Cung leo được đánh giá là đẹp nhất nhì Việt Nam cùng thông tin về con đường đá cổ sắp bị phá bỏ đã thôi thúc chúng tôi lên đường chinh phục Nhìu Cồ San và đường đá cổ Pavie vào trung tuần tháng 11.
Chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San
Nhìu Cồ San và đường đá cổ Pavie là một trong nhưng cung đường leo đẹp nhất Việt Nam.
Nhìu Cồ San, theo tiếng dân tộc Mông có nghĩa là Sừng Trâu, nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Dãy núi Nhìu Cồ San có 2 đỉnh chĩa ra giữa trời, uốn cong cong như chiếc sừng trâu. Đây là ngọn núi cao thứ 9 của Việt Nam, cao 2.965m so với mực nước biển.
Như lệ thường đi leo núi ở Tây Bắc, đoàn chúng tôi gồm các thành viên từ nhiều miền đất nước, đã tới Sapa từ chiều tối hôm trước, nghỉ ngơi một đêm để chuẩn bị cho hành trình hôm sau. Chúng tôi sẽ đi 3 ngày 2 đêm, với tổng quãng đường đi 35km.
Từ Sapa, đoàn thuê xe ô-tô đi từ 6 giờ sáng, sau khoảng khoảng 2 tiếng rưỡi thì đến địa điểm tập kết ở bản Dền Sáng (huyện Bát Xát).
Chúng tôi gặp nhóm người dẫn đường và gùi đồ địa phương (thường được gọi là porter) sẽ cùng chúng tôi đi trên hành trình này. Sau khi trao đổi thống nhất lịch trình chi tiết, chúng tôi chuyển đồ đạc nhờ họ mang giúp, rồi đi xe ôm đi tới bản Nhìu Cồ San. Đoạn đường khoảng 7-8 km từ Dền Sáng đến Nhìu Cồ San này rất xấu, đá hộc lởm chởm, chỉ duy nhất xe máy đi được.
Đoạn đường khoảng 7-8 km từ Dền Sáng đến Nhìu Cồ San này rất xấu, đá hộc lởm chởm, chỉ duy nhất xe máy đi được.
Mỗi người mang ba lô nặng khoảng 5-7kg gồm nước uống, đồ ăn nhẹ và các vật dụng thiết yếu, bắt đầu hành trình leo tại điểm trường phân hiệu Chà Phà.
Đoạn đường đầu tiên không dốc, thời tiết đẹp, trời nắng nhưng không gay gắt khiến các thành viên trong đoàn rất phấn khích với hành trình phía trước.
Chúng tôi chọn leo đỉnh Nhìu Cồ San theo đường đi qua thác Ong Chúa và về qua bãi thả dê thay vì đi lên và về cùng qua bãi thả dê để tận hưởng được những cảnh đẹp nhất của cung leo.
Chúng tôi chọn leo đỉnh Nhìu Cồ San theo đường đi qua thác Ong Chúa và về qua bãi thả dê.
Chúng tôi đi khoảng hơn 2 tiếng, qua bản Nhìu Cồ San của người Mông, rồi băng qua một con suối lớn. Đúng như kế hoạch, đến 12h30, chúng tôi tiến vào một khu rừng rậm, dưới chân thác Ong Chúa – một thác nước rất đẹp.
Những luồng nước từ tít trên cao đổ xuống qua nhiều tầng bậc đá, rung rinh trong nắng như những cánh ong, có lẽ vì vậy mà hình thành tên gọi của thác. Đoàn chúng tôi ăn trưa và nghỉ ngơi lấy sức ngay dưới chân thác, nơi có vũng nước trong vắt nhìn thấu đá cuội ở bên dưới. Ở đây độ ẩm cao, rất mát, thậm chí lạnh.
Thực đơn cho bữa trưa là bánh chưng đen truyền thống của đồng bào dân tộc Dấy cùng chả lụa, dưa hấu, táo đá và lê Lào Cai. Nghỉ ngơi một lúc chúng tôi tiếp tục lên đường.
Mục tiêu tiếp của chúng tôi là lán nghỉ ở độ cao 2.300m. Porter Lầu A Cải cho biết sẽ đi trong khoảng 3-5 tiếng tùy vào thể lực của từng người.
Nghỉ ngơi dưới chân thác nước để chuẩn bị tiếp tục hành trình.
