Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cánh diều phim ngắn 2009 – Ngày càng chuyên nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Có lẽ khó đưa ra được nhận xét chung về “Cuộc thi phim ngắn 2009” do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức vừa kết thúc tuần qua tại TPHCM, khi chỉ có thể coi 12 bộ phim trong danh mục phim đề cử giải. Tuy nhiên, theo Ban giám khảo (BGK) nhận xét, năm nay tính triết lý trong các tác phẩm đã giảm, hiện thực đời sống được quan tâm, các tác giả chú ý hơn đến thị hiếu và tâm lý khán giả, có tác giả không ngại thử sức với đề tài khó…

“Mưa” giải cho Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM

Có thể cảm nhận sự sung sướng, hạnh phúc của thầy trò Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (ĐH SKĐA) TPHCM đêm 13-11. 5/11 giải thưởng đã thuộc về các đạo diễn trẻ vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, trong đó chủ yếu là những giải chính.

Ở mảng phim tài liệu, trường chỉ chọn gửi đi 2 bộ phim thì cả hai đều lọt vào danh mục phim đề cử giải. Kết quả, 2 bộ phim đều đoạt giải thưởng: giải bạc và giải khuyến khích (không có giải vàng phim tài liệu). Ở mảng phim truyện, 14/62 phim dự thi là của trường, 4 phim lọt vào danh sách đề cử, 3 phim đoạt giải, trong đó 1 phim đoạt giải vàng duy nhất, 1 giải khuyến khích và 1 bằng khen (không có giải bạc phim truyện).

Điều đặc biệt nhất là giải vàng phim truyện được trao cho bộ phim “Giao thừa” của sinh viên Hồ Thanh Tuấn. Đây có lẽ là giải thưởng hiếm hoi từ trước đến nay không bị tranh cãi. Ngay từ vòng đề cử, khi 12 bộ phim chiếu công khai phục vụ khán giả, “Giao thừa” đã được đánh giá cao và được tiên đoán sẽ là phim đoạt giải vàng.

“Giao thừa” là bộ phim duy nhất về đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, không vì lý do này mà bộ phim được chọn trao giải. Tác giả đã thực sự thuyết phục người xem trong một thời gian ngắn (30 phút) bằng một câu chuyện mang đầy đủ yếu tố kịch tính, chân thực và nhân bản.

Một câu chuyện thể hiện sự thông minh trong việc chọn và xử lý đề tài. Trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vừa qua, Hồ Thanh Tuấn đã chọn thời điểm giao thừa, khi mà 2 bên cùng thỏa thuận ngừng bắn để ăn tết cổ truyền dân tộc, câu chuyện của nhân vật được bắt đầu… Sự lựa chọn đúng đắn đã mang đến cho Hồ Thanh Tuấn thành công!

Không có chỗ cho sự “đánh đố”…

Năm ngoái, trong danh mục phim đề cử giải có vài ba bộ phim khai thác yếu tố “triết lý”, thậm chí ngay giải cao nhất cũng được trao cho một bộ phim dạng này là “Bóng rối”, một bộ phim mà người đoạt giải cũng không thể giải thích được ý đồ mà mình gửi gắm. Tất nhiên, bộ phim này cũng gây tranh cãi về tính tư tưởng, thủ pháp ẩn dụ trong phim.

Có lẽ với BGK thì cách gọi là thế, nhưng với khán giả chỉ có thể gọi nôm na là sự đánh đố. Chúng ta không phê phán những tác giả thích tìm tòi, mổ xẻ và khơi gợi trí tưởng tượng của người xem, nhưng nếu xem xong bộ phim khán giả có thể giải đáp sự “đánh đố” thì tốt hơn là… chẳng hiểu gì.

Phải chăng, đó cũng là lý do mà “Hình và bóng”, một bộ phim khai thác yếu tố “triết lý” của năm nay chỉ nhận được bằng khen từ BGK cuộc thi. Có lẽ tác giả bộ phim muốn mô tả thế giới nội tâm của con người, nhưng nghiêng về phía tham lam, hoang mang, những khoảng trống không thể lý giải… Tuy nhiên, cách làm phim quá dàn trải khiến người xem mệt mỏi.

Tiệm cận với hiện thực cuộc sống

Năm nay, từ hoạt hình, tài liệu cho đến phim truyện, đều cho thấy sự thay đổi trong thế giới quan của những nhà làm phim trẻ. Những ghi nhận từ sự quan sát cuộc sống đã được đưa lên phim với cách lý giải gần gũi, tự nhiên và chân thật.

Khán giả tìm thấy sự nhẹ nhàng, hài hước, đáng yêu trong “Câu chuyện mùa đông”, “Sadi đuổi quạ”; trong ngôn ngữ và tâm hồn thơ ngây của trẻ con ở “Lỗi tại ai?”, “2-4-6-3-5-7-chủ nhật”, “Khung trời ảo vọng” để rồi người lớn, những bậc làm cha làm mẹ không khỏi ngậm ngùi, chua xót vì những hành động của chính mình; thấy bi kịch của đời sống gia đình hiện đại trong “Một ngày – mọi ngày”; thấy sự nhân bản, bình dị trong “Hồn cát”, “Chú bé đánh giày”, “Bà ngoại leo dừa”…

Cuộc sống sẽ còn rất nhiều điều để khám phá. Đạo diễn là những người mang hơi thở cuộc sống đến gần với mọi người hơn thông qua tác phẩm của mình. Một thế hệ những đạo diễn trẻ đang trưởng thành từ mái trường và từ trải nghiệm của chính mình. Từ những tác phẩm phim ngắn này, chúng ta có thể tin tưởng vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, để những cuộc thi phim ngắn ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, có lẽ đã đến lúc cần tách riêng các thể loại phim cho từng cuộc thi. Thật không công bằng khi hoạt hình, tài liệu và phim truyện lại cùng được đặt trên một bàn cân khi mà hình thức thể hiện của chúng hoàn toàn khác nhau.

Hà Giang (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)