Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cánh én dệt nên mùa xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Ngọc Giàu trong vở Xóm gà

Đó chính là NSƯT Ngọc Giàu. Có phải vì những năm tháng phiêu bạt cùng Gánh Sơn đông mãi võ mà cái máu lãng tử đã thấm đẫm trong tư chất của chị, vốn dĩ là dòng dõi của vị vua khai sáng nhà Nguyễn – Gia Long. Tôi và Ngọc Giàu cùng tuổi đời, nhưng trong nghề, tôi và chị thuộc hai thế hệ. Ngày tôi tập tễnh bước lên sàn diễn thì chị đã là một trong những ngôi sao trẻ hiếm hoi lấp lánh trên bầu trời nghệ thuật cải lương. Ngày tôi lủi thủi đếm mấy đồng tiền nhịn ăn sáng bỏ ống để mua một chiếc vé vào Rạp Đại thế giới (Sài Gòn) thì chị đã rạng danh với Tim vàng ai xẻ làm đôi trên Sân khấu Kim Chưởng với giọng ca “nhung căng lụa trái” – cách gọi của báo chí thời đó. Không phải chị chọn mảnh đất cải lương để mưu sinh trong những ngày tháng thắt ngặt, nghèo khó của tuổi thơ mà chính nghệ thuật cải lương đã chọn chị như một điểm son hạnh ngộ, để từ đấy, hình thành một phong cách nghệ thuật riêng “rất Ngọc Giàu” trong suốt 50 năm qua.
Sân khấu cải lương với chị hầu như thoát ra khỏi lớp hóa trang cũ kỹ, lòe loẹt để đạt tới nét điểm trang tinh tế, chân thật. Hình ảnh người phụ nữ chuộng đời sống xa hoa, chạy theo mốt thời thượng, bỏ chồng trong Cho trọn cuộc tình đến đoạn cao trào, nhân vật trong trạng thái không điên không tỉnh đã được Ngọc Giàu diễn tả chỉ bằng mấy bước chân, rồi đứng lặng, kéo theo cái ánh mắt nửa bàng bạc sự uất nghẹn vì hối hận, nửa trêu cợt, bông lơn. Bất ngờ khán phòng vang dội tiếng vỗ tay. Phút giây ấy, tôi chợt nhận ra những tính cách đan xen trong con người nghệ sĩ ở chị, trên hết là tính trào lộng nơi một đào thương.
Không sang và hoàn hảo như Thanh Nga khi sự xuất hiện dễ làm người xem choáng ngợp, ở Ngọc Giàu là cái duyên trời cho cứ ngày một ngày hai làm người ta thấy thương, thấy cảm rồi mê, đâm ra ghiền. Khi không phải ra sân khấu, tôi thường đứng lặng lẽ trong cánh gà nghe chị ca, xem chị diễn những đoạn tôi thích, vừa bằng trái tim hồn nhiên xúc cảm của khán giả, vừa bằng đôi mắt quan sát của đồng nghiệp. Hiếm khi thấy ở người diễn viên nào tính chuẩn xác trong phát âm và hành động sân khấu như chị. Vai bà Hai Hương trong Đời cô Lựu là một chuẩn mực của nghệ thuật ca – diễn Ngọc Giàu. Chất đôn hậu, chân chất mà dí dỏm được thể hiện cả trong đường kim mũi chỉ, cho đến cái dáng điệu lúi húi, nụ cười thật thà mà chua chát, bàn tay run rẩy tìm cho ra chai dầu xanh… Có khi chỉ thoáng xuất hiện nhưng Ngọc Giàu đã hình tượng hóa, làm cho nhân vật vượt lên trên cả số phận của chính nó. Cô gái chửa hoang trong Vườn hạnh sau chùa hay Bảy cán vá trong Đời cô Lựu, nằm trong trường hợp trên. Những nhân vật không mấy dòng trong kịch bản, nhưng đã chiếm trọn cảm tình của người xem về tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Nghệ thuật cải lương không thành hình hẳn một nhân vật hề chèo như trong nghệ thuật chèo. Song phải cần cảm ơn “cái tay cán vá” đã mang lại cho sân khấu cải lương một tiếng cười sảng khoái, một kiểu hài hước đồng quê, hào sảng. Không bon chen để vào những vai chính, song Ngọc Giàu lại nổi bật như một nhân vật trung tâm bởi tài năng thể hiện đa dạng của chị. Chị có bản lĩnh của người thiết kế đội hình cho toàn vở diễn. Trên sân khấu, chị thường nhận làm điểm tựa cho bạn diễn, bắc cầu cho những cú đột phá sáng tạo bất ngờ. Hình tượng Lục Vân Tiên qua phong cách Ngọc Giàu vẫn là một chuẩn mực không một ai thay thế. Chúng tôi đã từng đóng cặp trong vở diễn cùng tên này. Sau khi thảo luận rất nhiều về vở diễn và vai diễn, chúng tôi thống nhất mỗi người tự tìm cho mình một cách cảm nhận và biểu đạt về Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, hẹn hai tuần sau đến rạp để ráp lại, hay thì để, dở thì cắt. Không ngờ cả hai cùng một điểm hẹn. Lục Vân Tiên của Ngọc Giàu và Kiều Nguyệt Nga của tôi đã tìm ra một thừa số chung của phép toán biểu hiện. Những hình tượng Lục Vân Tiên từ đó đến nay hầu như chưa làm nổi bước cách tân, so với Lục Vân Tiên – Ngọc Giàu ngày ấy. Xuân Canh Dần năm nay, trong chương trình “Nghệ sĩ mừng Xuân” của HTV phát vào tối giao thừa, tôi và Ngọc Giàu lại có cơ hội “tái xuất” với vai diễn này sau gần 20 năm. Những ngày cuối năm 2009, chị thực hiện live show Đêm tương ngộ gây quỹ ủng hộ đồng bào nghèo ăn Tết, một đồng nghiệp cho biết, chị nhất định không đưa trích đoạn Lục Vân Tiên vào vì thiếu Bạch Tuyết (tôi bận việc đi nước ngoài). Tấm lòng ưu ái với bạn diễn của chị khiến tôi nể phục và vô cùng xúc động.
Cảm ơn biết bao sự hiện diện của những cánh én như chị, luôn dệt những mùa xuân cho thánh đường nghệ thuật cải lương thêm nhiều hương sắc.
TS – NSƯT Bạch Tuyết
Ngọc Giàu ngoài đời là người vợ, người mẹ đầy trách nhiệm với gia đình. Có dịp trao đổi với chị một số vấn đề trong chân tình đồng nghiệp, rất dễ nhận ra ở chị sự hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự học hỏi kiên trì và tấm lòng thiết tha với nghệ thuật cải lương, ngay cả lúc nguy nan nhất thì hình ảnh của chị là tấm gương và cũng là sự động viên, khích lệ lớn lao cho chúng tôi – những người kế tục.
 

Bình luận (0)