Từ chân thác Ong Chúa lên trên lán, đường dốc rất cheo leo, độ dốc lớn và còn phải vượt qua hai con suối lớn. Bù lại, đi trong rừng già và rừng trúc nhỏ không quá rậm rạp chắn lối, nên chúng tôi đỡ bị mất sức, và có thể ngắm nhìn thảm thực vật nguyên sơ trong rừng, phóng tầm mắt ngắm núi rừng bên dưới.
Thời tiết hôm đó khá đẹp, có nắng nhưng rất mát, nhiệt độ trong rừng vào khoảng 20 độ C. Chúng tôi đi cứ 30 phút lại nghỉ khoảng 5 phút. Theo kinh nghiệm leo núi thì không nên nghỉ lâu hơn, các cơ đang vận động sẽ bị cứng lại và cơ thể dễ nhiễm lạnh.
Nhóm đầu tiên tới lán nghỉ ở độ cao 2.300m vào khoảng 16h30. Lúc này những porters đã mang hành lý và thức ăn tới trước đang bắc bếp nấu bữa tối cho cả đoàn 48 người.
Lán nghỉ gồm hai khu nhà gỗ đủ chỗ cho khoảng 60 người, do một nhóm porter gồm 9 người dựng lên từ năm 2017 để phục vụ khách leo núi. Lý A Cải là một trong 9 người chủ lán cho biết, những du khách đầu tiên đến khám phá Nhìu Cồ San là vào năm 2013 và sau đó lượng khách tăng dần, vì thế họ quyết định xin phép và đầu tư làm lán.
Lán không nằm cạnh suối như các lán ở các cung leo khác nhưng nước suối được dẫn từ cách đó 300m nên khách vẫn có thể tắm được. Các porters sẽ đun nước nóng cho du khách để tắm (50 nghìn đồng/chậu) nếu có nhu cầu. Nhà tắm và khu vệ sinh ở đây khá sạch sẽ.
Các porters nướng thịt cho bữa tối trong khi các du khách ngồi sưởi ấm trong nền nhiệt độ 10 độ C.
Chúng tôi ăn tối lúc 7h30. Đồ ăn được các porters chuẩn bị rất ngon và đa dạng. Nhiệt độ trên núi lúc này chỉ vào khoảng 5 độ C, rất lạnh. Sau khi ăn xong, chúng tôi nhanh chóng đi ngủ để lấy lại sức cho hành trình leo lên đỉnh và xuống núi vào sáng hôm sau.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại lán, chúng tôi thức dậy từ khoảng 5h sáng, ăn sáng và xuất phát đi lên đỉnh lúc 6h để kịp ngắm bình mình trên đường đi.
Đường lên đỉnh không quá dốc, băng qua một khu đồi trọc trước khi vào khu rừng trúc nhỏ và đỗ quyên cổ thụ. Đoạn đường này có cảnh đẹp đến ngỡ ngàng và là một nơi săn mây hoàn hảo.
Lầu A Thính, một người dẫn đường của chúng tôi cho biết, vào mùa hoa đỗ quyên vào tháng 3-4, cả đỉnh núi Nhìu Cồ San chìm đắm trong sắc đỏ và tím, còn cuối tháng 12, đầu tháng 1, trên đỉnh thường xuyên có tuyết phủ.
Nhóm trekker đầu tiên lên đỉnh lúc 7h30. Chúng tôi nghỉ một lúc, chụp ảnh trên đỉnh núi, rồi nhanh chóng quay xuống lán nghỉ. Sau đó, thu dọn đồ, ăn nhẹ nạp năng lượng và tiếp tục đi xuống dưới chân núi để nghỉ đêm.
Nhóm các trekkers, đa số đến từ miền Nam chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Nhìu Cồ San.
Đường đi xuống dưới chân núi qua bãi dê không dốc nhưng đoạn này gần như đi trong khu vực đồi trọc và thời tiết nắng nên rất mất sức.
Chúng tôi đi khoảng 20-30 phút lại dừng nghỉ uống nước dưới bóng cây để tránh bị mất nước và sốc nhiệt. Đến khoảng 2 giờ chiều thì nhóm đầu tiên về tới bản Chà Phà, xã Sàng Ma Sáo, nơi chúng tôi sẽ ăn tối và nghỉ qua đêm tại nhà người dân ở đây.
Ngủ đêm tại nhà của người dân ở bản Chà Phà.
