc Giang với nỗi bức xúc về chuyện chọn khối thi cho mình. Em chân thành bộc bạch:
Thầy ơi, em chẳng biết phải làm thế nào bây giờ. Hiện em đang học lớp 11 mà vẫn chưa biết mình nên theo khối gì để học và ôn thi đại học. Khối nào em cũng bị mất căn bản từ một đến hai môn. Cụ thể là: Khối A (toán, lý, hóa) thì có môn lý và hóa em đã mất gốc từ THCS. Khối B thì có môn hóa cũng vậy. Khối C thì môn văn em học rất dở, khả năng diễn đạt kém, bài văn lủng củng, sơ sài; còn môn lịch sử thì em không nhớ được các sự kiện lịch sử và thường học trước quên sau. Còn khối D: toán, văn, Anh cũng tương tự.
Em học lớp 11 rồi mà vẫn chưa có định hướng cho riêng mình, em không biết mình phải nên chọn khối nào để ôn thi? Với lực học của em như vậy thì liệu em có thi được vào đại học không thầy? Em thực sự rất lo lắng, gia đình em đã đặt rất nhiều hi vọng vào em trong kì thi đại học tới. Em phải làm sao bây giờ?
Tôi đã trả lời em rằng: Qua những bức xúc em trình bày trong thư thầy hiểu hiện nay em đang rối. Định hướng thi vào khối nào xem chừng cũng chông chênh. Em rất muốn tìm ra một lối đi chuẩn để có đủ thời gian, tâm sức tập trung cho nó. Chỉ có như thế mới hy vọng “đăng quang” nơi đích đến là kỳ thi vào đại học đúng không? Trong khi đó em đang là học sinh lớp 11 rồi; nếu không kịp điều chỉnh sẽ khó có cơ hội gặt hái thành công. Thầy rất thông cảm và chia sẻ cùng em những băn khoăn, bối rối đầy trách nhiệm trước ngưỡng cửa tương lai chính mình. Đây là mấy điều thầy muốn gợi ý để em suy nghĩ trong quá trình “giải mã” chính mình nhé!
Để không sai lầm trong chọn khối thi, trường thi bất cứ học sinh nào trước khi quyết định cũng phải bám sát ba yếu tố cơ bản là năng lực – sở thích và điều kiện. Từ nguyên tắc đó em hãy soi vào mình xem em đang là ai, đang có gì, muốn gì và thiếu gì?
Như em trình bày trong thư thì rõ là em đang thiếu ba thứ. Một là chưa có một ước mơ cụ thể cho riêng mình (nghĩa là thiếu đi động cơ và lý tưởng phấn đấu). Hai là thiếu ý chí học và phương pháp học (Hậu quả như em thừa nhận là nhiều môn đã mất gốc từ THCS. Ngay những môn cần ghi nhớ là chính như lịch sử em cũng “thường học trước quên sau”). Ba là thiếu niềm tin vào chính mình. (Chính em đã thốt lên trong thư câu hỏi đầy bi quan: Với lực học của em như vậy thì liệu em có thi được vào đại học không thầy?).
Trong thời gian tới nếu em kịp thời khắc phục được ba sự thiếu trên thì cái “định hướng cho riêng mình”, cái khối mà em cần chọn để ôn thi sẽ tự đến với em chứ em chẳng phải hoài công trăn trở tìm kiếm nó như bây giờ. Thầy nói thế có vẻ hơi “lý thuyết” chăng? Không. Rất thực tế đấy! Em cứ nghĩ kỹ xem, xưa nay có ai thành công trên con đường học vấn mà lại không có ước mơ, không có ý chí học, phương pháp học; không có niềm tin vào chính mình đâu…
Nếu cần một lời khuyên cụ thể thì theo thầy có lẽ em nên chọn thi vào khối A. Bởi như em nói khối B, C, D đều rơi vào những môn em học “rất dở”; trong đó có các môn học thuộc và môn chủ đạo là văn. Còn khối A em chỉ lo lý và hóa. Thực ra hai môn này rất gần với môn chủ đạo là toán. Nếu em đã giỏi toán rồi thì chẳng khó khăn gì để em khắc phục chúng một khi quyết tâm và tự tin đã đến với em.