Khám phá đường đá cổ Pavie
Sau 2 ngày 1 đêm chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San, đến ngày thứ 3 đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục 15km con đường đá cổ Pavie.
Hành trình chinh phục 15km con đường đá cổ Pavie.
Con đường đá cổ Pavie được người Pháp xây dựng vào năm 1927 dài khoảng 70km nối xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát – Lào Cai) và Sin Suối Hồ (Phong Thổ – Lai Châu). Con đường làm bằng cuội và đá tảng xếp lại để phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, khoáng sản và thảo quả bằng sức ngựa, giờ chỉ còn lại khoảng 20km.
Chúng tôi dậy ăn sáng sớm và khởi hành từ Chà Phà vào lúc 6h, khi mặt trời bắt đầu mọc trên các dãy núi. Trước khi đến được điểm đầu của con đường, chúng tôi băng qua một thung lũng rất thơ mộng dưới chân núi Nhìu Cồ San. Từ phía này, chúng tôi mới có thể thấy đỉnh núi mà hôm qua đoàn đã leo lên.
Mọi người trong đoàn dành nhiều thời gian chụp ảnh ở thung lũng và trong khu rừng mà con đường đi xuyên qua. Ai cũng say mê và choáng ngợp bởi khung cảnh rừng nguyên sinh hiếm có trên cung đường này…
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Leo cung đường đá cổ Pavie không đòi hỏi quá cao về thể lực. Các con dốc ngắn, không gắt, và chủ yếu đi dưới tán cây rừng cổ thụ nên không mất sức. Đã có nhiều công ty du lịch tổ chức các chuyến đi dành cho các du khách muốn trải nghiệm chỉ riêng cung đường này, trong thời gian 2 ngày 1 đêm (ngủ đêm trong rừng)
Điều thu hút nhất ở con đường Pavie là xuyên qua một khu rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học cao. Rừng có nhiều tầng, rừng thảo quả và các loại cây hỗn hợp thấp tầng, cao hơn là các loại cây lá kim, cây lá phong và các loại cây gỗ lớn ở phía trên. Để chinh phục con đường đá cổ này chúng tôi phải vượt qua 2 con suối lớn. Đây là khu rừng nguyên sinh đẹp nhất trong các cung leo ở Tây Bắc mà tôi đã đi qua.
Điều thu hút nhất ở con đường Pavie là xuyên qua một khu rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học.
Trên đường đi, đoàn chúng tôi gặp một gia đình người dân tộc Mông ở Lai Châu đi bộ sang ăn cưới một người thân ở Lào Cai. Một thành viên trong gia đình cho biết đi bộ mất khoảng 3 tiếng thì đến nhà người thân, nếu đi bằng ô-tô sẽ mất khoảng 12 tiếng do phải đi đường vòng.
Gia đình người dân tộc Mông ở Lai Châu đi bộ sang ăn cưới một người thân ở Lào Cai.
Chúng tôi ăn trưa lúc 12h bên dòng suối cuối cùng của cung leo và sau đó đi tiếp về bản Sàng Ma Pho (Lai Châu) để tập trung và nghỉ ngơi trước khi đi ra điểm xe đón phía bên ngoài.
Thung lũng và cánh rừng trước khi vào đường đá cổ Pavi bên tỉnh Lào Cai mộng mơ và huyền bí, còn thung lũng bên ngoài cánh rừng phía tỉnh Lai Châu lại hùng vĩ, để lại ấn tượng khó phai cho chúng tôi.
Sau khi nghỉ ngơi và thu xếp hành lý, chúng tôi xuất phát lúc 16h bằng xe ôm băng qua quãng đường khoảng 18km trong đó có 9km đường rất xấu từ bản Sàng Ma Pho ra Sin Suối Hồ – điểm tập trung để xe ô-tô đón chúng tôi về Sapa.
"Cung leo Nhìu Cồ San và đường đá cổ Pavie là một trong những cung leo đẹp nhất Tây Bắc nhờ có hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, cùng núi, thác, suối và làng bản đẹp đến nao lòng", anh Mạnh Chiến, quản trị viên của diễn đàn Hội những người đam mê leo núi chia sẻ.
Có lẽ bất cứ ai từng leo Nhìu Cồ San và đường đá cổ Pavie đều đồng tình với nhận xét này của anh Mạnh Chiến.
Nguyễn Đức Hùng (theo dantri)
Bình luận (0)