Lần nữa thầy phải khẳng định với em rằng cánh cửa tương lai không ai có thể mở giúp ta nếu ta không cố công tự tìm ra cách mở. Mọi sự gợi ý của bất kỳ ai cũng chỉ là tác nhân xúc tác để em tham khảo và tự tin thêm. Mọi nụ mầm đều nở tự lòng ta. Hy vọng trong thời gian tới em sẽ nhanh chóng tìm ra chính mình; nhanh chóng xác tín định hướng học, thi và đỗ. Con đường tương lai đang rộng mở trước mắt.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
(Chuyên viên tư vấn tâm lý 1088 TP.HCM)
Phản hồi bài viết “Bỏ cho điểm môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục”
Không còn nỗi lo về điểm số
Kiểm tra bằng điểm hay bằng nhận xét – ở hình thức nào giáo viên (GV) cũng đánh giá rất nghiêm túc, nhận xét chính xác từng ưu điểm, nhược điểm của học sinh để từ đó cho ra một kết quả xếp loại thích hợp nhất. Vì vậy, em nghĩ khó có thể xảy ra tiêu cực trong vấn đề này.
Một số bạn có năng khiếu về hội họa hay âm nhạc không thích kiểm tra bằng nhận xét bởi các bạn cho rằng, nhờ có điểm số ở ba môn này cao mà kéo theo điểm tổng kết học lực trung bình lên. Còn khi kiểm tra bằng nhận xét thì lại khá dễ dãi cho những bạn học chưa tốt ba môn này vì chỉ cần đạt là đủ yêu cầu. Vì thế các bạn nghĩ đánh giá bằng hình thức nhận xét không công bằng, chưa ghi nhận được sự cố gắng, từ đó các bạn có năng khiếu sẽ thiếu đi sự cố gắng. Trong lớp em có nhiều bạn không có năng khiếu âm nhạc hay mỹ thuật lại cảm thấy rất thoải mái với hình thức kiểm tra bằng nhận xét bởi các bạn không còn lo lắng về điểm số mà chỉ cần cố gắng nắm kiến thức cơ bản đạt yêu cầu mà GV đề ra là được. Vì thế, hầu hết các bạn đều thấy tâm đắc với cách thay đổi kiểm tra, đánh giá như thế này.
N.T.H
(HS lớp 8, Trường THCS Ngô Chí Quốc, Q.Thủ Đức)
|
Tiếng nói từ hiệu trưởng
Khó khăn của trường “làng”
Có một thực tế là những trường học ở xa trung tâm thường ít về số lượng học sinh, khó khăn về cơ sở vật chất. Cụ thể như trường chúng tôi nằm trên địa bàn thưa dân cư nên việc ủng hộ của Ban đại diện CMHS không nhiều. Tuy nhiên không phải vì thế mà nhà trường không biết khắc phục những khó khăn. Thời gian trước đường vào trường luôn ngập nước do đường lớn cao hơn lối vào trường. Một thời gian học sinh và phụ huynh phải chịu cảnh lội nước vào trường, nhất là lúc mưa to, triều cường lớn. Cũng do ngập nước nên sân trường bị sụp làm cho bậc thềm ở 4 phía nứt toác trở thành chỗ trú ngụ của các loại rắn. Đó là điều trăn trở của các phụ huynh, vì vậy Ban đại diện CMHS đã “chung tay góp sức” sửa lại bậc tam cấp 4 phía sân trường. Công trình xây dựng tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của phụ huynh đối với tình hình khó khăn của nhà trường, đặc biệt là chỗ học, chỗ chơi cho các em học sinh. Rõ ràng nếu có sự quan tâm của Ban giám hiệu và sự hỗ trợ đắc lực của Ban đại diện CMHS thì những khó khăn về trường lớp sẽ được khắc phục.
Tuy nhiên không phải những trường xa trung tâm, khó khăn về cơ sở vật chất là những đơn vị yếu kém về chất lượng. Mặc dù mang tiếng “trường làng” nhưng trường chúng tôi nhiều năm qua – nhờ sự phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giáo viên – đã vươn lên thành đơn vị tiên tiến xuất sắc của ngành GD-ĐT, đang được xét duyệt đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đó cũng là niềm tự hào mà thầy trò Trường TH Bình Quới Tây đạt được.
Trần Anh Kiệt
(Hiệu trưởng Trường TH
Bình Quới Tây, Q.Bình Thạnh) |
Tìm hiểu văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên. Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố tổ chức chuyến đi thực địa tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk cho giáo viên mỹ thuật, đồng thời tập huấn triển khai hội thi Nét vẽ xanh lần thứ XV (tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc và trang trí của vùng Tây Nguyên). Thời gian từ ngày 10 đến 12-2. Thành phần tham gia gồm cán bộ chuyên môn văn – thể – mỹ của phòng GD-ĐT; giáo viên mạng lưới và giáo viên mỹ thuật của các trường THCS, tiểu học và mầm non.
P.V
|
Bình luận (0)